10:52 04/06/2017

Tp.HCM tính thu phí vỉa hè lên tới 100.00 đồng/m2 mỗi tháng

Bảo Quyên

Mức thu phía vỉa hè được phân theo khu vực, trong đó quận 1 là nơi có mức phí dự kiến cao nhất

Việc sử dụng vỉa hè để trông xe có thu phí hiện đang gây ra nhiều luồng ý kiến trái chiều trong dư luận.<br>
Việc sử dụng vỉa hè để trông xe có thu phí hiện đang gây ra nhiều luồng ý kiến trái chiều trong dư luận.<br>
Sở Giao thông Vận tải Tp.HCM vừa gửi văn bản xin ý kiến các sở ngành về dự thảo đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn thành phố.

Theo cơ quan này, hiện nay trên địa bàn Tp.HCM có 345 tuyến đường cho phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè làm bãi giữ xe công cộng có thu phí, phục vụ kinh doanh và cho phép đỗ xe dưới lòng đường có thu phí.

Trong đó, có 160 tuyến đường được phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè làm bãi giữ xe công cộng, 112 tuyến đường cho kinh doanh dịch vụ, buôn bán hàng hóa và 73 tuyến đường cho phép đỗ xe dưới lòng đường có thu phí.

Hiện, các quận 1, 3, 5 đã triển khai thu phí sử dụng lòng đường để đỗ ôtô. Tuy nhiên, việc thực hiện thu phí dưới hình thức phiếu thu theo lượt với mệnh giá 5.000 đồng/xe/lượt là quá thấp.

Ngoài ra, việc một số quận vẫn chưa triển khai tổ chức thu phí dẫn đến nhiều trường hợp lợi dụng vấn đề này để biến lòng lề đường thành bãi đỗ xe suốt thời gian dài.

Do đó, việc xây dựng một đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè mới sẽ giúp quản lý việc sử dụng một phần công năng của lòng đường, vỉa hè có hiệu quả, đúng mục đích, bảo đảm an toàn giao thông, vệ sinh môi trường…

Đề án dựa trên cơ sở diện tích đất sử dụng, giá đất hằng năm do UBND thành phố ban hành vào năm 2014 và tỷ lệ phần trăm giá đất theo quyết định của thành phố vào năm 2017. Theo đó, nếu sử dụng tạm thời vỉa hè để làm bãi giữ xe, kinh doanh ẩm thực, chợ đêm và một số hoạt động dịch vụ khác thì phải đóng phí.

Mức thu dự kiến được phân theo khu vực, trong đó khu vực 1, tỷ lệ thu là 2%, gồm các quận 1, 3, 4, 5, 10, 11, Tân Bình, Phú Nhuận; khu vực 2, tỷ lệ thu là 1,8% gồm các quận 6, 7, Gò Vấp, Bình Thạnh, Tân Phú; khu vực 3, tỷ lệ thu là 1,6% gồm các quận 2, 8, 9, 12, Bình Tân, Thủ Đức; khu vực 4, tỷ lệ thu 1,4% gồm các huyện Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè, Hóc Môn. Huyện Cần Giờ thuộc khu vực 5 với tỷ lệ thu là 1,2%.

Mức thu cụ thể như sau: quận 1 là 100.000 đồng/m2/tháng; quận 3 là 80.000 đồng/m2/tháng; quận 4 và quận Bình Thạnh là 30.000 đồng/m2/tháng; quận 5 là 50.000 đồng/m2/tháng; quận 6 và Tân Bình là 25.000 đồng/m2/tháng; quận 10 là 45.000 đồng/m2/tháng; quận 11 là 35.000 đồng/m2/tháng; quận Phú Nhuận  là 40.000 đồng/m2/tháng.

Trong khi đó, các quận 2, 7, 8, 9, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Thủ Đức, Tân Phú, Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Củ Chi, Cần Giờ là 20.000 đồng/m2/tháng.

Sở Giao thông Vận tải cũng quy định mức phí sử dụng tạm thời lòng đường để đậu xe. Dự kiến, mức phí đậu xe ôtô từ 10 chỗ trở xuống, mức phí tối đa đối với khu vực 1 là 20.000 đồng/xe/lượt ban ngày và 40.000 đồng/xe/lượt ban đêm; đối với các khu vực còn lại là 15.000 đồng/xe/lượt ngày và 30.000 đồng/xe/lượt ban đêm.

Đối với xe ôtô trên 10 chỗ, mức phí tối đa đối với khu vực 1 là 25.000 đồng/xe/lượt ban ngày và 50.000 đồng/xe/lượt ban đêm; đối với các khu vực còn lại là 20.000 đồng/xe/lượt ban ngày và 40.000 đồng/xe/lượt ban đêm.

Lý giải cho việc đề xuất thu phí này, Sở Giao thông Vận tải Tp.HCM cho rằng, mục đích của việc thu phí là để quản lý sử dụng một phần công năng của lòng đường, hè phố trên địa bàn thành phố được hiệu quả, đúng mục đích, đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị, đáp ứng nhu cầu thiết thực của các tổ chức và người dân thành phố.

Mặt khác, việc thu phí còn nâng cao trách nhiệm của các cá nhân và tổ chức khi sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố. Đồng thời, người sử dụng lòng đường, vỉa hè phải có nghĩa vụ đóng góp một phần chi phí cho ngân sách nhà nước góp phần duy tu bảo dưỡng đường bộ, bến bãi.