15:32 29/12/2016

Thủ tướng: Hà Nội, Tp.HCM cần rà soát lại quy hoạch đô thị

Nguyên Hà

Người đứng đầu Chính phủ tỏ ra không hài lòng với những tồn tại của công tác quản lý hạ tầng, quy hoạch

Theo Thủ tướng, nếu tiếp tục xây chung cư cao tầng trong nội đô thì sẽ ảnh hưởng đến hàng loạt dự án nhà ở, khu đô thị ven đô, đô thị vệ tinh...<br>
Theo Thủ tướng, nếu tiếp tục xây chung cư cao tầng trong nội đô thì sẽ ảnh hưởng đến hàng loạt dự án nhà ở, khu đô thị ven đô, đô thị vệ tinh...<br>
“Có một điều rất lạ là tất cả các cơ sở di dời ở khu vực nội thành đều trở thành các khu đô thị cao tầng, gây ách tắc giao thông, quá tải trầm trọng hạ tầng về điện lực, vệ sinh môi trường, cấp thoát nước, trong khi chúng ta lại đang rất cần các công trình công cộng, công viên…”.

Phát biểu trên được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra trong phần kết luận phiên họp tổng kết 2016 của Chính phủ, sáng 29/12.

Chỉ đạo các bộ ngành địa phương đối với một số định hướng điều hành nền kinh tế trong năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề ra 30 nhiệm vụ, công việc cần phải làm quyết liệt trong năm tới, để đạt được các mục tiêu về kinh tế - xã hội mà Quốc hội đã thông qua.

Đáng chú ý, người đứng đầu Chính phủ tỏ ra không hài lòng với những tồn tại của công tác quản lý hạ tầng, quy hoạch hiện nay, đặc biệt là tại Hà Nội và Tp.HCM, và yêu cầu phải chấn chỉnh.

“Tôi yêu cầu tất cả các địa phương, đặc biệt là Tp.HCM và Hà Nội cần nghiêm túc rà soát lại, cần chấn chỉnh kịp thời trước khi quá muộn. Tôi đề nghị các đồng chí không được vì lợi ích trước mắt, thậm chí lợi ích nhóm mà quên lợi ích của cộng đồng. Nếu không sớm khắc phục thì sau này ngân sách Nhà nước đổ vào cũng không đủ mà giải phóng mặt bằng, làm hạ tầng…”, Thủ tướng nói.

Đặc biệt, theo Thủ tướng, nếu tiếp tục xây chung cư cao tầng trong nội đô thì sẽ ảnh hưởng đến hàng loạt dự án nhà ở, khu đô thị ven đô, đô thị vệ tinh..., và “nếu cứ mảnh đất nào trống cũng cho xây cao tầng hết thì Hà Nội sẽ ra sao?”.

“Tôi nói thật với các đồng chí rằng, không có một lý thuyết quy hoạch nào mà ở trung tâm Giảng Võ lại cho xây dựng chung cư 50 tầng với mấy ngàn hộ, nhân khẩu. Ai cấp phép cái đấy, quy hoạch nào cho phép cái đấy. 2.800 hộ mà mỗi nhà giàu có hai ôtô thì đi đường nào. Tôi đề nghị ngày 15 vừa rồi báo cáo lên nhưng đến giờ các đồng chí chưa báo cáo”, ông nói.

Liên quan đến việc di dời các cơ sở nội đô để giảm áp lực giao thông, báo cáo mới nhất của UBND thành phố Hà Nội cho thấy, có 9 cơ quan được bố trí đất để chuyển trụ sở là các bộ Công an, Ngoại giao, Nội vụ, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ; Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao; Tòa án Nhân dân Tối cao; Thanh tra Chính phủ; Ủy ban Dân tộc.

Tuy nhiên, trong đó có 7 đơn vị tiếp tục giữ trụ sở cũ hoặc bàn giao cơ quan Trung ương quản lý; 2 cơ quan được chấp thuận chuyển đổi mục đích sang đầu tư xây dựng nhà ở, văn phòng cho thuê.