11:24 15/04/2013

Bán cho Nhật phải chân thật

Ngọc Dương

Các doanh nghiệp Việt Nam đang có cơ hội đón làn sóng đầu tư từ Nhật

Nhà đầu tư Nhật rất kiên trì tìm hiểu từng chi tiết của doanh nghiệp họ muốn mua. Cholimex đã tạo niềm tin cho người Nhật nhờ lối làm việc nhanh nhẹn và chân thật.
Nhà đầu tư Nhật rất kiên trì tìm hiểu từng chi tiết của doanh nghiệp họ muốn mua. Cholimex đã tạo niềm tin cho người Nhật nhờ lối làm việc nhanh nhẹn và chân thật.
Việc Công ty Thực phẩm Cholimex bán 19% cổ phần cho đối tác Nhật đầu năm 2012 thành công có một yếu tố thú vị. Ngoài năng lực quản trị tạo hiệu quả kinh doanh tốt, Cholimex còn ghi điểm nhờ lãnh đạo công ty trước đó đã không đầu tư đa ngành.

Ông Võ Tấn Khương, người có kinh nghiệm làm việc nhiều năm trong một công ty tư vấn tài chính của Nhật, tiết lộ: “Ban quản trị Cholimex khi làm việc trực tiếp đã tạo niềm tin cho người Nhật nhờ lối làm việc nhanh nhẹn và chân thật”.

Yếu tố người lãnh đạo công ty trong trường hợp này mang yếu tố quan trọng trong quyết định của đối tác Nhật. Theo ông Khương, các thao tác M&A của người Nhật luôn hướng từ trên xuống dưới, tức xem xét cách làm việc của ban lãnh đạo đầu tiên.

Điều này khác với cách làm của người Việt khi mua bán công ty. Đó là luôn hướng từ dưới lên trên, tức nghiên cứu sản phẩm, thị phần... rồi âm thầm mua cổ phiếu đến tỉ lệ chi phối.

Yếu tố quản trị doanh nghiệp đặc biệt được người Nhật xem trọng trong các thương vụ M&A. Không ít doanh nghiệp bỏ lỡ cơ hội hợp tác với nhà đầu tư Nhật chỉ vì yếu tố này, như chuyện một công ty khoáng sản ở Yên Bái.

Đá trắng là nguồn nguyên liệu chính của công ty này và cũng là nguyên liệu chính của doanh nghiệp Nhật. Do vậy, họ muốn hợp tác lâu dài. Tuy nhiên, sau hơn hai năm tìm hiểu, đến nay người Nhật đã không còn quan tâm như trước. Ông Khương tiết lộ, công ty Nhật vẫn đánh giá cao năng lực của Hội đồng Quản trị nhưng cách làm việc không phù hợp khiến cơ hội hợp tác không thể đi xa hơn.

Nhà đầu tư Nhật còn rất kiên trì trong lúc tìm hiểu và thương thảo. Những doanh nghiệp họ đến tìm hiểu thường ít nhất kéo dài 6-9 tháng, nhiều có thể đến 2-3 năm. Thời gian nghiên cứu của họ với Cholimex và công ty khoáng sản ở Yên Bái là hơn hai năm.

“Quan điểm của họ là nếu không tìm được bạn tốt, thà không kết giao”, ông Khương nói. Cứ trung bình khoảng hai tháng họ đến doanh nghiệp tìm hiểu một lần. Mỗi lần họ ghi lại chi tiết mọi thứ.

Ông Đỗ Anh Tú, Tổng giám đốc Công ty Diana, cũng xác nhận điều này. Đối tác Nhật Unicharm đã bỏ ra khoảng 9 tháng để tìm hiểu Diana, từ tháng 12/2011 - 9/2012. “Họ rất cẩn trọng, đánh giá và chi tiết từng con số”, ông nói. Và dù việc đàm phán đã thông qua một công ty tư vấn nhưng trong thời gian này, họ vẫn gặp ban lãnh đạo khoảng 7 lần.

Ông Tú cũng chia sẻ: “Nếu vấn đề nào quan trọng, nên kiên trì hơn họ. Nhưng vấn đề ít quan trọng thì doanh nghiệp Việt nên nhượng bộ và nghĩ đến yếu tố hợp tác lâu dài”.

