12:17 31/12/2008

10 sự kiện kinh tế - xã hội năm 2008

VnEconomy

Điểm lại những sự kiện kinh tế - xã hội nổi bật năm qua, dưới góc nhìn của tòa soạn

Dòng người đổ xuống các đường phố tại Hà Nội ăn mừng sau khi đội tuyển bóng đá Việt Nam đoạt danh hiệu vô địch khu vực Đông Nam Á - Ảnh: Na Sơn.
Dòng người đổ xuống các đường phố tại Hà Nội ăn mừng sau khi đội tuyển bóng đá Việt Nam đoạt danh hiệu vô địch khu vực Đông Nam Á - Ảnh: Na Sơn.
Trong ngày cuối cùng của năm 2008, chúng tôi xin điểm lại những sự kiện kinh tế - xã hội nổi bật năm qua, dưới góc nhìn của tòa soạn.

1. FDI tăng kỷ lục

Vượt qua hai thử thách cam go của tình trạng phát triển nóng trong nửa đầu năm và khủng hoảng tài chính toàn cầu nửa cuối năm, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam năm 2008 tiếp tục tăng cao cả số vốn thực hiện và vốn đăng ký cấp mới.  

FDI cam kết của cả năm 2008 đã đạt con số kỷ lục 64,011 tỷ USD, tăng gấp 3 lần so với năm 2007. Lượng giải ngân của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam lên con số 11,5 tỷ USD, tăng 43,2% so với năm 2007.

Riêng 27 dự án có quy mô vốn đầu tư từ 100 triệu USD đã đạt trên 40 tỷ USD, trong đó có một số dự án quy mô vốn từ 3,5-7,8 tỷ USD.

Công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong lượng vốn đăng ký, với 572 dự án chiếm 54,12% về vốn đầu tư đăng ký. Trong đó, các dự án thăm dò và khai thác dầu tại Việt Nam thu hút 17,5% tổng vốn FDI.

Năm 2008 cũng chứng kiến một loạt dự án thép quy mô lớn vào Việt Nam, và đến nay vẫn còn một vài nhà đầu tư nước ngoài xếp hàng chờ được cấp phép. Lĩnh vực dịch vụ cũng chiếm lượng vốn lớn, 47,3%. Số còn lại thuộc lĩnh vực nông-lâm-ngư.

Trong năm 2008, Malaysia lần đầu tiên trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, với 14,9 tỷ USD, nhờ dự án thép liên doanh giữa tập đoàn Lion với Vinashin gần 10 tỷ USD. Tiếp sau là Đài Loan và Nhật Bản.

Ninh Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu là 2 tỉnh trong năm 2008 đã thu hút nhiều vốn FDI nhất cả nước.

Hiện nay, cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu vẫn diễn biến phức tạp và khó lường nên tác động có thể dự báo được đó là số lượng các dự án FDI được phê duyệt sẽ giảm đáng kể trong năm 2009. Luồng vốn thực tế sẽ phụ thuộc rất nhiều vào tỷ lệ giải ngân các dự án hiện đang thực hiện.

Vì vậy, để duy trì tốc độ tăng trưởng trong thời điểm hiện nay, các biện pháp tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế sẽ cần phải tiếp tục tăng cường.
10 sự kiện kinh tế - xã hội năm 2008 - Ảnh 1

2. CPI tăng phi mã

Nếu tính sau một năm (tức là tháng 12 năm nay so với năm trước), thì năm 2008 là năm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có tốc độ tăng cao nhất so với 16 năm trước đó (năm 1992 tăng 17,5%, năm 1993 tăng 5,2%, năm 1994 tăng 14,4%, năm 1995 tăng 12,7%, năm 1996 tăng 4,5%, năm 1997 tăng 3,6%, năm 1998 tăng 9,2%, năm 1999 tăng 0,1%, năm 2000 giảm 0,6%, năm 2001 tăng 0,8%, năm 2002 tăng 4%, năm 2003 tăng 3%, năm 2004 tăng 9,5%, năm 2005 tăng 8,4%, năm 2006 tăng 6,6%, năm 2007 tăng 12,63%).

