11:20 21/07/2021

Doanh nghiệp đường sắt chở hàng container sang châu Âu

Tuệ Mỹ

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19  bùng phát trên phạm vi toàn cầu, vận tải đường biển quốc tế đang đối mặt với thời kỳ khó khăn. Vận tải đường sắt với nhiều ưu thế, đang là đối tác vận chuyển đáng tin cậy nhất để vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam sang Châu Âu...

Ngày 20/7, đoàn tàu đầu tiên vận chuyển container dệt may, da giày đã chạy thẳng từ Việt Nam sang Bỉ, mở tuyến vận tải mới đến châu Âu.

Theo lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), đoàn tàu đầu tiên vận chuyển container sang châu Âu gồm 23 container 40 feet được vận chuyển với các loại hàng hóa như dệt may, da giày. Hành trình đoàn tàu được xuất phát từ Ga Liên vận quốc tế Yên Viên vận chuyển đến Trịnh Châu - Trung Quốc sau đó được kết nối vào đoàn tàu Á - Âu để đến điểm đích. Tổng thời gian hành trình khoảng 25 - 27 ngày.

Đây là đoàn tàu container do Công ty Ratraco kết hợp với các doanh nghiệp vận chuyển, giao nhận các nước cung cấp chuỗi dịch vụ logistics cho khách hàng từ Việt Nam đến châu Âu.

Thời gian qua, đường sắt Việt Nam đã xúc tiến vận chuyển container đến Trung Quốc và quá cảnh đi Nga, các nước Trung Á. Theo lãnh đạo VNR, với ưu thế kết nối đường sắt liên vận quốc tế, đường sắt còn có chi phí thấp, đúng giờ nên gần đây vận chuyến hàng hóa bằng đường sắt tăng trưởng mạnh, bù đắp cho kinh doanh vận tải hành khách giảm sút do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Ông Nguyễn Hoàng Thanh, Phó Tổng Giám đốc Ratraco cho biết: “Việc tổ chức thành công đoàn tàu từ Việt Nam sang Bỉ sẽ tiếp tục mở ra những tuyến vận tải đường sắt đi sâu nội địa châu Âu, ngoài các tuyến đã khai thác sang Đức, Ba Lan”.

Đại diện Ratraco cũng cho biết thêm, hiện nhu cầu vận chuyển hàng hóa liên vận rất lớn, từ trước đến nay Việt Nam chủ yếu là vận tải bằng đường biển và đường bộ. Từ trước đến nay, trở ngại lớn nhất là khổ đường sắt chênh lệch nhau khiến năng lực vận tải bị hạn chế. Trong khi đó, việc xây dựng tuyến đường sắt này không có gì khó khăn, chỉ cần làm tuyến kết nối sang Trung Quốc, rồi từ Trung Quốc sang Châu Âu.

Đây là đoàn tàu container đầu tiên do Công ty Ratraco kết hợp với các doanh nghiệp vận chuyển, giao nhận các nước cung cấp chuỗi dịch vụ logistics cho khách hàng từ Việt Nam đến châu Âu.
Đây là đoàn tàu container đầu tiên do Công ty Ratraco kết hợp với các doanh nghiệp vận chuyển, giao nhận các nước cung cấp chuỗi dịch vụ logistics cho khách hàng từ Việt Nam đến châu Âu.

Hiện nay, Ratraco và đối tác châu Âu đang bắt đầu xây dựng kế hoạch và tổ chức vận chuyển 8 chuyến mỗi tháng xuất phát tại Việt Nam. Dự kiến đoàn tàu thứ hai xuất phát tại Yên Viên ngày 27/7 với các sản phẩm điện tử; đoàn thứ ba xuất phát ngày 3/8.

Đến nay, Ratraco đã thực hiện vận chuyển hàng hóa sang các nước như: Mông Cổ, Kazakhstan, Uzbekistan, Nga, Tajikistan, Ba Lan, Anh, Đức… Các mặt hàng gồm hàng điện tử, hàng dệt may, giầy da, hóa mỹ phẩm, hàng thực phẩm đông lạnh, trái cây. Theo ông Hoàng Thanh, tuyến vận tải đường sắt từ Việt Nam quá cảnh Trung Quốc, Kazakhstan đi Nga, các nước Trung Á và châu Âu được ví là “con đường tơ lụa”. Bên cạnh đó còn có các tuyến vận tải đường sắt tiềm năng khác như: chạy thẳng Trung Quốc - Nga - châu Âu, Trung Quốc - Mông Cổ - Nga - châu Âu...

“Lợi thế của vận tải đường sắt là vận tải khối lượng lớn, đi xa và độ an toàn vượt trội. Thời gian đi bằng đường sắt chỉ từ 18 - 20 ngày so với 40 - 45 ngày nếu đi bằng đường biển sẽ là lợi thế cạnh tranh lớn, nhất là với các mặt hàng cần điều kiện bảo quản tốt, thời gian đưa hàng nhanh,” ông Thanh phân tích và cho biết, doanh nghiệp đường sắt Việt Nam liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp vận tải, giao nhận hàng hóa ở các nước để cung cấp cho khách hàng dịch vụ trọn gói, bao gồm cả vận chuyển hai đầu, khai báo hải quan, chuyển tải qua các ga biên giới, giám sát vận chuyển, nhận - giao hàng đến tận kho... rất thuận tiện cho khách hàng.

Không chỉ nhận vận chuyển hàng bằng đường sắt đi các nước, đường sắt Việt Nam còn nhận vận chuyển đa phương thức: đường sắt - đường sắt, đường sắt - đường bộ, đường sắt - đường biển. “Hiện chúng tôi còn đang khai thác vận chuyển hàng LCL (hình thức vận chuyển đóng chung hàng lẻ của nhiều chủ hàng vào container) từ Nga về. Đây là loại hàng lần đầu tiên đường sắt Việt Nam khai thác”, ông Thanh cho biết thêm.