11:04 15/09/2008

Bất ổn vĩ mô vẫn chưa dứt

Nguyễn Hoài

Những bất ổn của các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô đã tạm lắng dịu, nhưng còn quá sớm để lạc quan

Lạm phát bắt đầu tăng tốc từ tháng 9/2007 và vẫn chưa dừng lại cho đến nay.
Lạm phát bắt đầu tăng tốc từ tháng 9/2007 và vẫn chưa dừng lại cho đến nay.
Chính phủ đang kiểm soát lạm phát, cán cân thanh toán tổng thể và tăng trưởng tốt hơn, nhưng theo một số nhà phân tích, nền kinh tế vẫn chưa thoát khỏi giai đoạn khó khăn.

Trong bối cảnh đó, bài toán về chi phí vốn, quản trị, đầu tư của doanh nghiệp trở nên vô cùng khó giải...

Tại hội thảo “Kinh tế vĩ mô và quản trị doanh nghiệp” do Công ty Chứng khoán quốc tế Hoàng Gia (IRS) và các chuyên gia của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 13/9/2008, hầu hết ý kiến đều cho rằng, những bất ổn của các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô như tăng trưởng, lạm phát, cán cân thanh toán tổng thể và thị trường tài chính đã tạm lắng dịu nhưng còn quá sớm để lạc quan.

Vẫn còn nguyên những khó khăn

Trước hết là vấn đề tăng trưởng. TS. Võ Trí Thành, Trưởng ban nghiên cứu chính sách hội nhập kinh tế quốc tế của CIEM phân tích: mặc dù tăng trưởng của 8 tháng đầu 2008 có nhiều dấu hiệu tích cực như: xuất khẩu tăng 39,1% (chưa từng có trong vài chục năm gần đây), FDI tăng cao nhưng nếu nhìn sâu hơn thì chất lượng tăng trưởng đang có vấn đề.

Một là, xuất khẩu tăng 39,1% nhưng là tăng do giá còn giá trị gia tăng thực tế đóng góp vào GDP chỉ tăng dưới 15%.

Hai là, đối với FDI thì trong số 46,3 tỷ USD FDI cam kết 8 tháng qua, có tới 43% cho công nghiệp nặng và hóa dầu, 47% vào bất động sản và dưới 10% đầu tư dịch vụ.

Thời gian qua, vốn FDI thực hiện chỉ khoảng 7 tỷ USD (hơn 6,6%) nhưng trong đó, phần của các nhà đầu tư nước ngoài thực sự đưa vào qua cán cân thanh toán quốc tế chỉ 4,5 - 5 tỷ USD, còn lại là huy động trong nước.

Như vậy, cái mà Việt Nam hiện muốn nhất là lợi thế của công nghiệp chế biến, đẩy mạnh xuất khẩu vẫn chưa được như mong đợi.

Ba là, trong khi tăng trưởng kinh tế vẫn thấp và chưa bền vững thì tỷ lệ đầu tư/GDP vẫn rất cao. Năm 2007, tỷ lệ này đạt mức cao nhất trong lịch sử là 44% GDP và 8 tháng qua, sự hưng phấn đầu tư này vẫn chưa được hãm lại. Điều này cho thấy, tăng trưởng chủ yếu dựa vào tăng tiền, trong đó chiếm 50% là tiền của nhà nước.

“Bởi thế, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài rất thích làm ăn với Nhà nước do được hỗ trợ bởi ngân sách và ODA cho vay lại!”, ông Thành nói.

Bốn là, đi cùng với khó khăn về tăng trưởng là những phát sinh về mặt xã hội. Theo thống kê, số vụ đình công, ngừng việc tập thể ngày càng gia tăng với lý do chính là đòi tăng lương và không chỉ diễn ra ở các doanh nghiệp phía Nam mà còn lan ra cả phía Bắc.

Yếu tố thứ hai là lạm phát. Lạm phát bắt đầu tăng tốc từ tháng 9/2007 và vẫn chưa dừng lại cho đến nay.

Thứ ba là sự lo ngại từ cán cân thanh toán tổng thể. Trong 8 tháng đầu 2008, thâm hụt thương mại 16 tỷ USD, được bù đắp bởi một số nguồn chính như 7 tỷ USD FDI, 2 tỷ USD FII nhưng còn thiếu khoảng 7 tỷ USD.

Tính toán cả năm 2008, nguồn kiều hối đạt khoảng 8 tỷ USD, cộng với 2 tỷ USD tiền gửi của dân và nguồn này có thể tạm thặng dư cán cân thanh toán tổng thể trong điều kiện người dân để yên số USD này trong ngân hàng.

