08:36 17/05/2012

Cần công nhận địa vị pháp lý của doanh nghiệp xã hội

Quý Hiểu

Sự có mặt của doanh nghiệp xã hội sẽ bổ trợ giải quyết được những vấn đề xã hội, môi trường nảy sinh

Doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam: Khái niệm, bối cảnh và chính sách là chủ đề của hội thảo vừa diễn ra tại Hà Nội.
Doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam: Khái niệm, bối cảnh và chính sách là chủ đề của hội thảo vừa diễn ra tại Hà Nội.
"Doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam: Khái niệm, bối cảnh và chính sách" là chủ đề của hội thảo do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Hội đồng Anh tại Việt Nam và Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP) vừa tổ chức ngày 16/5.

Với thông điệp đặt những viên gạch đầu tiên, các chuyên gia đã khoanh vùng đặc điểm cơ bản của doanh nghiệp xã hội là mô hình lai giữa hoạt động của các tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận (NGO) với các doanh nghiệp thương mại truyền thống.

Theo ông Lưu Minh Đức đến từ CIEM, doanh nghiệp xã hội lấy mục tiêu xã hội làm sứ mệnh hoạt động ngay từ khi thành lập, còn lợi nhuận đóng chỉ vai trò hỗ trợ. Hay nói một cách đơn giản là doanh nghiệp xã hội đặt mục tiêu xã hội lên hàng đầu.

Mục tiêu của họ là phục vụ những người có thu nhập dưới 2 USD/ngày và chủ yếu là đối tượng người nghèo, tật nguyền, người dân ở vùng sâu vùng xa, người khuyết tật, trẻ em thất học...

Chính vì thế, họ được biết đến là dưới công thức chung là những mô hình sáng tạo trong xã hội thông qua việc cung cấp dịch vụ để hỗ trợ cải thiện cuộc sống cho cộng đồng dễ bị tổn thương, được xếp vào vị trí đáy của xã hội, hay đưa ra những giải pháp trong lĩnh vực mới ít được Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân đầu tư.

Với những tiêu chí cơ bản ban đầu nói trên, các nhà nghiên cứu chỉ ra những đơn vị được xem là doanh nghiệp xã hội tiên phong ở Việt Nam là Trường Đại học Quản lý và Kinh doanh Hà Nội, Trường trung cấp Kinh tế Du lịch Hoa Sữa, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thủ công Mai, Cổng ty Cổ phần Tò He, Nhà hàng Koto,… Một cuộc khảo sát của CSIP cho thấy hiện Việt Nam có gần 200 tổ chức hoạt động theo mô hình này.

Vai trò đóng góp của một doanh nghiệp xã hội được đánh giá ngang với một doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay ở Việt Nam. Khảo sát của CSIP cho kết quả trung bình một doanh nghiệp xã hội sử dụng 51 lao động (18 người khuyết tật), lợi nhuận 400 triệu đồng so với doanh thu 15 tỷ đồng và tạo ra các giá trị xã hội và môi trường khác chưa thể định lượng được. Doanh nghiệp thông thường chỉ có các chỉ số tương đương 36 lao động và 320 triệu đồng.

Còn ở Anh, với sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp xã hội, thì với 55.000 doanh nghiệp đạt doanh thu gần 27 tỷ bảng Anh, đóng góp 8,4 tỷ bảng Anh/năm vào GDP, sử dụng 475.000 lao động và 300.000 tình nguyện viên, chiếm 5% tổng số lao động trong khu vực doanh nghiệp.

Nhìn nhận dưới một góc độ khác, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ, với mục tiêu cao cả hỗ trợ các nhóm yếu thế trong xã hội và phục vụ cộng đồng ngày càng tốt đẹp hơn thì sự xuất hiện của doanh nghiệp xã hội là rất quan trọng. “Nhà nước có trách nhiệm với những vấn đề của xã hội song làm không xuể, doanh nghiệp truyền thống cũng không đủ lấp đầy các nhu cầu. Vì thế, sự có mặt của doanh nghiệp xã hội sẽ bổ trợ giải quyết được những vấn đề xã hội, môi trường nảy sinh trong quá trình tăng trưởng kinh tế của đất nước ”.

Giám đốc CSIP Phạm Kiều Oanh bổ sung thêm, doanh nghiệp xã hội còn là tác nhân thúc đẩy đổi mới, sáng kiến cho xã hội, bởi nhóm doanh nghiệp này đi vào những thị trường ngách chưa ai đi và thậm chí sáng tạo nên sản phẩm mới, tạo lập một thị trường mới.

Tuy nhiên,  tại Việt Nam hiện doanh nghiệp xã hội vẫn chưa được công nhận chính thức từ phía Nhà nước nên thiếu địa vị pháp lý hoạt động và nhận thức của xã hội còn thấp, nên nhóm đối tượng này bị hạn chế về nguồn nhân lực, khả năng tiếp cận vốn, kỹ năng quản lý điều hành … Đây cũng là nguyên nhân về sự chậm phát triển của mô hình doanh nghiệp này ở Việt Nam trong thời gian qua dù đã manh nha từ những năm 1990.

Trong khi đó, doanh nghiệp xã hội trở thành xu hướng phát triển trên thế giới. Các quốc gia láng giềng như Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore… đã công nhận doanh nghiệp xã hội và tạo lập khung pháp lý, ban hành chính sách hỗ trợ phát triển của doanh nghiệp xã hội.

Chính vì thế, ông Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng CIEM cho rằng Nhà nước cần có sự thừa nhận pháp lý đối với doanh nghiệp xã hội, cũng như một số ưu đãi đặc thù và cụ thể trước khi tiến tới có hệ thống chính sách, thể chế cho loại hình doanh nghiệp này hoạt động và phát triển. “Chỉ như vậy, doanh nghiệp xã hội mới hoạt động thuận lợi và làm tốt hơn sứ mệnh của doanh nghiệp xã hội”.

Bà Phạm Kiều Oanh kiến nghị trước mặt có thể triển khai các văn bản dưới luật là Nghị định về doanh nghiệp xã hội công nhận chính thức doanh nghiệp xã hội, đồng thời thúc đẩy sự phát triển doanh nhân xã hội ở Việt Nam để tiến tới bổ sung trong Luật Doanh nghiệp.