09:21 10/11/2008

“Treo” quy hoạch, không “treo” quyền lợi của dân

Minh Thúy

8/11 - Ngày đô thị Việt Nam - cũng là ngày mà Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Quy hoạch đô thị

 Dự thảo luật quy định, thời hạn quy hoạch đối với quy hoạch chung đô thị trực thuộc Trung ương từ 20 đến 25 năm, tầm nhìn đến 50 năm; đối với thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh từ 20 đến 25 năm.
Dự thảo luật quy định, thời hạn quy hoạch đối với quy hoạch chung đô thị trực thuộc Trung ương từ 20 đến 25 năm, tầm nhìn đến 50 năm; đối với thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh từ 20 đến 25 năm.
8/11 - Ngày đô thị Việt Nam - cũng là ngày mà Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Quy hoạch đô thị.

Nhiều đại biểu đã nêu thực trạng lâu nay là nỗi bức xúc của cử tri: quy hoạch treo làm cho người dân điêu đứng. Đại biểu Phạm Phương Thảo (Tp.HCM) thể hiện chính kiến: “Quy hoạch thì có "treo", nhưng chúng ta sẽ không "treo" quyền lợi của người dân, chúng ta cần có những quy định rõ ràng bởi luật này không quy định thì luật nào quy định cũng sẽ rất khó khăn”.

Tiêu chí và phân loại đô thị, trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch đô thị, thẩm quyền phê duyệt, nội dung và đồ án quy hoạch, hội đồng kiến trúc quy hoạch và kiến trúc sư trưởng… là những nội dung khác được cái đại biểu tập trung thảo luận.

Phải “nhìn xa, trông rộng”

Dự thảo luật quy định, thời hạn quy hoạch đối với quy hoạch chung đô thị trực thuộc Trung ương từ 20 đến 25 năm, tầm nhìn đến 50 năm; đối với thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh từ 20 đến 25 năm.

Nhiều đại biểu cho rằng thời gian nghiên cứu dự báo phải xa hơn. Đô thị đặc biệt phải có tầm nhìn hàng trăm năm, đại biểu Hoàng Văn Toàn (Vĩnh Phúc) phát biểu.

Để khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, thiếu sự kết nối và tính tổng thể của nhiều đồ án, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Gia Lai) đề nghị luật quy định Chính phủ lập quy hoạch đô thị tổng thể quốc gia mang tầm khu vực quốc tế, định hướng phát triển và có tần nhìn đến 50 năm.

Theo đại biểu Bùi Thị Lệ Phi (thành phố Cần Thơ) quy hoạch đô thị phải đảm bảo tính giá trị, tính bền vững và tính liên tục. "Khi đã phê duyệt quy hoạch rồi thì Chính phủ phải đảm bảo điều kiện đủ nguồn lực để thực hiện quy hoạch, tránh tình trạng quy hoạch treo hoặc tránh tình trạng khi công bố bản quy hoạch cho dân rồi thì chỉ trở thành bức tranh đầy mầu sắc để người dân ngắm", bà Phi nói.

Kiến trúc sư trưởng, cần hay không?

Nhiều ý kiến đại biểu đề nghị cần cân nhắc về mô hình kiến trúc sư trưởng vì thời gian qua vai trò của chức danh này thời gian qua còn mờ nhạt.

Đại biểu Nguyễn Vĩnh Hà (Kon Tum) đề nghị không quy định chức danh này trong luật, vì từ năm 1992-2002, tại Tp.HCM và Hà Nội đã thành lập chức danh này, nhưng hoạt động không có hiệu quả, chồng chéo với chức năng của nhiều cơ quan khác.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai (Ninh Thuận) cho rằng, đã có các cơ quan chuyên môn tham mưu giúp UBND tỉnh, thành phố quản lý Nhà nước về quy hoạch kiến trúc đô thị. Nên chăng khi thiết kế xây dựng tổ chức quy hoạch đô thị sẽ thuê kiến trúc sư trưởng làm tư vấn?

Luật nên thiết kế theo hướng mở với nội dung này là ý kiến của đại biểu Nguyễn Bá Thanh (Đà Nẵng). “Đối với đô thị loại đặc biệt thì nên có thiết chế kiến trúc sư trưởng, các đô thị còn lại thì không nhất thiết phải có”, ông Thanh nói.

Riêng đại biểu Phạm Phương Thảo (Tp.HCM) khẳng định: kiến trúc sư trưởng là rất cần đối với đô thị, nhất là những đô thị lớn. Tuy nhiên, chức năng của kiến trúc sư trưởng chỉ tư vấn là chính, không bị hành chính hóa.

* Theo số liệu từ tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Quy hoạch đô thị, hiện cả nước có trên 743 đô thị các loại (bao gồm từ đô thị loại 5 đến đô thị loại đặc biệt). Trong đó, có 2 đô thị loại đặc biệt (Hà Nội và Tp.HCM), 3 đô thị loại I, 14 đô thị loại II, 36 đô thị loại III, 41 đô thị loại IV, 647 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hoá đạt gần 30%.