Nếu tính bình quân năm (tức là bình quân năm nay so với bình quân năm trước), thì CPI năm 2008 cũng là năm có tốc độ tăng cao nhất so với 15 năm trước đó (năm 1993 tăng 8,5%, năm 1994 tăng 9,5%, năm 1995 tăng 17,8%, năm 1996 tăng 5,7%, năm 1997 tăng 3,2%, năm 1998 tăng 7,7%, năm 1999 tăng 4,4%, năm 2000 giảm 1,6%, năm 2001 giảm 0,3%, năm 2002 tăng 3,9%, năm 2003 tăng 3,1%, năm 2004 tăng 7,8%, năm 2005 tăng 8,3%, năm 2006 tăng 7,5%, năm 2007 tăng 8,3%).

Tuy nhiên, chỉ số CPI lại giảm liên tục trong 3 tháng cuối năm. Tính chung cả quý 4 CPI đã giảm 1,06% trong khi 3 tháng cùng kỳ năm trước tăng 4,95%.

Trước tình hình trên Chính phủ đã có những giải pháp vừa cơ bản, vừa linh hoạt để xử lý. Việc chuyển đổi mục tiêu ưu tiên từ tăng trưởng kinh tế nhanh sang kiềm chế lạm phát, với 8 nhóm giải pháp, trong đó giải pháp hàng đầu là thắt chặt tiền tệ trong những tháng đầu năm, là đúng hướng, kịp thời và đã đạt được kết quả tích cực; sau đó, việc chuyển đổi mục tiêu ưu tiên từ kiềm chế lạm phát sang ngăn chặn sự suy thoái kinh tế với 5 giải pháp cấp bách, trong đó có giải pháp hàng đầu là kích cầu đầu tư, tiêu dùng, là đúng hướng và kịp thời.
10 sự kiện kinh tế - xã hội năm 2008 - Ảnh 2
3. Thị trường chứng khoán suy giảm mạnh

Năm 2008, diễn biến thị trường chứng khoán Việt Nam được xem là xấu nhất trong suốt hơn 8 năm hoạt động, do chịu ảnh hưởng từ những biến động lớn của kinh tế thế giới và trong nước.

Suy giảm trong 6 tháng đầu năm, rồi hồi phục trong 3 tháng tiếp theo và đột ngột giảm mạnh ngay sau đó cho đến tháng 12.

Sự sụt giảm mạnh của thị trường chứng khoán thể hiện rõ nhất qua chỉ số giá chứng khoán tại hai sàn niêm yết HASTC và HOSE. So với thời điểm đầu năm 2008, HaSTC-Index và VN-Index giảm tương ứng 67,2% và 66%.

Biến động của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2008 được chia thành ba giai đoạn.

Trong sáu tháng đầu năm, suy giảm do những khó khăn về kinh tế vĩ mô, để ưu tiên chống lạm phát, Chính phủ đã đưa ra các giải pháp về thắt chặt chính sách tiền tệ (trong đó có việc điều chỉnh lãi suất cơ bản, thắt chặt tín dụng đối với chứng khoán).

Thị trường tăng trở lại từ cuối tháng 6 đến tháng 9 do gói giải pháp của Chính phủ được triển khai và phát huy tác dụng, kinh tế vĩ mô có dấu hiệu tốt lên. Từ cuối tháng 9 đến nay  thị trường chứng khoán Việt Nam lại gặp nhiều khó khăn và liên tục giảm điểm, trong tháng 12 chỉ số VN-Index có lúc giảm xuống dưới 300 điểm (286 điểm), HASTC-Index có những phiên giảm xuống dưới 100 điểm (97,6 điểm).

Cũng trong năm 2008, việc huy động vốn qua thị trường chứng khoán cũng giảm tới 75 - 80% trên cả 3 kênh: phát hành tăng vốn của doanh nghiệp, cổ phần hóa phát hành trái phiếu. Tính thanh khoản - khối lượng giao dịch giảm khoảng 70% so với năm trước...
10 sự kiện kinh tế - xã hội năm 2008 - Ảnh 3

4. Vụ Vedan và vấn nạn ô nhiễm môi trường

Vedan đã bị bắt quả tang thải nước thải chưa qua xử lý ra sông Thị Vải, bị phạt 270 triệu và truy thu 127 tỷ đồng tiền trốn phí nước thải. Vụ việc trên được đưa ra công luận vào ngày 14/9/2008 từ đợt kiểm tra các doanh nghiệp, khu công nghiệp gây ô nhiễm cho dòng sông “chết” Thị Vải.

