14:55 14/03/2017

“Siêu dự án 15.000 ha tại Tp.HCM mới chỉ là ý tưởng”

Bảo Anh

Chủ tịch Tập đoàn Tuần Châu hiến kế cho Tp.HCM để phát triển nhanh vùng Cần Giờ - Củ Chi

Phối cảnh một khu đô thị hiện đại tại Cần Giờ - Củ Chi do Tuần Châu đề xuất.<br>
Phối cảnh một khu đô thị hiện đại tại Cần Giờ - Củ Chi do Tuần Châu đề xuất.<br>
“Siêu dự án có quy mô 15.000 ha mới chỉ là ý tưởng hiến kế mà chúng tôi đưa ra sau khi nhận được lời đề nghị hợp tác đầu tư giúp thành phố phát triển từ lãnh đạo UBND Tp.HCM”.

Đó là khẳng định của Chủ tịch Tập đoàn Tuần Châu Đào Hồng Tuyển với báo chí ngày 13/3, trước những ý kiến trái chiều về tính khả thi của dự án này, trong bối cảnh một dự án có quy mô nhỏ hơn nhiều do doanh nghiệp này đầu tư tại Hà Nội hơn 10 năm trước đến nay vẫn chưa hoàn thành.

Theo ông Tuyển, trước đó ông đã có buổi làm việc với lãnh đạo Tp.HCM, trong đó có đề nghị cá nhân ông hiến kế, đưa ra những ý tưởng giúp thành phố phát triển.

Sau đó, trong quá trình khảo sát thì Chủ tịch Tuần Châu nhận thấy vùng Cần Giờ - Củ Chi vẫn là hai vùng nghèo nhất, đất đai bỏ hoang, giao thông không được đầu tư.

Trong khi đó, khu đô thị Tây Bắc Củ Chi ra đời từ năm 2005, đến nay đã 12 năm rồi không phát triển được do không có hạ tầng kết nối. Việc ngân sách thành phố bỏ làm đường nối thành phố với Củ Chi cũng là không thể.

“Trước những điều trên, tôi suy nghĩ tại sao không làm một đại lộ ven sông Sài Gòn, không phải giải tỏa nhà dân mà tận dụng đất ven sông, đất bãi bồi. Dự án được thực hiện theo hình thức BT. Thành phố hoàn trả đất theo giá trị tương ứng tại hai dự án là Saigon New City và Saigon MarinaCity ở Cần Giờ rộng hơn 1.400 ha và một số mặt bằng trong thành phố”, ông Tuyển nói.

Sau khi khảo sát, các chuyên gia báo cáo có khoảng 15.000 ha đất trống ở Củ Chi, gần như hoang hóa, không trồng trọt gì được. Nếu làm một đại lộ nối về Củ Chi, giá đất sẽ tăng lên, nhà nước và người dân đều hưởng lợi lớn.

Theo ông Tuyển, tuyến đường này dự kiến làm khoảng 1,2 tỷ USD và trong 1 năm là xong. Tuy nhiên, doanh nghiệp này chỉ đưa ra ý tưởng làm đường và khai thác quỹ đất này làm khu đô thị, thành phố có thể giao cho nhà đầu tư khác, nếu không ai làm thì Tuần Châu sẽ làm.

“Tôi dâng tặng ý tưởng này, còn chuyện làm hay không làm là chuyện khác. Thành phố sẽ có 15.000 ha quỹ đất giá trị gia tăng, làm gì, giao cho ai, trong nước hay quốc tế đó là của nhà nước. Trọng tâm làm con đường, nhà nước có thể thu phí hoặc đổi đất”, ông Tuyển nói.

Về nguồn vốn cho dự án dự kiến rất lớn, ông Tuyển khẳng định, Tuần Châu không thể làm hết 15.000 ha mà chỉ làm khoảng 9.000 ha nếu được thành phố giao khi làm con đường. Khi làm con đường này xong, giá đất sẽ tăng mạnh. Các nhà đầu tư đối tác của Tuần Châu cũng đã thấy được đề án này khả thi nên rất hào hứng góp vốn.

Trước những phản hồi của dư luận về việc năng lực tài chính của Tuần Châu không đảm bảo khi dự án nhỏ chỉ 200 ha của doanh nghiệp này ở Hà Nội gần 10 năm vẫn chưa hoàn thành, Chủ tịch Tuần Châu cho hay, lý do kéo dài của dự án này là do khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội dự án đã phải dừng lại 4 năm để điều chỉnh quy hoạch Thủ đô. Sau đó lại bị áp vào quy hoạch làm vành đai xanh cho Hà Nội.

“Tuy nhiên vì danh dự tôi đã phải lăn lộn khắp nơi để xin đầu tư lại. Đến nay dự án mới xong khâu pháp lý. Trong quá trình này chúng tôi vẫn đầu tư vào dự án và dự kiến đến ngày 30/4 sẽ khánh thành khu vui chơi tại đây, một phần của dự án”, ông Tuyển nói.

Tuy nhiên, theo thông báo của Văn phòng Thành ủy Tp. HCM hồi cuối tháng 2 vừa qua, sau buổi làm việc với Tập đoàn Tuần Châu, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đã có kết luận về kế hoạch triển khai các dự án lớn trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, dự án thành phố Mới New City tại huyện Củ Chi; Dự án Đại lộ ven sông Sài Gòn; Dự án Hồ cảnh quan trung tâm thành phố mới tại Củ Chi; Dự án Sài Gòn Marina City và Hải cảng Hải sản Cần Giờ; Dự án di chuyển chợ hóa chất Kim Biên quận 5.

Trong đó, dự án thành phố Mới New City tại huyện Củ Chi có diện tích khoảng 15.000 ha, gấp 15 lần diện tích của hai dự án khu đô thị Phú Mỹ Hưng và khu đô thị Thủ Thiêm cộng lại, thuộc các xã phía đông bắc huyện Củ Chi.

Với quy mô này, sẽ hình thành một trung tâm đô thị mới của thành phố thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Trong thành phố mới, sẽ hình thành nên các khu nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ, tạo được công ăn việc làm, có đầy đủ dịch vụ và tiện ích phục vụ cư dân.

Dự án Đại lộ ven sông Sài Gòn nối huyện Củ Chi về đến quận 1, tận dụng quỹ đất ven sông, với chiều dài khoảng 59 km, tốc độ xe dự kiến 100 km/h, sẽ chỉ mất khoảng 20 - 30 phút để đi từ Củ Chi về quận 1. Chủ đầu tư dự kiến thi công xong đưa vào sử dụng trong 18 tháng. Đại lộ này sẽ tạo điều kiện kết nối với Quốc lộ 22, và các tuyến đường của tỉnh Bình Dương.

Ngoài ra, Tập đoàn Vingroup cũng đã quyết định đầu tư dự án khu công viên sinh thái động vật bán hoang dã Safari với diện tích khoảng 400 ha tại khu vực này.

Theo Chủ tịch UBND Tp.HCM Nguyễn Thanh Phong, thành phố ủng hộ đề xuất của Tập đoàn Tuần Châu xây dựng một khu đô thị tại khu Tây Bắc, nhưng lưu ý nhà đầu tư có thể chuyển hướng vào khu đô thị Tây Bắc đã có sẵn quỹ đất, quy hoạch.