Nhưng nếu họ cứ rút ra, gửi vào để đầu tư hoặc cất trong két sắt thì số ngoại tệ này không thể sử dụng trên thị trường liên ngân hàng và đó là điều đáng lo khi muốn cân bằng cán cân thanh toán tổng thể.

Thứ tư là hệ thống tài chính ngân hàng. Đặc biệt là tính thanh khoản của các ngân hàng đã hồi phục nhưng các nhà quản lý chưa thể lơ là với công tác quản trị rủi ro, bởi lẽ nhiều ngân hàng hiện nay vẫn đối mặt với tăng trưởng nguồn vốn chậm chạp, tỷ lệ nợ quá hạn cao (do doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn)...

Gặp khó phải “ló” khôn!

Theo ông Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, trước những khó khăn của nền kinh tế, có nhiều doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ phá sản, số khác đang cầm cự và tỷ lệ số doanh nghiệp đang phát triển tốt không quá nhiều.

Trước tình hình này, ông Lê Vĩnh Sơn, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Quốc tế Sơn Hà nêu ra một giải pháp: “Ngoài việc thắt chặt chi tiêu, đầu tư thì Sơn Hà còn có một giải pháp khác là đàm phán với nước ngoài mở L/C trả chậm cho hàng nhập khẩu và nhờ họ vay giúp ngoại tệ”.

Theo ông Sơn, tại những thời điểm thuận lợi nhất, doanh nghiệp vay USD trong nước phải chịu lãi suất tới 7,5%/năm trong khi ở nước ngoài, lãi suất chỉ 4,5%/năm. Tận dụng cơ hội này, Công ty Sơn Hà đã nhờ các doanh nghiệp có mối thân quen với ngân hàng nước ngoài hoặc sử dụng các quan hệ bạn hàng từ Đài Loan, Hàn Quốc nhờ họ vay hộ ngoại tệ với lãi suất chỉ 4,5%/năm, thấp hơn vay trong nước 3%/năm với thời gian từ 5 - 6 tháng cho một vòng quay vốn.

Tuy nhiên, điều kiện đưa ra là phải có sự bảo lãnh của ngân hàng trong nước. Vấn đề ở chỗ, phải sử dụng đồng vốn thật hiệu quả, trả nợ đúng hạn và điều này lại liên quan đến bài toán “tối thiểu chi phí, tối đa lợi nhuận”.

Về vấn đề này, ông Bùi Đức Thịnh, Giám đốc Khối phân tích của IRS cho rằng: tất cả những doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu và có đối tác với nước ngoài đều có thể làm được điều này. Nếu vay L/C trả chậm không những doanh nghiệp vay được lợi vì chi phí vốn thấp hơn mà về phía ngân hàng cũng được lợi. Chẳng hạn, ngân hàng không cần xuất vốn mà chỉ cần bảo lãnh qua L/C.

Hơn nữa, trên trên bảng cân đối tài khoản của ngân hàng không thể hiện dư nợ cho vay đối với khoản bảo lãnh này mà chỉ thể hiện ở phần cân đối ngoại bảng và đương nhiên không bị Ngân hàng Nhà nước “hỏi thăm” về tăng dư nợ tín dụng quá 30%.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh tỷ giá tăng, lãi suất tăng thì doanh nghiệp cần sử dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro mà cụ thể là các sản phẩm phái sinh.

Ví dụ, cuối 2007, một doanh nghiệp vay vốn dài hạn ngân hàng với lãi suất 8%/năm, thời hạn vay 3 năm, nếu lãi vay thả nổi điều chỉnh theo tháng thì đến thời điểm này doanh nghiệp phải trả lãi vay đến 19 - 20%/năm.

Để tránh rủi ro lãi suất, giả sử doanh nghiệp ký một hợp đồng hoán đổi lãi suất với một định chế cung cấp sản phẩm “hoán đổi lãi suất” thì đương nhiên lãi suất khoản vay đó trong thời hạn hợp đồng không thể nào vọt lên 19 - 20%/năm mà chỉ ở mức 14 - 15%/năm. Nhờ đó, doanh nghiệp chủ động tính toán nguồn vốn mà không bị áp lực lãi suất leo thang từng ngày.

Ngoài ra, theo ông Lê Minh Hải, Tổng giám đốc Công ty Thép VG - Pipe, trong nhiều trường hợp, nếu giá thành sản xuất chỉ 1 đồng/sản phẩm nhưng khi đến người tiêu dùng giá tăng lên 2,5 đồng/sản phẩm thì doanh nghiệp đã để tổn phí trong lưu thông quá nhiều và phải kiểm soát vấn đề này, để người tiêu dùng được mua rẻ hơn và doanh nghiệp bán được nhiều hàng hơn.