10:50 17/09/2013

Bộ Giao thông Vận tải trần tình khó khăn của Vinashin

Anh Minh

Việc khoanh nợ, giãn nợ của Vinashin gặp rất nhiều vướng mắc

"Con tàu" Vinashin cần được tiếp tục "đại tu" nếu muốn quay lại biển lớn.
"Con tàu" Vinashin cần được tiếp tục "đại tu" nếu muốn quay lại biển lớn.
Ông Nguyễn Văn Công, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, trong bài trả lời phỏng vấn báo chí được đăng lại trên cổng thông tin điện tử của bộ này, cho rằng tiến trình tái cơ cấu Vinashin "còn chậm so với dự kiến, đặc biệt là phát triển sản xuất và tái cơ cấu tài chính".

Quan chức này cho hay việc khoanh nợ, giãn nợ gặp rất nhiều vướng mắc. Khó khăn của Vinashin có nhiều nguyên nhân, trong đó, thị trường là yếu tố quyết định đối với việc sản xuất và tái cơ cấu, nhưng thị trường đóng tàu thế giới tiếp tục suy giảm, xấu hơn dự báo. Trong khi đó, thị trường đóng tàu trong nước bị thu hẹp do tốc độ tăng trưởng kinh tế suy giảm và chính sách thắt chặt tiền tệ đầu tư công để kiềm chế lạm phát.

Bên cạnh đó, căn cứ pháp lý, cơ chế chính sách còn thiếu, chưa đồng bộ để thực hiện tái cơ cấu một tập đoàn kinh tế; nguồn tài chính để tái cơ cấu, nhất là để xử lý nợ của tập đoàn rất hạn hẹp, huy động vốn cho sản xuất kinh doanh rất khó khăn.

Đến nay, Vinashin đã thực hiện tái cơ cấu được 43 doanh nghiệp, bao gồm rút vốn 14 đơn vị; giải thể 14 đơn vị; chuyển nhượng phần vốn góp, bán tài sản 12 đơn vị; bàn giao, chuyển chủ sở hữu, quyền đại diện vốn 3 đơn vị.

Ông Công cũng cho biết một số thông tin đáng chú ý liên quan đến các khoản nợ của Vinashin. Cụ thể, về tái cơ cấu tài chính, khoản trái phiếu quốc tế Chính phủ vay về cho tập đoàn vay lại thì tái cơ cấu theo hình thức mua lại nợ, phát hành trái phiếu để đảo nợ và các hình thức phù hợp khác. 

Đối với các khoản nhận nợ bắt buộc do chủ tàu nước ngoài hủy hợp đồng và tập đoàn vay nước ngoài khác thì thực hiện mua lại nợ với mức tối đa bằng 30% giá trị khoản nợ. Đối với các khoản nợ còn lại của các tổ chức tín dụng trong nước, đàm phán để mua lại nợ, phát hành trái phiếu doanh nghiệp hoán đổi nợ nhằm giảm nghĩa vụ nợ, giảm lãi suất, kéo dài thời gian trả nợ.

Ở khía cạnh tích cực, vị thứ trưởng này cho hay mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng để giảm bớt thiệt hại, từ năm 2010 đến nay, Vinashin vẫn phải tiếp tục thực hiện các hợp đồng đóng tàu đã ký và đang đóng dở dang. 

"Nếu không tiếp tục thực hiện đóng các tàu theo các hợp đồng đã ký kết và đang đóng dở dang nêu trên thì trong ba năm 2010-2012 số lỗ sẽ còn tăng thêm. Ngoài ra, tập đoàn đã cố gắng tìm kiếm hợp đồng đóng tàu mới, mở rộng dịch vụ sửa chữa tàu biển trên nguyên tắc tối thiểu là hòa vốn để duy trì sản xuất và bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động", ông Công nói.

Hiện nay, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, của Chính phủ, các bộ, ngành đang thực hiện tái cơ cấu Vinashin theo 3 trọng tâm về mô hình tổ chức, phương án sản phẩm và cơ cấu tài chính.

Về mô hình tổ chức, sau khi kết thúc thí điểm mô hình tập đoàn, Vinashin sẽ quay lại mô hình Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy thuộc Bộ Giao thông Vận tải, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con; trong đó Công ty mẹ - Tổng công ty được hình thành trên cơ sở tổ chức lại Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam, là công ty TNHH một thành viên do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Mô hình mới giữ lại và tái cơ cấu toàn diện 8 công ty đóng và sửa chữa tàu thủy Hạ Long, Phà Rừng, Bạch Đằng, Sông Cấm, Thịnh Long, Cam Ranh, Công nghiệp Tàu thủy Sài Gòn và Công nghiệp Hàng hải Sài Gòn.

Các công ty trên đang nắm giữ khoảng 70% năng lực đóng và sửa chữa tàu thủy của cả nước. Đây là những doanh nghiệp có truyền thống, có năng lực, đã được đầu tư kết cấu hạ tầng, dây chuyền công nghệ, thiết bị nâng hạ, gia công cơ khí và một số công nghiệp phụ trợ tương đối đồng bộ, có thể đóng được tàu từ 10.000 - 70.000 tấn và nhiều loại tàu chuyên dùng.

"Nếu không tái cơ cấu mà phá sản tập đoàn thì Nhà nước không giữ được 8 doanh nghiệp đóng tàu chủ lực với khoảng 70% năng lực đóng tàu của cả nước. Nhiều doanh nghiệp, nhà thầu liên quan đến hoạt động của tập đoàn cũng sẽ phá sản theo. Thời gian thực hiện phá sản tập đoàn sẽ kéo dài, có thể tới hàng chục năm và để có được các cơ sở đóng tàu với năng lực tương đương 8 doanh nghiệp nêu trên sẽ rất mất thời gian và chi phí", ông nhấn mạnh.

Quan chức này cũng nói rằng khi thị trường đóng tàu hồi phục, thị trường tài chính ổn định hoặc có điều kiện thuận lợi, sẽ tiến hành cổ phần hóa; bước đầu Nhà nước giữ cổ phần chi phối và sau đó giảm dần, không nắm giữ cổ phần chi phối. Nguồn tiền thu được từ cổ phần hóa dành để trả các khoản nợ của tập đoàn khi đến hạn.

Cuối tuần trước, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo Vinashin và một trong những nội dung chính là về tái cơ cấu tập đoàn này.

Tại buổi làm việc, ông Vũ Anh Tuấn, quyền Tổng giám đốc Vinashin cho biết 8 tháng đầu năm 2013, tập đoàn đạt giá trị tổng sản lượng hơn 4.000 tỷ đồng, bằng 112,11% so cùng kỳ 2012 và bằng 61,76% kế hoạch năm 2013. Tổng doanh thu 8 tháng đạt hơn 2.700 tỷ đồng, bằng 106,56% cùng kỳ năm 2012 nhưng chỉ bằng 39,67% kế hoạch năm. Tính đến hết tháng 8/2013, tập đoàn cũng mới bàn giao được 20/69 tàu cho chủ tàu.