22:03 21/08/2019

Doanh nghiệp sẽ được ưu tiên thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Nhật Dương

Đề án sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030 sẽ ưu tiên doanh nghiệp thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Doanh nghiệp sẽ được ưu tiên thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Ảnh minh họa.
Doanh nghiệp sẽ được ưu tiên thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Ảnh minh họa.

Đây là một trong những điểm nhấn của Dự thảo Đề án sắp xếp,tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030 đang được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xin ý kiến các bộ, ngành trước khi trình Chính phủ xem xét và ban hành.

Mục tiêu của đề án trong giai đoạn đến năm 2021 là giảm mạnh về đầu mối, tối thiểu bình quân cả nước giảm 10% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015 (bình quân mỗi năm giảm tối thiểu 2,5%); trong đó trường trung cấp giảm tối thiểu 15%.

Phấn đấu có 10% đơn vị tự chủ tài chính, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2011 - 2015.

Đến năm 2025, phấn đấu quy mô tuyển sinh đạt 4,6 triệu người mỗi năm; ít nhất 85% người học có việc làm và có năng suất, thu nhập cao hơn sau đào tạo. Đồng thời, tiếp tục giảm tối thiểu bình quân cả nước 10% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2021 (bình quân mỗi năm giảm tối thiểu 2%).

Có 70 trường cao đẳng được kiểm định, đánh giá, công nhận đạt tiêu chí của trường chất lượng cao, trong đó có khoảng 5-7 trường tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20, 40 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4. Phấn đấu có tối thiểu 20% đơn vị tự chủ tài chính, thực hiện cổ phần hóa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có đủ điều kiện theo quy định.

Đến năm 2030, phấn đấu quy mô tuyển sinh đạt 6,3 triệu người mỗi năm; ít nhất 90% người học có việc làm và có năng suất, thu nhập cao hơn sau đào tạo.

Cùng với đó, tiếp tục thực hiện giảm đầu mối, phấn đấu chỉ còn các đơn vị sự nghiệp giáo dục nghề nghiệp công lập phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ quản lý nhà nước và cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đặt mục tiêu, đến năm 2030 có 100 trường được kiểm định, đánh giá, công nhận đạt tiêu chí của trường chất lượng cao. Trong đó, có khoảng 15 trường tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20, 50 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4.

Để thực hiện các mục tiêu trên, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội sẽ cơ cấu lại hoặc giải thể các trường trung cấp, trường cao đẳng hoạt động không hiệu quả. Đồng thời, sáp nhập theo lộ trình các trường trung cấp công lập vào trường cao đẳng công lập, trước mắt thực hiện đối với các trường trung cấp có nhiều ngành, nghề đào tạo trùng với ngành, nghề đào tạo của trường cao đẳng trên địa bàn.

Bộ cũng từng bước chuyển cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thuộc các bộ, ngành Trung ương về chính quyền địa phương quản lý đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đóng trên địa bàn các địa phương mà có nhiều ngành, nghề đào tạo trùng với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp do địa phương quản lý.

Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập đang hoạt động có hiệu quả, đã tự chủ; các trường đang được cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt phương án tự chủ thì tiếp tục triển khai đào tạo theo quy định hiện hành, không xem xét sắp xếp, tổ chức lại.

Trường hợp các trường công lập đào tạo các ngành, nghề, đối tượng đặc thù thì xây dựng Đề án phát triển và nâng cao chất lượng làm căn cứ đầu tư và giao kinh phí hoạt động thường xuyên.

Ngoài ra, Bộ cũng khuyến khích thành lập mới cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục và có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt ưu tiên doanh nghiệp thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, đề án cũng hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, từng bước tính đủ các chi phí đối với các loại dịch vụ cơ bản, thiết yếu.

Đối với giá dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước thì giao quyền tự chủ cho các đơn vị cung ứng dịch vụ tự quyết định theo nguyên tắc bảo đảm bù đắp chi phí và có tích lũy.

Với đề án này, Bộ cũng sẽ xây dựng cơ chế tài chính nhằm khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Đặc biệt là khuyến khích doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân tham gia xây dựng chương trình đào tạo và đánh giá kết quả học tập của sinh viên.