Hành động của Vedan là hành vi có chủ ý, tinh vi, bất chấp quy định về bảo vệ môi trường. Điều này không những gây bất bình với dư luận xã hội mà còn nêu một hình ảnh “xấu” về tinh thần “trách nhiệm xã hội” mà các doanh nghiệp đang hướng tới.

Trong năm Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng lực lượng cảnh sát môi trường và các cơ quan chức năng đã phát hiện một loạt các doanh nghiệp vi phạm ô nhiễm môi trường khác.

Và trên cả nước còn khá nhiều những “Vedan” chưa bị dư luận lên án cần phải phát hiện. Bởi theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay trong hơn 100 khu công nghiệp ở Việt Nam, có đến 80% đang vi phạm các quy định về môi trường.

Dọc sông Thị Vải cũng không chỉ có doanh nghiệp Vedan xả chất thải nguy hại. Ngành y tế sẽ đánh giá tác động của nước thải Vedan đưa ra môi trường tới sức khỏe người dân. Người dân hoàn toàn có thể kiện, đòi Vedan bồi thường thiệt hại với những bằng chứng cụ thể.

Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không có hệ thống, phương tiện và biện pháp xử lý chất thải và có biện pháp khắc phục sự cố môi trường; siết chặt lại việc cấp phép các dự án vốn FDI bất chấp quy mô lớn như thế nào; loại bỏ những đề nghị dự án chỉ muốn khai thác tài nguyên thiên nhiên; thận trọng khi cấp phép cho những dự án gây ô nhiễm môi trường như sân golf, hoặc các nhà máy sử dụng công nghệ lạc hậu.

5. Thiên tai gây thiệt hại nặng nề

Trong năm 2008, thiên tai gây thiệt hại nặng nề. Với 10 trận bão, 6 cơn áp thấp nhiệt đới đổ bộ liên tiếp trong những tháng cuối năm 2008 đã gây thiệt hại nặng nề về người và của về kinh tế nông, lâm ngư nghiệp, không chỉ ở những khu vực vốn hay gánh chịu nhiều thiên tai ở miền núi mà ngay cả  giữa Thủ đô Hà Nội nơi vốn được coi là “yên ổn” đối với mưa lũ.

Kết thúc năm 2008, thiên tai đã cướp đi mạng sống của 473 người, 64 người mất tích và 404 người khác bị thương, 4.181 nhà bị đổ sập; 338.503 nhà bị ngập, hư hại và tốc mái; 473.403 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại... do mưa bão, lũ gây ra.

Ước tính, thiên tai đã gây thiệt hại về vật chất lên tới 13.301 tỷ đồng.

6. Vụ PCI và chống tham nhũng

Vụ án nhận hối lộ của ông Huỳnh Ngọc Sỹ - nguyên Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải, Giám đốc Ban quản lý Dự án đại lộ Đông Tây và môi trường nước Tp.HCM hiện đang trong giai đoạn điều tra.

Trước đó các cơ quan pháp luật của Nhật Bản đã bắt giam và truy tố 4 cựu quan chức của Công ty Tư vấn quốc tế Thái Bình Dương của Nhật Bản (Công ty PCI) về tội danh đưa hối lộ và vi phạm luật chống cạnh tranh của Nhật Bản.

Các quan chức này đã hai lần đưa hối lộ cho ông Sỹ với tổng số tiền là 820 nghìn USD để nhận được các hợp đồng tư vấn cho dự án từ nguồn vốn ODA này.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của Việt Nam phối hợp với phía Nhật Bản điều tra làm rõ vụ việc, xử lý nghiêm minh đối với hành vi tham nhũng.

7. Melamine và những yếu kém trong quản lý an toàn thực phẩm

“Cơn bão” melamine đã đẩy ngành y tế vào thế phải chống đỡ quyết liệt đối với vấn nạn sử dụng hóa chất trong thực phẩm tiêu dùng dành cho người đồng thời đẩy hoạt động sản xuất của ngành chăn nuôi bò sữa vào thế lao đao.

