10:12 17/08/2007

Bánh xèo hay Mười Xiềm?

Chuyện bà Mười Xiềm đi Mỹ và “thương hiệu” bánh xèo Mười Xiềm thành danh tại Cần Thơ được nhiều người quan tâm

Việc xây dựng thương hiệu “bánh xèo Mười Xiềm” hiện mới chỉ dừng ở những bước đầu tiên.
Việc xây dựng thương hiệu “bánh xèo Mười Xiềm” hiện mới chỉ dừng ở những bước đầu tiên.
Chuyện bà Mười Xiềm đi Mỹ và “thương hiệu” bánh xèo Mười Xiềm thành danh tại Cần Thơ được nhiều người quan tâm. Câu chuyện trở nên thú vị khi vấn đề không chỉ dừng lại ở mức độ “bánh xèo Mười Xiềm”. Dưới đây là bài viết của chuyên gia thương hiệu Vũ Quốc Chinh (hiện là giảng viên Đại học Kinh tế Tp.HCM).

Sự thành công bước đầu của thương hiệu này chủ yếu là do bản thân sản phẩm (bánh xèo) có “tố chất” để làm thương hiệu và sự hỗ trợ của công tác xúc tiến, và sức mạnh truyền thông đã chắp cánh cho “tố chất” đó phát huy hiệu quả nhanh chóng.

Bánh xèo Mười Xiềm khó đi được xa…

Trong đó, “tố chất” hình thành nên thương hiệu bánh xèo là sự độc đáo, sự kết hợp tinh tế của các nguyên liệu, sự công phu trong chế biến và sâu xa hơn là cả một nền văn hóa ẩm thực Nam bộ chứa đựng trong đó.
Khi bà Mười Xiềm biểu diễn đổ bánh xèo ở Mỹ, thực khách đã được chứng kiến bằng mắt, được nghe những câu chuyện xung quanh chiếc bánh xèo Việt Nam, được thưởng thức vị đậm đà của hàng chục chất liệu tạo nên. Nói cách khác, họ đã được khám phá bằng mọi giác quan một nền văn hóa ẩm thực mới lạ và hấp dẫn.
Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu “bánh xèo Mười Xiềm” hiện mới chỉ dừng ở những bước đầu tiên. Việc du khách quan tâm tìm đến để nếm thử do tác động của một vài bài báo chưa thể đảm bảo sự bền vững của thương hiệu.

Hơn nữa, sự tập trung khai thác độc quyền hình ảnh “bà Mười Xiềm đổ bánh xèo” trong một khu du lịch để thu hút khách như cách làm vừa qua là điều lãng phí. Vì giữa hai chữ “bánh xèo” và “bà Mười Xiềm”, tố chất để phát triển thương hiệu nằm ở chữ thứ nhất.

Nếu quá chú trọng vào thương hiệu “Mười Xiềm” thì thiếu sức lan tỏa, nhiều lắm chỉ giới hạn trong một vài quán ăn có tên bà, hay một khu du lịch tỉnh gắn chung bảng hiệu “Mười Xiềm”... không thể đi xa hơn được. Trong khi đó từ “bánh xèo” có triển vọng hơn rất nhiều.

Và nếu lựa chọn, trong bốn tên của thương hiệu “bánh xèo” là Mười Xiềm - Cần Thơ - Nam bộ - Việt Nam thì theo tôi, nên chọn mức độ “bánh xèo Nam bộ” làm phạm vi thương hiệu, mang đặc trưng tính cách của vùng ĐBSCL, nhân hậu, đậm chất thiên nhiên.

Khi đó mỗi địa phương trong khu vực đều có thể góp phần xây dựng thương hiệu chung này, và bổ sung bản sắc riêng của mình vào trong từng sản phẩm.

Bánh xèo Nam bộ?

Để phát triển thương hiệu “bánh xèo Nam bộ”, việc đầu tiên các cơ quan xúc tiến thương mại, văn hóa và du lịch trong khu vực phải vào cuộc và phối hợp theo một chương trình cụ thể.

