10:20 12/09/2007

Tp.HCM: Thị trường nhà trọ lên cơn "sốt"

Nguyễn Huyền - Lâm Duy

Vào những ngày này, tình trạng khan hiếm nhà trọ ở Tp.HCM càng thêm gay gắt, giá nhà trọ đã tăng 10-20% so với cách đây 1 tháng

Khối lượng sinh viên đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng tại Tp.HCM phần lớn là dân tỉnh.
Khối lượng sinh viên đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng tại Tp.HCM phần lớn là dân tỉnh.
Thị trường nhà trọ cho sinh viên thuê tạm thời bình ổn khi mùa thi đại học đi qua. Tuy nhiên, thời gian tạm lắng không bao lâu, mùa khai trường lại đến và "cơn sốt" nhà trọ giờ mới thật sự tăng "nhiệt".

Vào những ngày này, tình trạng khan hiếm nhà trọ ở Tp.HCM càng thêm gay gắt, giá nhà trọ đã tăng 10-20% so với cách đây 1 tháng.

Năm học mới bắt đầu, không chỉ tân sinh viên lo tìm chỗ trọ mà cả sinh viên sau khi hoàn thành năm học thứ nhất từ các khu ký túc xá quận Thủ Đức về Tp.HCM theo học năm hai. Hiện số lượng nhà trọ ở Tp.HCM ngày càng khan hiếm, cầu vượt cung đã đẩy giá thuê tăng chóng mặt. Mặc dù một số trường đại học, cao đẳng tại Tp.HCM cũng có ký túc xá cho sinh viên, nhưng chỉ đáp ứng một lượng nhỏ trong khi nhu cầu chỗ ở cho sinh viên quá lớn.

Điệp khúc "khổ" vì thuê nhà

Khối lượng sinh viên đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng tại Tp.HCM phần lớn là dân tỉnh. Do đó, việc tìm được một chỗ trọ gần trường, phù hợp với nhu cầu cơ bản và nhất là hợp với túi tiền bé nhỏ cũng là điều bức xúc lớn đối với họ.

Nguyễn Dũng Nhỏ, quê ở An Giang, sinh viên năm thứ 2 trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Tp.HCM) nói: "Tôi đã tìm nhà trọ hơn tháng nay rồi, nhưng giờ vẫn chưa tìm được cái nào phù hợp với điều kiện vừa học vừa đi làm thêm của tôi cả". Dũng Nhỏ đang phục vụ bàn ở một quán karaoke, làm việc từ 18-24h, rất hạn chế về thời gian.

Các bạn sinh viên ở Tp.HCM có 2 cách để tìm nhà trọ, đó là đến Trung tâm Hỗ trợ sinh viên hoặc tìm thông tin trên báo Mua và Bán. Tuy nhiên, số lượng phòng mà Trung tâm này giới thiệu cũng rất hạn chế. Một cán bộ phụ trách bộ phận Nhà trọ của Trung tâm cho rằng có một số chủ nhà đang "găm nhà chờ giá" khiến cho tình trạng nhà trọ đầu năm học này càng trở nên khan hiếm. Căng thẳng nhất là nhà trọ cho sinh viên các trường thuộc khu vực quận 1, 3 và 5 Tp.HCM.

Trong khi đó, nếu tìm nhà trọ theo cách thứ hai thì "thường gặp phải nạn cò nhà". Bạn Nguyễn Minh Nhật, sinh viên năm 2, Đại học Bách khoa Tp.HCM cho biết: "Trước khi đi xem nhà, tôi phải bỏ ra 50 ngàn đồng cò mới chịu dẫn đi, còn chuyện thuê được hay không thì họ không cần biết". Dạo qua một vòng các khu nhà trọ ở các Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Sư phạm, Bách khoa..., đến đâu cũng vẫn mãi câu trả lời "hết phòng".

Nếu muốn thì ở ghép với giá 300 ngàn đồng/người, đó là chưa tính tiền điện, nước phải trả với giá 2.500 đồng/KWh và 30 ngàn đồng/người tiền nước. Cộng một tháng chi phí cho chỗ ở gần 400 ngàn đồng!

Với mức giá như thế sinh viên gia đình nông thôn khó lòng kham nổi. Do vậy, phải ra các quận ngoại thành thuê nhà: Bình Tân, Tân Phú, Phú Nhuận... Tại chung cư Nguyễn Thiện Thuật ở quận 3, một căn hộ rẻ nhất cũng có giá 2-2,5 triệu đồng/tháng.

Chung quy do cung chưa đáp ứng cầu

Ký túc xá Đại học Khoa học tự nhiên mỗi năm chỉ có thể hỗ trợ 100 suất cho sinh viên. So với con số hơn 1.000 sinh viên có nhu cầu mỗi năm thì con số này như muối bỏ biển. Các trường khác thì có khá hơn một tí, nhưng vẫn không đủ đáp ứng đủ nhu cầu trọ của sinh viên.

Nhiều người thuê nhà cho biết, từ đầu năm nay giá nhà trọ đã tăng lên 10-20% so với năm ngoái. Họ cho rằng tăng giá thì cũng hợp lý, nhưng phải tăng thêm điều kiện ăn ở, sinh hoạt... Nhưng khi chủ nhà trọ thấy báo chí đưa tin giá nhà trọ tăng, thiếu nhà trọ nên đã đồng loạt tăng giá.

Có chủ nhà đã cho sinh viên thuê một phòng 6 người, giá 1,2 triệu/tháng, nhưng khi có người khác đến hỏi ngã giá 1,5 triệu/tháng thì cắt hợp đồng ngay. Cũng có chủ nhà trọ còn phòng nhưng treo bảng hết phòng chờ ngày cận học thì tăng giá.

Con "sốt" giá nhà ảnh hưởng rất lớn đến đời sống đại bộ phận sinh viên từ quê lên Tp.HCM học, bởi họ phải chịu áp lực từ rất nhiều phía: đang trọ ở chỗ này nhưng tháng sau không biết có còn ở hay không, và họ có nguy cơ bị đuổi bất kỳ, khi có ai đó trả giá thuê cao hơn.

Đây là chuyện rất thường xảy ra, vì Tp.HCM là nơi có nhiều người đến làm việc và học tập nên nhu cầu nhà trọ là rất lớn. Nên chăng Tp.HCM cần có chương trình xây dựng ký túc xá cho sinh viên thuê ngay từ bây giờ?