15:34 08/04/2017

"Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ thay đổi diện mạo kinh tế Việt Nam”

Bạch Dương

Cách mạng công nghiệp 4.0 biểu tượng là robot có thể có trí tuệ toàn cầu, lấy kiến thức của tất cả các con robot để ứng xử với con người, vượt xa năng lực con người

Diễn đàn CEO với chủ đề “Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 – Được &amp; Mất” diễn ra hôm 7/4 - Ảnh: Việt Tuấn.<br>
Diễn đàn CEO với chủ đề “Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 – Được &amp; Mất” diễn ra hôm 7/4 - Ảnh: Việt Tuấn.<br>
Trong hai ngày mùng 7 và 8/4, Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức Chương trình Liên hoan các Doanh nghiệp toàn quốc năm 2017 với chủ đề “Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 – Được & Mất”.

Chương trình gồm một chuỗi các hoạt động, sự kiện truyền thông và tương tác trực tiếp, trong đó, tiêu biểu là Diễn đàn CEO 2017 và chương trình truyền hình trực tiếp lễ vinh danh Doanh nghiệp Rồng Vàng và Thương hiệu Mạnh Việt Nam 2016 - 2017 vào 9h30 ngày 8/4 năm 2017 trên sóng VTV1.

Đây là chương trình thường niên được Thời báo Kinh tế Việt Nam khởi xướng từ năm 2001 và trở thành sự kiện được đón đợi của đông đảo cộng đồng doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.

Người dân nghĩ gì về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?

Giáo sư Đào Nguyên Cát, Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam cho biết, Liên hoan toàn quốc hàng năm là sự kiện lớn nhất của Thời báo Kinh tế Việt Nam duy trì trong suốt 16 năm qua.

“Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra một sân chơi, một không gian giao lưu, bình đẳng, tự nguyện và chuyên nghiệp nhằm kết nối trong cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài hoạt động sản xuất - kinh doanh và làm ăn với Việt Nam. Những hoạt động trong chương trình rất phong phú, bao gồm triển lãm, diễn đàn, tôn vinh và khích lệ doanh nghiệp hướng những giá trị tốt đẹp và bền vững”, Giáo sư Đào Nguyên Cát nói.

Về lý do lựa chọn chủ đề của năm 2017, Giáo sư Đào Nguyên Cát nói: “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mở ra kỷ nguyên mới của đầu tư, năng suất và mức sống gia tăng. Điều đặc biệt so với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đó thì nó có khác biệt rất lớn về tốc độ phát triển, phạm vi và mức độ tác động.

Nó phát triển với cấp độ số nhân, nó đang làm biến đổi hầu hết nền công nghiệp ở mọi quốc gia về cả bề rộng và chiều sâu, trong cả hệ thống sản xuất và quản trị. Sự thay đổi chóng mặt của công nghệ cũng như xu hướng của người tiêu dùng đang là một trong những thách thức lớn nhất mà các công ty đang gặp phải, dù họ hoạt động trong ngành nào đi chăng nữa.

Điều này đặc biệt đúng với những công ty đã thành lập lâu năm, vì họ phải kết hợp các nội dung sáng tạo đổi mới với các nền tảng đang tồn tại để tạo ra lợi nhuận”.

Theo khảo sát của Thời báo Kinh tế Việt Nam trên Fanpage 400.000 thành viên của Báo điện tử VnEconomy, 57% số người quan tâm đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong 57% này thì có 48% đang tìm hiểu, nghiên cứu; 30% chưa làm gì; 17% đang xây dựng kế hoạch, chiến lược và rất ít con số 7% là đang triển khai.

Trong 43% số người không quan tâm đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì có tới 64% nói rằng họ chưa hiểu rõ bản chất của cuộc cách mạng; 12% cho rằng sẽ không ảnh hưởng tới lĩnh vực doanh nghiệp của mình đang hoạt động và 17%  thì cho rằng họ chưa có nhu cầu quan tâm.

Đánh giá tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến nền kinh tế Việt Nam thì có 43% người được hỏi cho rằng có tác động rất lớn, 25% cho là bình thường, còn lại là không tác động và không biết.

Thay đổi diện mạo nền kinh tế

Tại diễn đàn, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, cho rằng, tất cả các cuộc cách mạng đều được dẫn dắt bởi khoa học công nghệ. Cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên là máy có sức khỏe hơn cơ bắp con người và ngựa, voi.

Tiếp theo cuộc cách mạng lần 2, chúng ta có ánh sáng từ điện, có động cơ và tốc độ phát triển đã tăng lên một bậc mới. Đến cuộc cách mạng công nghiệp lần 3, chúng ta có máy tính tính toán nhanh, với nhiều ứng dụng công nghệ.

Còn ở lần thứ 4 này, biểu tượng sẽ là robot có thể có trí tuệ toàn cầu, lấy kiến thức của tất cả các con robot để ứng xử với con người, vượt xa năng lực con người. Con robot này sẽ chế ra các con robot khác.

“Tôi cho rằng, đây sẽ là cuộc cách mạng lớn nhất so với các cuộc cách mạng khác. Với cuộc cách mạng này, không chỉ máy móc mà tất cả các sự vật thế giới xung quanh chúng ta đều trở nên có nhân tính, đều có tính toán, tối ưu.

Thế giới xung quanh ta không chỉ trở thành thế giới sống mà biến thành thế giới có nhân tính. Khi đó, các ôtô sẽ tự tránh nhau, hàng hóa sẽ tự đến nhà. Đây chính là sự khác biệt lớn nhất mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ xảy ra. Rất khó để ước lượng quy mô, tầm cỡ của cuộc cách mạng này sẽ biến đổi đến mức độ nào”, ông Bình nói.

Nói về lợi thế của Việt Nam, ông Bình cho rằng, lúc này khi cuộc cách mạng mới bắt đầu, không phải Chính phủ nào cũng nói về cuộc cách mạng này nhiều như ở Việt Nam.

Thứ hai, từ khi ngành công nghệ thông tin đặt mục tiêu vươn ra thế giới thì tiềm lực ngành cũng vượt trội so với năng lực kinh tế Việt Nam.

Thứ ba là cuộc cách mạng này không phải cuộc cách mạng của các đại gia mà là cuộc cách mạng của mọi người. Trong đó có thể có những nhóm rất bé, chỉ có vài người nhưng những nhóm nhỏ đó sẽ thay đổi tương lai, diện mạo của các ngành kinh tế.