Bắt đầu từ các cuộc hội thảo nhằm chia sẻ quan điểm xây dựng thương hiệu cho đặc sản vùng, sau đó lập bộ tiêu chuẩn thống nhất về mặt chất lượng nguyên liệu, dịch vụ khách hàng, an toàn vệ sinh thực phẩm, giá cả, bảng hiệu... cho “bánh xèo Nam bộ”.

Kế tiếp sẽ là sự hình thành các sản phẩm hỗ trợ cho bộ tiêu chuẩn đó như “bột đổ bánh xèo”, “gia vị làm bánh xèo”, “nước chấm dùng cho bánh xèo”, “rau sống dùng với bánh xèo”... xuất hiện đồng loạt và thống nhất.

Bên cạnh đó là các chương trình quảng bá đa dạng trên phương tiện truyền thông, là sự hình thành những “phố bánh xèo”, những “cuộc thi đổ bánh xèo”, “lễ hội bánh xèo” , “khóa dạy cách làm bánh xèo”... Món đặc sản này sẽ xuất hiện trang trọng trong thực đơn tiếp khách của các vị lãnh đạo như niềm tự hào về văn hóa ẩm thực phương Nam...

Biết đâu một ngày nào đó trong từ điển bách khoa Larousse của Pháp, bên cạnh những từ “nuoc mam”, “nem” (chả giò), “pho”… được in nguyên văn tiếng Việt sẽ xuất hiện từ “banh xeo Nam bo” trang trọng, đánh dấu một thương hiệu Việt Nam chính thức tỏa sáng trên bầu trời thế giới.

“Ngôi sao” Mười Xiềm trong “đội bóng” bánh xèo Nam bộ

Về phần bà Mười vẫn có thể khai thác thương hiệu riêng “Mười Xiềm” của mình trong thương hiệu chung “bánh xèo Nam bộ”. Vai trò của bà Mười giờ đây giống như một cầu thủ ngôi sao tỏa sáng trong một đội bóng nhiều cầu thủ giỏi. Đấy là sự hỗ trợ lẫn nhau giúp cả cầu thủ và đội bóng thăng hoa.

Điều này khác biệt hoàn toàn với cách làm trước đó, các công ty trải thảm đỏ mời bà đem thương hiệu về hợp tác, tương tự như các đội bóng muốn chữ ký của một cầu thủ lớn mà không quan tâm tới trách nhiệm góp sức đưa cả một nền bóng đá đi lên, tất yếu “cầu thủ” đó cũng bị mệt mỏi và “nền bóng đá” cũng khó thành công.

* Sau ngày bà Mười Xiềm đi Mỹ về, khu du lịch Phù Sa, TP Cần Thơ đã “nhanh tay” ký hợp đồng hợp tác có hiệu lực ba năm với bà Mười Xiềm. Theo đó bà làm việc tại khu du lịch Phù Sa, ở cồn Ấu, phụ trách chế biến các loại bánh.

Công việc phải làm ngoài bánh xèo là chế biến 15 món ẩm thực. Làm việc từ 8-17 giờ vào các ngày thứ bảy, chủ nhật và các ngày lễ, tết. Tiền công được trả là 300.000 đồng/ngày, hình thức trả khoán vào cuối các ngày có làm việc. Bà Xiềm được hỗ trợ tại nhà 4,5 triệu đồng để làm nhà vệ sinh, 4 bàn tre, 16 ghế đôn tre, 40 cái chén, 40 đôi đũa…

Quyền lợi chỉ như vậy nhưng nghĩa vụ và trách nhiệm của bà Mười Xiềm là “hết sức nặng nề”.

Bà không được ký kết hợp đồng và bán thương hiệu với đơn vị và cá nhân nào khác; không được đưa hình ảnh, logo, thương hiệu của các đơn vị và cá nhân khác tại nhà; không được sự đồng ý của người sử dụng lao động thì bà Xiềm không được tham gia chế biến các món ăn ở bất cứ nơi nào, trừ chế biến tại nhà và Sở Văn hóa - Thông tin Cần Thơ có yêu cầu chế biến các món ăn phục vụ trong ngành.