10:54 26/09/2008

5 nhóm giải pháp đẩy lùi tham nhũng

Công Lý

Phó tổng thanh tra Chính phủ đánh giá về công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam trong thời gian qua

Ông Mai Quốc Bình.
Ông Mai Quốc Bình.
Ông Mai Quốc Bình, Phó tổng thanh tra Chính phủ đánh giá về công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam trong thời gian qua.

Ông đánh giá như thế nào về công tác phòng chống tham nhũng của Việt Nam trong thời gian qua?

Trong công tác phòng chống tham nhũng  chúng ta đã thu được nhiều chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả bước đầu quan trọng. Điều đó đã khẳng định quyết tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, góp phần xây dựng bộ máy Nhà nước trong sạch, vững mạnh, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế xã hội.

Tuy nhiên, nghiêm túc nhìn thì nhận thì công tác phòng chống tham nhũng  vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu, hiệu quả chưa cao.

Có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân quan trọng nhất là chúng ta còn thiếu cơ chế phù hợp trong việc tổ chức thực hiện các chủ trương chính sách về phòng chống tham nhũng, thiếu một hệ thống giải pháp có tính chất căn bản, lâu dài, toàn diện, thiếu một lộ trình cụ thể, hợp lý để thực hiện tốt các chủ trương chính sách hiện hành về phòng chống tham nhũng.

Chiến lược quốc gia phòng chống tham nhũng đến năm 2020 được xây dựng chính là để khắc phục những khó khăn trên.

Xin ông cho biết những điểm chính sẽ được đề cập trong chiến lược này?

Năm 2007 Thủ tướng Chính phủ quyết định giao cho Thanh tra Chính phủ việc xây dựng chiến lược phối hợp với Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng  xây dựng chiến lược quốc gia phòng chống tham nhũng  đến năm 2020. Đây là việc cần thiết, góp phần thực hiện các nhiệm vụ được phát triển kinh tế xã hội đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020.

Chiến lược được xây dựng với mục tiêu cụ thể trong từng giai đoạn và các giải pháp toàn diện, đồng bộ với kế hoạch hành động, lộ trình cụ thể. Chiến lược sẽ xác định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong trong hệ thống chính trị xã hội với việc phòng chống tham nhũng .

Chiến lược quốc gia phòng chống tham nhũng  được xây dựng với 5 nhóm giải pháp nhằm ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, loại bỏ các cơ hội điều kiện phát sinh tham nhũng góp phần xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, bao gồm:

Thứ nhất: tăng cường công khai minh bạch trong hoạt động công quyền, hạn chế điều kiện và cơ hội phát sinh tham nhũng trong việc hoạch định chính sách, xây dựng và thực hiện pháp luật.

Thứ hai: kiểm soát việc thực thi quyền lực Nhà nước, hoàn thiện chế độ công vụ, công chức, nâng cao chất lượng thực thi công vụ.

Thứ ba: hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế, xây dựng môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, công bằng, minh bạch.

Thứ tư: nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử trong phát hiện, xử lý tham nhũng.

Thứ năm: nâng cao nhận thức và phát huy vai trò của toàn xã hội trong phòng chống tham nhũng.

Xin ông nói rõ hơn về nhóm giải pháp thứ ba về việc xây dựng môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, công bằng, minh bạch?

Đây là một giải pháp quan trọng, việc hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế đảm bảo tính minh bạch, công bằng và cạnh tranh giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Cơ quan quản lý Nhà nước khi thực hiện các chính sách kinh tế đối với doanh nghiệp phải thực hiện một cách minh bạch và nhất quán.

Khi chiến lược này đi vào thực hiện thì bắt buộc các cơ quan Nhà nước phải hoàn thiện cơ chế để doanh nghiệp hoạch toán chính xác, trung thực các nghiệp vụ kinh tế phát sinh trong hoạt động sản xuất kinh doanh và được phản ánh đồng thời trong dữ liệu của cơ quan thuế. Các doanh nghiệp đều phải thực hiện chế độ kiểm toán định kỳ, bắt buộc.

Các doanh nghiệp thường tìm nhiều cách để giảm chi phí sản xuất, trong đó có cả hành vi hối lộ công chức. Chiến lược này sẽ bắt buộc xử lý nghiêm các hành vi hối lộ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong việc tham gia đấu thầu, đấu giá hoặc thực hiện hành vi gian lận thương mại...

Ngoài ra các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có hành vi tham nhũng sẽ bị công bố công khai danh tính. doanh nghiệp sợ nhất là bị công khai danh tính khi vi phạm pháp luật và đây sẽ là một biện pháp để hạn chế tham nhũng đến từ khu vực tư.

Hiện nay các doanh nghiệp thường bị tốn nhiều chi phí ngầm cho những hoạt động liên quan đến việc thuê đất, thuê mặt bằng sản xuất... Chiến lược này sẽ giúp doanh nghiệp trong khâu này khi quyền lợi của nhà đầu tư được đảm bảo cùng với lợi ích của Nhà nước. Trong các giải pháp mà chiến lược đưa ra cũng chú trọng việc hoàn thiện pháp luật về thị trường vốn, thị trường bất động sản, thị trường lao động.

Xác định rõ tình trạng tham nhũng đến nhiều từ khu vực công, doanh nghiệp là một trong những nơi nuôi dưỡng tham nhũng nhiều nên trong chương trình thực hiện mà chiến lược đề ra các vấn đề pháp lý liên quan đến doanh nghiệp được chú trọng nhiều.

Việc nghiên cứu quy định bắt buộc đăng ký bất động sản, thuế tài sản, thực hiện việc đăng ký thuế thu nhập cá nhân, thanh toán tài khoản, xây dựng luật chống rửa tiền.

Đặc biệt, vấn đề cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước hiện đang nảy sinh nhiều dấu hiệu tham nhũng dưới nhiều hình thức, do đó trong chiến lược phòng chống tham nhũng  đã đề cập đến việc hoàn thiện pháp luật về chuyển đổi và cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước, đặc biệt chú trọng việc xác định giá trị tài sản doanh nghiệp và xử lý tài sản công trong quá trình thực hiện cổ phần hoá.