18:19 19/03/2013

Canh bạc ở Hồ Tràm

Nguyễn Hùng - Hà Nguyễn

Có lẽ chủ đầu tư MGM Grand Hồ Tràm không đầu tư trên hy vọng, nhưng họ đã đầu tư trước chính sách

Dự án Hồ Tràm Strip có diện tích 164 ha, trải dài hơn 2 km trên bờ biển Bà Rịa - Vũng Tàu.<br>
Dự án Hồ Tràm Strip có diện tích 164 ha, trải dài hơn 2 km trên bờ biển Bà Rịa - Vũng Tàu.<br>
Với sự hiện diện của công ty kinh doanh casino hàng đầu thế giới, không chỉ chủ đầu tư mà giới kinh doanh du lịch ở Việt Nam cũng đã mơ về một giấc mộng Vegas ở vùng biển Hồ Tràm. Tuy nhiên, giấc mộng đó dần tan vỡ khi MGM tuyên bố rút lui khỏi dự án.

Một ngày giữa tháng 1/2013, chị Q.N.C, giám đốc một công ty phân phối thời trang nhập khẩu tại Tp.HCM cùng người chồng quốc tịch Anh đã có những trải nghiệm lý thú khi là 1 trong 600 khách mời sử dụng thử các dịch vụ tại MGM Grand Hồ Tràm Beach, khu phức hợp nghỉ dưỡng và giải trí có casino tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Chị C được phát một ít phỉnh để tham gia các trò chơi có thưởng, với yêu cầu tạo ra các tình huống để thử thách khả năng ứng xử nhân viên tại đây.

“Chẳng khác gì Las Vegas”, chị C nhận xét và cho biết có thể sẽ quay lại đây vào kỳ nghỉ Tết, khi dự án này chính thức khai trương (MGM Grand Hồ Tràm Beach dự kiến sẽ khai trương trước Tết Nguyên đán Quý Tỵ).

Tuy nhiên, mong muốn của chị C và của chủ đầu tư, công ty Asian Coast Development Limited (ACDL) có trụ sở tại Canada, cho đến nay vẫn chưa thể trở thành hiện thực khi MGM Resorts International (MGM) công bố rút lui khỏi hợp đồng quản lý dự án vào tuần trước. Hãng tin Reuters bình luận đây là một trong những đòn phủ đầu mới đối với dự án Hồ Tràm Strip.

Mộng Vegas

Dự án Hồ Tràm Strip có tổng vốn đầu tư dự kiến 4,2 tỉ USD thực hiện trong vòng 10 năm, với diện tích 164 ha trải dài hơn 2 km trên bờ biển Bà Rịa - Vũng Tàu. Giai đoạn 1 có tổng vốn đầu tư gần 500 triệu USD bao gồm 1 khách sạn 5 sao 1.100 phòng đã được nhà thầu là Công ty Cổ phần CotecCons bàn giao vào tháng 12/2012. ACDL cho biết, hiện khách sạn thứ hai với 559 phòng và sân golf 18 lỗ cũng đã được triển khai xây dựng.

Một trong những cột mốc quan trọng của Hồ Tràm Strip là năm 2008, khi dự án này ký kết thỏa thuận về hỗ trợ hợp tác và thỏa thuận về dịch vụ quản lý với công ty MGM Mirage Hospitality International Holdings Limited (MMH) - một công ty con của tập đoàn MGM Resorts International (Mỹ). Theo các điều khoản trong hai bản thỏa thuận này, MMH sẽ chịu trách nhiệm về thương hiệu, quản lý và điều hành, đồng thời hỗ trợ việc phát triển và tiếp thị của MGM Grand Hồ Tràm - khu resort đầu tiên trong tổng số 5 resort của dự án Hồ Tràm Strip.

MGM Resorts International là công ty sở hữu các thương hiệu hàng đầu thế giới trong ngành công nghiệp kinh doanh trò chơi có thưởng, khách sạn và giải trí. Một trong những mô hình thành công nhất của công ty này là MGM Grand Las Vegas. MGM Grand Las Vegas hiện là khu phức hợp nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp lớn nhất tại Mỹ và lớn thứ ba thế giới. Do đó, không chỉ chủ đầu tư mà giới kinh doanh du lịch ở Việt Nam cũng đã mơ về một giấc mộng Vegas ở vùng biển Hồ Tràm.

Tuy nhiên, giấc mộng đó dần tan vỡ khi thông tin MGM rút khỏi Hồ Tràm Strip được công bố rất ngắn gọn trên website của ACDL (asiancoastdevelopment.asia). “Hiện tại, MGM không còn điều hành khu nghỉ dưỡng đầu tiên này”, thông báo này viết. Lý do chấm dứt không được chủ đầu tư tiết lộ.

Canh bạc ở Hồ Tràm 1Năm 2008, khi ACDL chính thức nhận được giấy phép đầu tư cũng là lúc khủng hoảng kinh tế thế giới bắt đầu diễn ra khiến cho việc huy động vốn của ACDL vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, dưới áp lực bị rút giấy phép, ACDL phải dấn thân vào cuộc chơi.

