15:40 24/10/2014

“Doanh nghiệp Việt có cách làm việc rất khác đối tác Nhật”

Lê Hường

Tổng giám đốc KDDI Việt Nam mong muốn một môi trường kinh doanh với phong cách làm việc nhanh gọn

Ông Fukuda Hiroki, Tổng giám đốc Tập đoàn KDDI Việt Nam.
Ông Fukuda Hiroki, Tổng giám đốc Tập đoàn KDDI Việt Nam.
“Chúng tôi mong muốn một môi trường kinh doanh với phong cách làm việc nhanh gọn, sự chính xác và rõ ràng trong các bộ luật tại Việt Nam”, ông Fukuda Hiroki, Tổng giám đốc Tập đoàn KDDI Việt Nam, nói.

Đến Việt Nam từ gần 20 năm trước nhưng tập đoàn viễn thông công nghệ này của Nhật Bản vẫn chỉ dừng ở việc cung cấp các sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông cho các nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam. Vì sao như vậy?

Ông Fukuda Hiroki giải thích:

- Tập đoàn chúng tôi đã có mặt tại Việt Nam từ năm 1996. KDDI đến Việt Nam cùng lúc với làn sóng đầu tư từ Nhật Bản hướng tới thị trường Việt Nam và khách hàng mục tiêu của chúng tôi tại thời điểm đó là các doanh nghiệp Nhật Bản. Các sản phẩm cung ứng chủ yếu là sản phẩm và dịch vụ hạ tầng, các giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp.

Sau đó 4 năm, chúng tôi chính thức có giấy phép và bắt đầu hoạt động. Tuy nhiên, do các quy định cho các doanh nghiệp viễn thông đến từ nước ngoài, chúng tôi không thể cung cấp các dich vụ về truyền thông vốn là hoạt động chủ yếu của công ty tại Nhật Bản, nên đã triển khai kinh doanh cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin.

Vậy chiến lược phát triển của KDDI tại thị trường Việt Nam hiện tại là gì, thưa ông?

Mặc dù đã ở Việt Nam một thời gian khá dài, nhưng đến thời điểm này, khách hàng chủ yếu của chúng tôi vẫn là các doanh nghiệp Nhật Bản. Dù vậy, chúng tôi vẫn đang nghĩ đến việc tiếp cận khách hàng là công ty Việt Nam với những giải pháp thuộc thế mạnh của mình.

Đó là những giải pháp B2C (doanh nghiệp đến khách hàng - PV), theo hướng sẽ cung cấp một số dịch vụ về cung cấp phần mềm lưu trữ dữ liệu, xây dựng trung tâm lưu trữ dữ liệu. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn gặp khó khăn trong định hướng phát triển này.

Bởi vì, doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu và cách làm việc rất khác với các đối tác Nhật.  

Chúng tôi cần thời gian nghiên cứu và hy vọng sẽ có thể đáp ứng nhu cầu của thị trường Việt Nam trong thời gian tới.

Ông nghĩ gì về môi trường đầu tư của Việt Nam? Theo ông, Chính phủ Việt Nam cần làm gì để thu hút thêm ngày càng nhiều nhà đầu tư Nhật Bản đến Việt Nam?

Theo tôi, môi trường đầu tư Việt Nam có nhiều điểm thuận lợi trong thu hút doanh nghiệp  nước ngoài đến Việt Nam. Cho dù, với nhiều năm làm việc tại đây, tôi nhận thấy vẫn còn một số điểm hạn chế.

Từ góc độ chính sách, có nhiều chính sách về lao động và thuế chưa hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng kinh doanh tại Việt Nam.

Chẳng hạn, những khó khăn trong trong việc thuê nhân viên người Nhật Bản tại công ty Nhật, như việc xin giấy phép làm việc rất phức tạp. Để mở rộng quy mô hoạt động, cũng như để đảm bảo chất lượng Nhật Bản, việc tăng lao động Nhật Bản trở nên thiết yếu. Thế nhưng, Luật Lao động Việt Nam hiện nay lại có xu hướng hạn chế việc tuyển lao động nước ngoài.

Do đó, theo tôi, việc xây dựng một môi trường thuận lợi để làm việc cho người nước ngoài là rất quan trọng.

Thứ hai, về các chính sách thuế. Việc thực thi các thủ tục thuế của Việt Nam đôi khi có sự bất nhất từ cấp lãnh đạo đến các cán bộ thực thi. Trong một số trường hợp, từ văn bản đến thực tế áp dụng có nhiều cách hiểu khác nhau với cùng một vấn đề.

Do đó, trong nhiều trường hợp, nhân viên hành chính thuế người Việt Nam của chúng tôi đã gặp nhiều khó khăn, bối rối. Đây không chỉ là vấn đề của KDDI mà là vấn đề chung của nhiều doanh nghiệp Nhật Bản khác.

Vì vậy, chúng tôi mong muốn một môi trường kinh doanh với phong cách làm việc nhanh gọn, sự chính xác và  rõ ràng trong các bộ luật tại Việt Nam, không chỉ là luật lao động hay luật thuế.