Trong những lần đi cùng nhà đầu tư Nhật đến tìm hiểu doanh nghiệp Việt, ông Khương cho biết nhà đầu tư Nhật cũng rất quan tâm đến chính sách đối với nhân viên. Kế đến là yếu tố vệ sinh môi trường. “Mỗi lần đến, họ đều xuống nhà máy xem công nhân làm việc thế nào, ăn gì, nghỉ trưa ra sao. Thậm chí ở các công trình xây dựng, nếu thấy thủ kho không đội mũ bảo hộ họ cũng ghi lại. Tất nhiên đó là điểm trừ cho doanh nghiệp”, ông Khương kể.

Ngoài ra, họ cũng hỏi nhiều người về hoạt động doanh nghiệp. Đây là điểm mà theo ông Khương là để kiểm tra tính chân thật của doanh nghiệp. Không ít doanh nghiệp mải mê đánh bóng doanh nghiệp theo kiểu này, nhưng lại tô hồng theo kiểu khác ở lần gặp sau. “Điều này giúp họ đo được mức độ hợp tác của đối tác rất hiệu quả”, ông nói.

Sự chi tiết này còn thể hiện cả trong cách trình bày hồ sơ thông tin. Hầu hết các doanh nghiệp Nhật đều có bản báo cáo tài chính hay hồ sơ dự án rất đẹp. Điểm nổi bật bên trong là có các biểu đồ, hình ảnh để minh họa. Trang đầu thì có mục lục rõ ràng và đoạn tóm tắt từng phần. Ngoài mép hồ sơ luôn được chú thích bằng màu sắc hay giấy ghi chú dán kèm.

“Họ đã làm vậy và họ tìm kiếm những điều giống như vậy”, ông Khương nói. Đa số các doanh nghiệp Việt được nhà đầu tư Nhật tiếp cận chưa đáp ứng các tiêu chí này. Không ít lần ông Khương chứng kiến nhà đầu tư Nhật cau mày khi cầm xấp hồ sơ được doanh nghiệp cung cấp.

Cũng trong quá trình cung cấp thông tin, nhà đầu tư Nhật rất quan tâm đến đối tác của doanh nghiệp tìm hiểu. “Vì vậy, thông tin giới thiệu doanh nghiệp nên có thêm phần giới thiệu đối tác”, ông Khương nói. Nếu doanh nghiệp nào có đối tác Nhật hoặc từng làm việc với người Nhật thì cơ hội thành công càng cao hơn.

Giải thích cho điều này, ông Khương cho biết, cộng đồng doanh nghiệp Nhật đầu tư ở nước ngoài rất đoàn kết và chia sẻ thông tin với nhau chặt chẽ. Sẽ không có nhà đầu tư Nhật nào quay lại một doanh nghiệp đã mất uy tín hoặc hợp tác không thành với một doanh nghiệp trong cộng đồng của họ. Và ngược lại, nếu hợp tác thành công, họ sẽ giới thiệu cho nhau.

Các doanh nghiệp Việt Nam đang có cơ hội đón làn sóng đầu tư từ Nhật, một phần từ việc họ chuyển hoạt động đầu tư từ Trung Quốc sang. Để tiếp cận với họ, theo ông Khương, doanh nghiệp Việt nên thông qua các công ty tư vấn trong nước có mối quan hệ với nhà đầu tư Nhật hoặc công ty tư vấn của Nhật.

Như trong thương vụ Diana, Công ty Chứng khoán Thiên Việt đã thể hiện vai trò kết nối với nhà đầu tư Nhật rất hiệu quả. “Đừng nghĩ đến chuyện đi đêm với người Nhật”, ông Khương lưu ý.

Làn sóng đầu tư của Nhật vẫn đang tiếp tục. Họ đặc biệt quan tâm đến ngành thực phẩm tiêu dùng, sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm chế biến, ngành nguyên liệu (nhựa, khoáng sản...), ngành vật liệu xây dựng và logistic. Lĩnh vực tài chính ngân hàng thời gian qua diễn ra không ít thương vụ lớn. Theo ông Khương, lĩnh vực này sẽ được quan tâm nhưng không phổ biến bằng những ngành trên.

Cũng theo ông, những doanh nghiệp có vốn từ 100 tỉ đồng trở lên sẽ được người Nhật quan tâm. Vì định hướng đầu tư lâu dài, họ muốn mua từ 20-30% cổ phần trước khi nâng tỉ lệ sở hữu nếu việc hợp tác mang lại hiệu quả.

(Nguồn: Nhịp cầu Đầu tư)