09:07 19/08/2013

“Bước chậm” của đại gia Geleximco?

Anh Minh

Chủ đầu tư xin "trả" dự án cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình sau ba năm khởi công

Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, UBND thành
 phố Hà Nội, UBND tỉnh Hòa Bình, Geleximco xin được bàn giao lại dự án 
cho các địa phương đầu tư hoặc Bộ Giao thông Vận tải, hoặc cho phép 
chuyển hình thức đầu tư dự án bằng nguồn vốn vay ODA theo hình thức PPP,
 trong đó đơn vị này xin làm nhà đầu tư thứ nhất.
Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, UBND thành phố Hà Nội, UBND tỉnh Hòa Bình, Geleximco xin được bàn giao lại dự án cho các địa phương đầu tư hoặc Bộ Giao thông Vận tải, hoặc cho phép chuyển hình thức đầu tư dự án bằng nguồn vốn vay ODA theo hình thức PPP, trong đó đơn vị này xin làm nhà đầu tư thứ nhất.
Với việc xin dừng triển khai dự án đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình, Geleximco dường như đang bước chậm lại trên hành trình tham vọng đã được công bố trước đó.

Không hiệu quả thì… nghỉ


Geleximco, từng được biết đến với tên gọi đầy đủ là Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội vừa xin dừng triển khai dự án đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình theo hình thức BT do không thể hoàn thành công trình theo tiến độ đã cam kết.

Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, UBND thành phố Hà Nội, UBND tỉnh Hòa Bình, Geleximco xin được bàn giao lại dự án cho các địa phương đầu tư hoặc Bộ Giao thông Vận tải, hoặc cho phép chuyển hình thức đầu tư dự án bằng nguồn vốn vay ODA theo hình thức PPP, trong đó đơn vị này xin làm nhà đầu tư thứ nhất.

Lý lẽ của Gleximco là do quỹ đất đối ứng cho dự án của cả tỉnh Hòa Bình và Hà Nội không đủ để hoàn vốn cho nhà đầu tư khi hoàn thành xây dựng tuyến đường. Tính toán của nhà đầu tư cho thấy, hiện tổng mức đầu tư dự án dài khoảng 33 km vào khoảng 18.000 tỷ đồng, trong đó đoạn qua Hòa Bình cần 6.745 tỷ đồng và đoạn qua thành phố Hà Nội cần 11.021 tỷ đồng.

Trong khi đó, Gleximco được Hòa Bình bố trí cho 3 dự án đối ứng là khu đô thị Yên Quang 150 ha, khu đô thị Trung Minh 130 ha, sân golf Trung Minh 36 lỗ. Dự án đối ứng trên địa bàn thành phố Hà Nội dự kiến là khu đô thị Nam Láng - Hòa Lạc có diện tích 600 ha.

Tuy nhiên, do tổng mức đầu tư quá lớn, sự suy thoái của nền kinh tế và thị trường bất động sản đóng băng nên Geleximco sẽ “rất khó để hoàn thành công trình theo tiến độ cam kết".

Những người biết về dự án dường như đã dự liệu được kết cục này. Giữa tháng trước, xét báo cáo và kiến nghị của UBND tỉnh Hòa Bình (công văn số 38/BC-UBND ngày 12/4/2013) về tình hình thực hiện đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình và ý kiến đóng góp của các bộ liên quan, Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã yêu cầu UBND tỉnh Hòa Bình thẩm tra, đánh giá lại năng lực tài chính của nhà đầu tư; nếu nhà đầu tư không đủ năng lực để tiếp tục thực hiện dự án thì đề xuất khả năng lựa chọn nhà đầu tư khác.

Phó thủ tướng cũng yêu cầu trong trường hợp không thể lựa chọn được nhà đầu tư để tiếp tục thực hiện dự án theo hình thức BT, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp và hỗ trợ UBND tỉnh Hòa Bình vận động nguồn vốn ODA, thực hiện các thủ tục theo đúng quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA và về đầu tư xây dựng công trình.

Một nguồn tin tử tỉnh Hòa Bình cho hay đến hết tháng 1/2012, tổng số tiền nhà đầu tư đã giải ngân cho dự án trên địa bàn Hòa Bình là 187,92 tỷ đồng, trong đó chi phí tư vấn 22,23 tỷ đồng; tạm ứng và thanh toán khối lượng xây lắp hoàn thành 26,9 tỷ đồng; chi phí đền bù giải phóng mặt bằng 131,19 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án 3,28 tỷ; chi khác 4,32 tỷ đồng.

