13:57 28/02/2009

Ai làm chính sách?

Xung quanh phản ứng của EVN trước đề án cải cách ngành điện do Bộ Công Thương soạn thảo

Thay vì tập trung phân tích bài toán kinh tế, Công văn 31 của EVN đã đưa ra rất nhiều lý do chính trị để tìm cách “cố thủ” trong cái “vỏ” tập đoàn đương thời.
Thay vì tập trung phân tích bài toán kinh tế, Công văn 31 của EVN đã đưa ra rất nhiều lý do chính trị để tìm cách “cố thủ” trong cái “vỏ” tập đoàn đương thời.
Chỉ hai tuần sau khi đề án cải cách ngành điện được gửi tới Tập đoàn Điện lực (EVN), Chủ tịch Đào Văn Hưng có công văn gửi Thủ tướng: “EVN không nhất trí”.

Không có gì bất ngờ trước phản ứng đó; bởi, nếu thực hiện, thì chưa biết đề án có “ảnh hưởng lớn đến an ninh năng lượng quốc gia” như ông Hưng “doạ” hay không, nhưng chắc chắn EVN sẽ mất rất nhiều quyền lực.

Đề án do Bộ Công Thương soạn thảo, tách bạch các khâu sản xuất điện, truyền tải điện và phân phối điện. Theo đó: các nhà máy phát điện sẽ tách khỏi EVN để trở thành các công ty sản xuất điện độc lập, bán điện cho EVN theo giá cạnh tranh; lập công ty truyền tải điện quốc gia, trực thuộc bộ; EVN sẽ giữ lại vai trò xây dựng “nguồn chiến lược”, mua bán điện và nắm giữ các công ty điện lực.

Đây là một mô hình được áp dụng thành công ở nhiều nước và cho dù còn trong giai đoạn hình thành vẫn cho thấy các tác giả của đề án đang đi đúng hướng.

Theo Bộ Công Thương, hàng loạt công trình điện trong quy hoạch, dự kiến bị chậm tiến độ từ sáu tháng tới một năm. Ước tính, từ nay đến năm 2011, trung bình mỗi năm, Việt Nam sẽ bị hụt mất 22 - 31% công suất điện so với tổng công suất cần bổ sung.

Tình trạng đó không thể trông đợi vào nỗ lực khắc phục của một EVN mà theo mô tả của Bộ Công Thương: “nắm giữ và chi phối tất cả các khâu”, trong tình trạng “không minh bạch; không hiệu quả và cản trở việc chuyển sang cơ chế thị trường”.

Cuối thập niên 90, khi Công ty Oxbow của Mỹ xin xây dựng một nhà máy nhiệt điện 650MW ở Quảng Ninh, Thủ tướng Phan Văn Khải và Phó thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm rất ủng hộ, nhưng Oxbow không thể thực hiện vì EVN chỉ chấp nhận mua điện với giá chưa đến bốn cent/kWh.

Theo TS. Lê Văn Lưu, nguyên chủ nhiệm đề án cấp nhà nước về nghiên cứu gió tại Bình Định, thời kỳ 1998 - 1999, tiềm năng khai thác điện gió của Việt Nam có thể đạt tới tổng công suất gấp 50 lần công suất nhà máy thủy điện Hoà Bình.

Trên cơ sở đó, một số công ty nước ngoài đã từng lập dự án khả thi đặt tuabin gió nhưng rồi đều bỏ cuộc vì cái giá mua điện thấp hơn bốn cent do EVN định đặt.

Nhiều chuyên gia cho rằng, giá điện đã được EVN dùng để ngăn cản việc mở rộng thị trường cho các nhà sản xuất và các nhà cung cấp khác. Tất nhiên, giá bán điện không chỉ là câu chuyện của riêng EVN, nhưng những ví dụ vừa kể trên cho thấy, không thể cải cách các ngành kinh tế theo hướng cạnh tranh khi cải cách lệ thuộc vào ý kiến của những tập đoàn đang độc quyền nắm trong tay ngành đó.

Chỉ cần đọc Công văn 31 của Chủ tịch Đào Văn Hưng sẽ thấy ngay mối quan tâm của ông và sẽ thấy sự xung đột quyền lợi của cải cách và các tập đoàn kinh tế. Công văn của ông Hưng viết không giấu giếm: “Nếu đề án được thi hành thì phần do EVN quản lý chỉ còn bằng 1/3 so với quy mô hiện hữu”.

Tất nhiên, Bộ Công Thương không dễ để thoát ra khỏi những ảnh hưởng của các tập đoàn lên quá trình hình thành chính sách. Thay vì tập trung phân tích bài toán kinh tế, Công văn 31 của EVN đã đưa ra rất nhiều lý do chính trị để tìm cách “cố thủ” trong cái “vỏ” tập đoàn đương thời. Trong thập niên 90, không ít nỗ lực cải cách, không chỉ ở ngành điện, đã từng bị trì hoãn vì những lý do như vậy.

Trước đây, khi chủ trương tạo ra cạnh tranh trong lĩnh vực viễn thông, Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng đã từng bị chính ngành này phản đối. Nếu ở thời điểm ấy, Thủ tướng Võ Văn Kiệt không quyết đoán, thì thị trường viễn thông không thể phát triển như ngày nay.

Chưa rõ là cuối cùng ngành điện sẽ được cải tổ theo đề nghị của Bộ Công Thương hay theo ý kiến của EVN. Nhưng, sẽ thật thất vọng nếu quyền lợi của các tập đoàn độc quyền thay vì lợi ích quốc gia có thể chi phối quy trình ban hành chính sách.

Huy Đức (SGTT)