09:56 08/04/2017

Cách mạng công nghiệp 4.0: Làm gì để “đón sóng”?

Thủy Diệu

Cách mạng công nghiệp 4.0 không phải là thứ gì… cao siêu trên trời nhưng cần làm gì để “đón sóng”

Diễn đàn CEO “Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 - Được & Mất” do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 7/4 - Ảnh: Việt Tuấn.
Diễn đàn CEO “Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 - Được & Mất” do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 7/4 - Ảnh: Việt Tuấn.
“Cách mạng công nghiệp 4.0 không phải là thứ gì… cao siêu trên trời nhưng để “đón sóng” được cuộc cách mạng này thì cần sự thay đổi cơ chế, chính sách mạnh mẽ từ Chính phủ”, nhiều chuyên gia kinh tế và lãnh đạo doanh nghiệp cùng chung quan điểm này tại diễn đàn CEO “Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 – Được & Mất” do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 7/4.

Tăng trưởng đã tới hạn

Theo ông Ngô Văn Tuấn, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương, công nghiệp 4.0 tác động đến doanh nghiệp trên bốn khía cạnh chủ yếu, gồm kỳ vọng khách hàng, nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới hợp tác và hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh. Xét ở góc độ phạm vi sản xuất kinh doanh, cuộc cách mạng 4.0 cho phép mức độ tự do và linh hoạt cao hơn trong quá trình sản xuất, ranh giới giữa các ngành công nghiệp truyền thống, ranh giới ứng dụng cho các ngành công nghiệp và phi công nghiệp sẽ bị xóa nhòa. 

Kinh tế 4.0 cũng góp phần định nghĩa lại trong các mô hình kinh doanh, do trong một mạng lưới sản xuất phức hợp và kết nối lại với nhau, vai trò của các nhà thiết, nhà cung cấp sản phẩm và cách giao diện với khách hàng sẽ thay đổi. 

Theo ông Tuấn, hơn 30 năm đổi mới, giá trị công nghiệp của Việt Nam đã có sự thay đổi liên tục, công nghệ sản xuất có bước thay đổi về trình độ theo hướng hiện đại, tỷ trọng công nghiệp chế tạo chế biến trong giá trị sản xuất công nghiệp ngày càng tăng… Tuy nhiên, quá trình phát triển vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, như tăng trưởng kinh tế vẫn chủ yếu theo chiều rộng, tốc độ tăng trưởng, hiệu quả phát triển kinh tế còn thấp, công nghiệp phát triển phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Trong đó, những năm qua, giá trị đóng góp vào giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp FDI chiếm tới 50% và 70% kim ngạch xuất khẩu; tăng trưởng sản xuất công nghiệp thiếu bền vững, gần đây có xu hướng chậm lại về ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa, tự động hóa vào ngành công nghiệp – tức ngành công nghiệp chế tạo chưa đáp ứng được yêu cầu.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, hiện nay mô hình tăng trưởng của Việt Nam đã đến giới hạn tự nhiên, nên nếu không cải cách, thay đổi thì nền kinh tế vốn nhỏ lẻ, chính sách kiểu hành chính, động lực doanh nghiệp chạy theo chênh lệch giá, dựa vào các điều kiện sẵn có tự nhiên…, chắc chắn Việt Nam sẽ gặp thách thức rất lớn và sẽ sớm phải đối mặt với cuộc khủng hoảng thực sự. Và theo ông, công nghiệp 4.0 là một động lực lớn để Việt Nam thay đổi.

“Cần bàn tay của Chính phủ”

Theo ông Doanh, mỗi một doanh nghiệp bằng sự sáng tạo và năng động có thể đi vào cách mạng công nghiệp 4.0 theo cách của mình. 

Ông lấy ví dụ như T.S Nguyễn Thanh Mỹ ở Trà Vinh đã áp dụng cảm biến để đo độ mặn trên sông. Hay một cửa hàng hoàn toàn có thể vận dụng công nghệ 4.0 để kết nối khách hàng để kiểm tra, bảo trì bảo dưỡng sản phẩm, hay một hiệu phở cũng có thể thực hiện 4.0 như có cần giao phở tới tận nhà hay không. Vì thế, ông Doanh cho rằng, cách mạng công nghiệp 4.0 không phải là thứ gì… cao siêu trên trời, mà từ nông nghiệp, đến người bán hàng, đến tiệm phở, đến ngân hàng… hoàn toàn có thể thực hiện ngay cách mạng 4.0.

Mặc dù vậy, theo ông, để “đón sóng” được cách mạng 4.0 cần sự thay đổi chính sách, cơ chế, cần sự tái cơ cấu đổi mới mạnh mẽ từ Chính phủ.

Chuyên gia Võ Trí Thành cũng cho rằng, để “đón” và bắt kịp được cách mạng công nghiệp 4.0 cần bốn yếu tố, thứ nhất là thể chế và lãnh đạo, trong đó vai trò người đứng đầu rất quan trọng; thứ hai là hệ thống giáo dục, đào tạo, mộ kỹ năng mới và nhân lực số; thứ ba là thể chế thúc đẩy sáng tạo và trong sáng tạo thì doanh nghiệp phải là trung tâm – tức tính thực dụng phải rất cao; và thứ tư là an ninh mạng, an ninh kết nối. 

Dưới góc nhìn của một chuyên gia công nghệ, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, ông Vũ Hoàng Liên, cho rằng, cuộc cách mạng thứ ba Việt Nam không bắt kịp, cách mạng thứ tư thì thách thức lớn hơn. Nếu để phát triển tự nhiên (cách mạng thứ 4) thì trước sau cũng tốt lên, cũng tịnh tiến, nhưng khoảng cách giữa Việt Nam và các nước không biết có rút ngắn được hay không.

Vì thế, theo ông Liên, muốn bắt kịp 4.0 phải có sự đột biến. Tất cả các khoa học thì công cụ để tạo ra sự đột biến không phải là người dân mà là bàn tay vô hình của chính quyền của Nhà nước và chỉ có Nhà nước mới tạo ra những đột biến. “Để bắt kịp cách mạng thứ 4, chúng ta có thể bặt kịp về tiêu dùng, tuy nhiên, để bắt kịp về sáng tạo và sản xuất thì cần phải có bàn tay mạnh mẽ từ Chính phủ”, ông nói.

Đại diện cho Hiệp hội phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), Phó chủ tịch Mai Duy Quang, cho rằng, Chính phủ phải tạo hành lang để doanh nghiệp, start-up công nghệ phát triển, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp truyền thống phát triển mạnh hơn. 

“Khi cuộc cách mạng mới bắt đầu, không phải Chính phủ nào cũng nói về cuộc cách mạng này nhiều như ở Việt Nam. Cuộc cách mạng này không phải cuộc cách mạng của các “đại gia” mà là cuộc cách mạng của mọi người, trong đó có thể có những nhóm rất bé, chỉ có vài người nhưng những nhóm nhỏ đó sẽ thay đổi tương lai, diện mạo của các ngành kinh tế”, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình, đưa ra một góc nhìn khác.