13:26 22/09/2009

ADB nâng mức dự báo tăng trưởng của Việt Nam lên 4,7%

Mạnh Chung

Ngân hàng Phát triển châu Á vừa điều chỉnh lại dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2009, nâng từ 4,5% lên 4,7%

ADB cảnh báo đang có những dấu hiệu về sự trở lại của lạm phát có thể phát sinh từ giá tiêu dùng thế giới cao hơn do sự phục hồi của kinh tế toàn cầu, mặt khác là sự gia tăng nhanh của cung tiền với thâm hụt ngân sách đang gia tăng và áp lực lạm phát, cũng như thâm hụt trong cán cân thanh toán.
ADB cảnh báo đang có những dấu hiệu về sự trở lại của lạm phát có thể phát sinh từ giá tiêu dùng thế giới cao hơn do sự phục hồi của kinh tế toàn cầu, mặt khác là sự gia tăng nhanh của cung tiền với thâm hụt ngân sách đang gia tăng và áp lực lạm phát, cũng như thâm hụt trong cán cân thanh toán.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa điều chỉnh lại dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2009 từ 4,5% lên 4,7% và giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng 6,5% cho năm 2010.

Việc điều chỉnh nói trên được đưa ra sáng nay (22/9) tại Hà Nội, trong báo cáo cập nhật triển vọng phát triển châu Á 2009 (ADOU) của ADB.

Trước đó, cuối tháng 3/2009, trong bản báo cáo thường niên về triển vọng kinh tế châu Á 2009, ADB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2009 là 4,5%.

Theo ông Ayumi Konishi, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam, thời gian qua, kết quả của các biện pháp chính sách nhanh chóng và mạnh mẽ của Chính phủ nhằm hạn chế tới mức thấp nhất các tác động tiêu cực của suy giảm kinh tế toàn cầu đối với Việt Nam nên tình hình kinh tế đang có những triển vọng rất tích cực.

Khi công bố báo cáo Cập nhật Triển vọng Phát triển châu Á 2009 hồi tháng 3, ADB cho rằng, kinh tế Việt Nam đã phản ứng với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu tương đối tốt, mặc dù môi trường bên ngoài không thuận lợi, nền kinh tế vẫn tiếp tục tăng trưởng trong năm 2009, nhưng ở mức thấp hơn, nhờ các chính sách mở rộng tài khóa và tiền tệ đã thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư tài chính trong nước.

Đến thời điểm hiện nay, theo ADB, suy giảm kinh tế của Việt Nam có thể được coi đã chạm đáy từ đầu năm 2009, vì với tăng trưởng GDP tính theo năm đã tiếp tục gia tăng từ quý 1/2009 cho đến thời điểm hiện tại.

Tuy vậy, Ngân hàng Phát triển châu Á cũng cảnh báo, đang có những dấu hiệu về sự trở lại của lạm phát có thể phát sinh từ giá tiêu dùng thế giới cao hơn do sự phục hồi của kinh tế toàn cầu, mặt khác là sự gia tăng nhanh của cung tiền với thâm hụt ngân sách đang gia tăng và áp lực lạm phát, cũng như thâm hụt trong cán cân thanh toán.

“Chính phủ cần đảm bảo cân bằng giữa kích thích tăng trưởng thông qua các biện pháp kích cầu và giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô”, ông Konishi khuyến cáo, và đánh giá cao trước việc các cơ quan chức năng về tiền tệ đã bắt đầu các biện pháp để giữ lạm phát trong tầm kiểm soát, giảm những kỳ vọng về phá giá.

ADB cho biết, khi xây dựng các dự báo cho năm 2009 và 2010, ADB đã giả định Ngân hàng Nhà nước sẽ bắt đầu chính sách thắt chặt tiền tệ cho đến cuối năm nay, đồng thời, cũng tiếp tục giả định là Chính phủ sẽ không áp dụng các biện pháp kích thích tài khóa cho phần còn lại của năm 2009 và 2010.