21:01 03/12/2018

Doanh nghiệp Trung Quốc lo “đình chiến” thương mại Mỹ-Trung không kéo dài lâu

Bình Minh

“Mùa đông sẽ tiếp tục”, một sếp doanh nghiệp Trung Quốc nói về chiến tranh thương mại giữa nước này với Mỹ

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng các quan chức cấp cao hai nước trong cuộc gặp ở Argentina hôm 1/12 - Ảnh: ABC News.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng các quan chức cấp cao hai nước trong cuộc gặp ở Argentina hôm 1/12 - Ảnh: ABC News.

Các nhà xuất khẩu ở Trung Quốc cảnh báo rằng thỏa thuận "ngừng bắn" mà Bắc Kinh và Washington vừa đạt được cho cuộc chiến thương mại song phương có thể sẽ không giúp ích nhiều cho việc giải quyết một cách thực chất mâu thuẫn giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Theo thỏa thuận từ cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình ở Argentina hôm thứ Bảy, Mỹ sẽ không nâng thuế bổ sung đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ mức 10% hiện nay lên 25% kể từ ngày 1/1 như kế hoạch ban đầu. Đổi lại, Trung Quốc nhất trí mua thêm nhiều hàng nông sản, năng lượng và công nghiệp của Mỹ - theo tuyên bố từ Nhà Trắng.

Vấn đề nằm ở chỗ, thỏa thuận "đình chiến" này chỉ có tác dụng trong 90 ngày, và sau khoảng thời gian đó, Mỹ có thể trở lại với kế hoạch tăng thuế lên hàng hóa Trung Quốc nếu Washington cho rằng Bắc Kinh không có tiến bộ nào trong cải cách cơ cấu.

Khoảng thời gian này có lẽ là quá ngắn để đạt bước tiến trong những vấn đề căng thẳng như chính sách của Trung Quốc về chuyển giao công nghệ, bảo vệ tài sản trí tuệ, và trợ cấp cho doanh nghiệp quốc doanh.

"Mùa đông sẽ tiếp tục", bà Jennie Zhang, Chủ tịch Guangzhou Jinhuamei Leatherware, một công ty chuyên sản xuất thắt lưng và túi xách nằm trong diện bị chính quyền ông Trump áp thuế quan bổ sung 10% lên sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ, nhận định.

"Thỏa thuận đạt được có vẻ như chỉ có tác dụng trì hoãn vấn đề, thay vì đi đến giải pháp thực sự", bà Zhang lo ngại nói.

Sau cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo, hai nước không đưa ra tuyên bố chung nào về lộ trình cho cuộc đàm phán tiếp theo. Thay vào đó, mỗi bên đưa ra một "phiên bản" có nhiều điểm khác biệt về kết quả cuộc gặp.

Từ tháng 4 đến nay, chính quyền ông Trump đã có ba đợt áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc, với tổng giá trị hàng hóa bị đánh thuế bổ sung là 250 tỷ. Bắc Kinh đáp trả bằng cách áp thuế lên 110 tỷ USD hàng hóa Mỹ.

Hồi tháng 9, ông Trump cảnh báo sẽ áp thuế lên toàn bộ hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ "mà không cần báo trước lâu, nếu tôi muốn". Một động thái như vậy đồng nghĩa với giá nhiều mặt hàng tiêu dùng quen thuộc ở Mỹ như điện thoại iPhone và giày thể thao Nike sẽ tăng mạnh.

Trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, các nhà đầu tư ở Hồng Kông hào hứng với sự xuống thang căng thẳng Mỹ-Trung.

Cổ phiếu công ty sản xuất thịt lợn Trung Quốc WH Group, chủ sở hữu công ty thực phẩm Smithfield Foods có trụ sở ở Mỹ, tăng 12%.

Do chịu ảnh hưởng của thuế quan mà Trung Quốc áp lên thịt sản xuất ở Mỹ, cổ phiếu WH đã trở thành cổ phiếu giảm giá tệ thứ năm thuộc chỉ số Hang Seng của chứng khoán Hồng Kông từ đầu năm đến nay.

Cổ phiếu Shenzhou International, một nhà cung cấp hàng đầu của hãng thời trang thể thao Nike và Adidas, tăng 4,3%, vượt xa mức tăng 2,6% của Hang Seng. Cổ phiếu Li & Fung, công ty xuất khẩu hàng dệt may, đồ chơi, và quần áo thể thao, tăng 4,4%.

Tuy nhiên, các nhà sản xuất tỏ rõ thái độ thận trọng.

"Chưa có gì được giải quyết cả, chưa có gì dừng lại hết. Tất cả chỉ được hoãn lại", ông Stephen Lamar, Phó chủ tịch điều hành Hiệp hội Dệt may và Giày da Mỹ, tổ chức đại diện hơn 1.000 nhà sản xuất, bán lẻ và tên thương hiệu, nhận định. "Mức thuế 25% vẫn còn ở đó, chỉ là treo lơ lửng mà thôi".

Đã có một sô dấu hiệu cho thấy Mỹ và Trung Quốc có cách miêu tả khác nhau về thỏa thuận "ngừng bắn". Rõ nhất là Trung Quốc không hề công bố cam kết xóa và giảm thuế quan đối với xe hơi nhập khẩu từ Mỹ, một nhượng bộ mà ông Trump đã công bố trên mạng xã hội Twitter.

Theo ông Leung Lun, Chủ tịch công ty sản xuất đồ chơi Lung Cheong Group, Mỹ và Trung Quốc sẽ sớm "chiến đấu" trở lại.

Đến thời điểm hiện tại, các nhà sản xuất đồ chơi ở Trung Quốc như Lung Cheong vẫn chưa bị Mỹ áp thuế quan bổ sung lên sản phẩm. Tuy nhiên, các công ty này đã bắt đầu lo ngại về khả năng trở thành "nạn nhân" chiến tranh thương mại nếu hai nước không đi đến được một thỏa thuận để giải quyết triệt để mâu thuẫn sau 3 tháng nữa.

"Kết quả của cuộc gặp chỉ là trì hoãn những vấn đề căn bản, thay vì giải quyết những vấn đề đó", ông Leung nói. "Căng thẳng thương mại chỉ tạm dừng trong 3 tháng mà thôi".