Nhưng từ tháng 1/2012 đến nay, nhà đầu tư “chưa chuyển thêm kinh phí cho các hội đồng giải phóng mặt bằng cho các địa phương. Không chỉ thiếu vốn và giải phóng mặt bằng chậm, dự án đối mặt với một thực tế “nhạy cảm” là tiến độ xây dựng các khu nghĩa địa mới chậm, do đó “đã ảnh hưởng lớn đến tâm lý, tình cảm của các hộ dân nơi có dự án đi qua”.

Bước chậm


Ở miền Bắc, chủ tịch tập đoàn Geleximco, ông Vũ Văn Tiền, là một doanh nhân khá nổi tiếng khi đóng vai trò chủ tịch hoặc thành viên hội đồng quản trị một loạt doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, ngân hàng-tài chính, công nghệ, xi măng…

Ông Tiền cũng tham gia sâu rộng, “thu hoạch” và nổi tiếng trong hai cơn bão chứng khoán và bất động sản trong 7-8 năm qua.

Tuy nhiên, Geleximcom và ông Tiền dường như đang bước chậm lại, cho dù mục “tầm nhìn” trên website công ty vẫn đặt mục tiêu “phấn đấu để trở thành tập đoàn kinh tế hàng đầu về đầu tư trong các lĩnh vực: tài chính ngân hàng, sản xuất công nghiệp, bất động sản, công nghệ thông tin/đào tạo và dịch vụ thương mại mang tính chuyên nghiệp cao và liên tục hoàn thiện”.

Cột mốc tháng 6/2010, khi Geleximco đạt số vốn điều lệ 6.000 tỷ đồng và có đội ngũ hơn 6.000 cán bộ, công nhân viên; 6 chi nhánh; 20 công ty thành viên, hàng chục công ty liên doanh, liên kết hoạt động trên địa bàn cả nước… có thể xem đã là một đỉnh cao.

Cuối năm 2012, Geleximco quyết định bán 70% cổ phần của Công ty Cổ phần Xi măng Thăng Long cho tập đoàn Semen Gresik (Indonesia). Cho dù nhiều mỹ từ đã được đưa vào các bài phát biểu của các bên trong sự kiện này, thì sự thừa nhận của chính ông Vũ Văn Tiền đã nhận được khá nhiều sự chia sẻ. Ông Tiền nói: “Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế hiện nay, sự hợp tác này là một bước phát triển mới, giúp chúng tôi tái cấu trúc doanh nghiệp và tái cấu trúc dòng tiền tốt hơn”.

Xét riêng trong lĩnh vực bất động sản, việc triển khai nhanh và bán nhanh dự án khu đô thị Lê Trọng Tấn rộng 135 ha tại Hà Nội được đánh giá là đặc biệt thành công, nhưng các dự án khác mà Geleximco sở hữu hoặc có cổ phần lớn lại dường như không thuận lợi, như trường hợp dự án chung cư cao cấp GreenStar.

GreenStar hiện được giới thiệu là thuộc quyền sở hữu của Công ty Cổ phần An Bình Star, một công ty của Geleximco. Sau hai năm mở cửa nhà mẫu để đón khách, cho đến nay dự án này vẫn giữ một hình ảnh khá mờ nhạt trên thị trường.

Khi kể về thời điểm “bỏ nhà nước” để thành lập Geleximco vào năm 1993, ông Vũ Văn Tiền nói mình là người vốn quyết đoán, không muốn phụ thuộc nên khó có thể trụ lại được trong một môi trường với  cơ chế nặng bao cấp. 20 năm qua, Geleximco đã đi lên từ việc buôn bán hàng tiêu dùng, tư liệu sản xuất với Nga và Đông Âu trong giai đoạn đầu, đến những cuộc chơi cao cấp hơn như chứng khoán, ngân hàng và bất động sản trong thời gian gần đây.

Tư duy và trải nghiệm ấy, có lẽ quá đủ để một doanh nhân như ông Vũ Xuân Tiền hiểu, đúng là đôi khi “đường xấu” ta không thể bước nhanh, nhưng khi khác, “bước chậm” lại là bước khôn ngoan!