Chỉ trong  khoảng 1 tháng, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất sữa ở Việt Nam đã bị sụt giảm nghiêm trọng, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng, những người nuôi bò sữa ở Hà Nội - Hà Tây (cũ).  

Việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố ngưỡng cho phép melamine có trong thức ăn chăn nuôi, tiếp đến Bộ Y tế cũng cho phép melamine có trong thực phẩm ở mức độ nhất định đi kèm thừa nhận hàng trăm tấn sữa, nguyên liệu sữa của các doanh nghiệp vốn bị niêm phong vì nhiễm melamien được lưu hành trở lại đã cho thấy sự lúng túng cũng như những hạn chế không thể phủ nhận của hệ thống quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm ở Việt Nam hiện nay.

8. Phóng thành công vệ tinh viễn thông đầu tiên

Ngày 19/4/2008 đã diễn ra một sự kiện trọng đại trong lịch sử ngành viễn thông và khoa học vũ trụ Việt Nam: vệ tinh viễn thông đầu tiên của Việt Nam - Vinasat-1 đã được phóng lên quỹ đạo thành công từ bãi phóng vũ trụ tại Kourou (Guiana thuộc Pháp).

Việc phóng vệ tinh do hãng ArianeSpace của Pháp thực hiện; còn vệ tinh, dịch vụ phóng và thiết bị trạm điều khiển do nhà thầu Lockheed Martin Space Systems (Mỹ) cung cấp. Sau khi được phóng lên không gian ngày 19/4/2008, vệ tinh Vinasat-1 đã được đưa từ quỹ đạo chuyển đổi đến quỹ đạo địa tĩnh, cách trái đất gần 30.000 km.

Ngày 19/5/2008, Vinasat-1 đã được đặt đúng vào trị trí 132 độ Đông và bắt đầu từ ngày 22/5/2008, VNPT đã nhận bàn giao điều khiển Vinasat-1 từ Lockheed Martin.

9. Một năm đội mũ bảo hiểm

Từ ngày 15/12/2007, quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng mô tô hoặc xe gắn máy trên các tuyến đường được mọi người đồng tình ủng hộ, tự giác thực hiện nghiêm túc: tỷ lệ người đội mũ bảo hiểm đạt tới 95- 98%, nổi bật nhất là thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội nhiều tuyến đường đạt xấp xỉ 100%.

Thực hiện tốt quy định đội mũ bảo hiểm không chỉ thể hiện tính kỷ cương, văn minh, hội nhập trong giao thông mà còn đóng góp vào kết quả rõ rệt trong việc giảm số người chết, bị thương do tai nạn giao thông đường bộ.

Theo thống kê chưa đầy đủ, số người bị chấn thương sọ não giảm 24,9%, số người chết vì chấn thương sọ não tại các bệnh viện lớn giảm 6%.

10. Việt Nam vô địch cúp bóng đá ASEAN

Một trong những sự kiện tiêu biểu nhất trong năm là việc đội tuyển bóng đá Việt Nam vô địch AFF Suzuki Cup 2008.

Ở trận lượt về, phút thứ 21, cầu thủ bên phía Thái Lan đã làm cho các khán đài sân Mỹ Đình “nín lặng” khi ghi bàn thắng mở tỷ số của trận đấu. Thế nhưng, trong hoàn cảnh khó khăn nhất, trong phút giây tưởng như vô vọng thì “tinh thần Việt” bừng sáng, lung linh, mạnh mẽ...

Bàn thắng của Công Vinh ghi ở giây bù giờ cuối cùng của trận đấu như một kịch bản “nghẹt thở” mà những người mơ mộng nhất cũng không thể tưởng tượng nổi.

1-1 là tỷ số vừa đủ để Việt Nam giành chức vô địch, bởi trước đó, ngay trên đất Thái, chúng ta đã giành thắng lợi 2-1. Đây là lần đầu tiên tuyển Việt Nam giành thắng lợi trước người Thái ở một trận chung kết với tổng tỉ số 3-2.