14:12 10/06/2009

225 chất vấn, 1.731 kiến nghị và...

Minh Thúy

Chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội không chỉ là những nội dung được truyền hình trực tiếp

Đại biểu Nguyễn Đình Xuân: Đã nhiều lần chuyển đơn đến Chánh án tòa án nhân dân tối cao nhưng không được xem xét - Ảnh: TTXVN.
Đại biểu Nguyễn Đình Xuân: Đã nhiều lần chuyển đơn đến Chánh án tòa án nhân dân tối cao nhưng không được xem xét - Ảnh: TTXVN.
Trong hơn hai ngày, từ 11 đến 13/6, các phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp Quốc hội thứ 5 sẽ diễn ra với sự đăng đàn của 6 vị bộ trưởng và Phó thủ tướng thường trực Chính phủ. Nội dung này sẽ được phát thanh và truyền hình trực tiếp để cả tri cả nước theo dõi.

Trước phiên chất vấn đầu tiên một ngày, Ban Dân nguyện của Quốc hội đã tập hợp chi tiết 1.731 ý kiến, kiến nghị của cử tri tại kỳ họp này. Trước đó, 225 chất vấn của đại biểu Quốc hội cũng đã được tập hợp đầy đủ.

Không chỉ là những bức xúc mà còn là sự quan tâm, trách nhiệm cao của cử tri đối với đất nước được thể hiện ở đây. Cũng không chỉ là phản ánh tâm tư nguyện vọng của cử tri mà còn là tâm huyết, trí tuệ và cả… sự dũng cảm của đại biểu, được bộc lộ rất rõ ràng.

Vì rằng, cử tri có thể kiến nghị những vấn đề chung, bao quát, cũng có thể chỉ nêu một kiến nghị của một gia đình hay yêu cầu của một làng, một xã. Cử tri có thể kiến nghị Quốc hội phải có Luật Văn hóa văn minh nơi công cộng hay sớm ban hành Luật Trưng cầu dân ý, cũng có thể kiến nghị “đẩy nhanh tiến độ quy hoạch xây dựng khu kinh tế Vân Đồn”.

Cử tri không chỉ kiến nghị những vấn đề tại địa phương liên quan đến lợi ích trước mắt mà còn “nhìn xa trông rộng”. Bản tập hợp nêu cử tri Hà Nội đa số chưa tán thành triển khai dự án bauxite Tây Nguyên, vì Tây Nguyên là địa bàn chiến lược quan trọng của đất nước, cần cân nhắc kỹ khi thực hiện dự án.

Cho dù có ghi rõ là theo ý kiến của cử tri hay không thì chất vấn của đại biểu đương nhiên chứa đựng những vấn đề cử tri quan tâm. Song Quốc hội và cả cử tri đều đòi hỏi chất vấn phải “xứng tầm”. Bởi, đại biểu đại diện cho cử tri cả nước chứ không riêng cử tri nơi ứng cử. Bởi thời gian chất vấn là hữu hạn. Cũng bởi chất vấn không đơn thuần là phản ánh hay kiến nghị mà còn để làm rõ trách nhiệm, để đi đến tận cùng vấn đề.

Với thời gian hơn hai ngày, chỉ có 7/20 thành viên Chính phủ đã nhận được chất vấn đươc trả lời chất vấn trực tiếp. Cũng chỉ một phần nhỏ trong số 225 chất vấn đã gửi được hỏi - đáp công khai trên diễn đàn này. Bởi vậy, những phiên chất vấn và trả lời chất vấn không phản ánh hoàn toàn hoạt động này tại kỳ họp. Và như thế, còn có nhiều vấn đề cử tri quan tâm được trả lời qua văn bản, thông tin cũng chỉ dừng ở một phạm vi hẹp.

Đọc kỹ hơn 200 chất vấn của đại biểu gửi Thủ tướng và 19 vị thành viên Chính phủ, có thể thấy trách nhiệm của đại biểu trước nhiều vấn đề lớn của đất nước như điều hành kinh tế vĩ mô, chống suy giảm kinh tế, lạm phát, đến các chính sách an sinh xã hội….

Cũng không thiếu những vụ việc cụ thể nhưng tầm ảnh hưởng đã vượt xa sự việc đó như các dự án khai thác bauxite Tây Nguyên hay điều tra, xử lý vụ nhận hối lộ liên quan đến Công ty PCI… Và, cũng có những chất vấn chỉ liên quan đến một gia đình hay một vụ việc nhỏ nhưng lại đặt ra nhiều câu hỏi không hề nhỏ.

Theo dự kiến thì Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao sẽ không đăng đàn tại kỳ họp này, bởi chỉ có hai chất vấn được gửi đến ông (tính đến ngày 8/6). Hai chất vấn này đều chỉ đề cập đến hai bản án cụ thể.

Đó là bản án số 184/2006/DSPT ngày 22/6/2006 của Tòa án Nhân dân tỉnh Vĩnh Long xét xử vụ tranh chấp quyền sử dụng đất, nguyên đơn và bị đơn đều là người dân tộc thiểu số. Người chất vấn, đại biểu Trần Văn Kiệt (Vĩnh Long) ghi rõ là đã chuyển bản án oan sai có kiến nghị của chánh án tòa án tỉnh này đến tận tay Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao tại kỳ họp thứ 3 và thứ 4 của Quốc hội khóa 12 nhưng “không được Chánh án trả lời”.

Tương tự như vậy, đại biểu Nguyễn Đình Xuân - người thứ hai chất vấn Chánh án - cho biết đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh đã nhiều lần chuyển đơn tới ông Chánh án nhưng không được xem xét. Vụ việc đại biểu này chất vấn liên quan đến một cử tri là cán bộ hưu, đã gửi hơn 300 lá đơn đến tất cả các cơ quan hữu quan xin cho con là phạm nhân được xét xử lại theo trình tự giám đốc thẩm.

Vị đại biểu này cũng khẳng định “qua xem xét bản án chúng tôi nhận thấy bản án này thực sự có sai sót”. Vậy nhưng đến khi nào bản án được xem xét lại để trả lại sự công bằng cho phạm nhân thì đại biểu Xuân cũng không thể trả lời cho cử tri biết được.

Đáng nói,  đây chỉ là hai trong số không ít các chất vấn của đại biểu đã “một đi không trở lại”. Hoặc là có hồi âm nhưng không rõ trách nhiệm.

Đại biểu Quốc hội tiếp xúc, phản ánh kiến nghị của cử tri, đó là nhiệm vụ, là điều bình thường. Khi đại biểu chất vấn, các cá nhân, cơ quan có trách nhiệm có thể chưa giải quyết được ngay, được hết, đó cũng là điều bình thường. Nhưng sẽ rất không bình thường khi kiến nghị của cử tri, chất vấn của đại biểu chỉ rơi vào im lặng.

Chất vấn và trả lời chất vấn là để làm rõ trách nhiệm, để đại biểu có cơ sở giám sát việc thực hiện trách nhiệm đó. Nhưng thực tế hiện nay vẫn còn những khoảng trống về trách nhiệm khiến cả đại biểu và cử tri đều bức xúc. Hoạt động chất vấn liệu có thể dần lấp đi khoảng trống này, đó là câu hỏi và cũng là điều cử tri mong đợi ở Quốc hội.