Ngay từ khi bắt đầu Hồ Tràm Strip đã gặp một số trục trặc và chậm trễ trong tiến trình đầu tư, nhưng không ai nghĩ MGM Grand lại rút lui ngay lúc này, khi dự án giai đoạn 1 sắp đi vào hoạt động. Để tìm hiểu rõ hơn về việc này, chúng tôi đã liên lạc với đại diện MGM Grand Hồ Tràm và đại diện chủ đầu tư là ông Lloyd Nathan, Tổng giám đốc Điều hành ACDL, nhưng chưa nhận được câu trả lời.

Trong khi đó, trang calvinayre.com chuyên về du lịch nghỉ dưỡng viết rằng, MGM đã gửi thông báo tới Ủy ban Chứng khoán Mỹ cho biết sẽ thực thi quyền được hủy hợp đồng do dự án không đạt được các mục tiêu rõ ràng. Rất khó để biết được mục tiêu rõ ràng mà MGM đề cập đến là gì, nhưng nếu căn cứ vào tình hình thực tế của MGM Grand Hồ Tràm thì có thể thấy mục tiêu quan trọng nhất là đưa khu resort đi vào hoạt động trước ngày 1/3/2013 đã không thực hiện được.

Canh bạc của ACDL


Tuy nhiên, liệu có đúng là MGM rút lui do không thực hiện được mục tiêu, hay do họ không thấy khả năng sinh lợi của Hồ Tràm Strip nữa, hay do vấn đề giấy phép mở casino vẫn chưa được trả lời rõ ràng?

Những ai từng theo dõi tiến trình đầu tư của ACDL có thể nhận ra rằng, yếu tố thứ ba, tức giấy phép mở casino, có lẽ là lý do chính. Nhìn lại toàn cảnh thì việc đầu tư vào lĩnh vực casino ở Việt Nam, cả việc hợp tác với MGM của ACDL giống như một ván cờ, hay nói đúng hơn là một canh bạc.

Năm 2006, ACDL xin giấy phép đầu tư khu giải trí nghỉ dưỡng Hồ Tràm Strip. Lúc đó, nơi này chưa có đường nhựa đi qua. Nằm giữa Vũng Tàu và Phan Thiết, 2 địa danh thu hút nhiều khách du lịch, nhưng Hồ Tràm vẫn chưa được nhiều người biết đến. Những dự án resort biển giống như Hồ Tràm gặp bất lợi về nguồn cung, nhưng lại có lợi thế lớn là giá thuê đất rẻ. ACDL chỉ mất 4-5 triệu USD để thuê 164 ha đất trong vòng 50 năm.

Năm 2008, khi ACDL chính thức nhận được giấy phép đầu tư cũng là lúc khủng hoảng kinh tế thế giới bắt đầu diễn ra khiến cho việc huy động vốn của ACDL vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, dưới áp lực bị rút giấy phép, ACDL phải dấn thân vào cuộc chơi.

Lễ động thổ đầu tiên của Hồ Tràm Strip diễn ra vào tháng 5/2008 và được tổ chức lại vào tháng 7/2009, nhưng việc xây dựng chỉ chính thức bắt đầu từ giữa năm 2010. Năm 2010, lại một lần nữa đối mặt với khả năng bị rút giấy phép đầu tư do chậm tiến độ, ACDL phải chạy đôn chạy đáo để huy động 55 triệu USD từ Quỹ Đầu tư Thành phố New York và Harbriger Capital.

Những động thái này cho thấy, dường như ACDL chưa sẵn sàng nhập cuộc. Thực tế, theo tiết lộ của một nhà thầu xây dựng, trong quá trình xây MGM Grand Hồ Tràm đã phải liên tục thay đổi, bổ sung thiết kế.

Vẫn xây dựng trong bối cảnh thị trường tài chính khó khăn là một quyết định liều lĩnh của ACDL. Tuy nhiên, xây dựng casino tại Hồ Tràm Strip mới là canh bạc lớn nhất của ACDL.

Canh bạc ở Hồ Tràm 2Một khi MGM chỉ đuợc cho phép kinh doanh 20 bàn hay 50 bàn, mà không phải là 90 bàn cho giai đoạn 1 và 180 bàn cho cho cả hai giai đoạn, thì sự ra đi của MGM là điều dễ hiểu.

Với bất kỳ dự án kinh doanh nào, việc xác định rủi ro, đặc biệt là rủi ro chính sách, là vô cùng quan trọng. Việt Nam vẫn chưa cho phép công dân vào casino. Một số khách sạn được phép mở casino nhưng chỉ dành cho người nước ngoài, với số bàn trò chơi rất hạn chế.

Trong một lần trả lời báo chí, ông Lloyd Nathan, Tổng giám đốc Điều hành Hồ Tràm Strip, từng nói: “Với casino, chúng tôi hy vọng viễn cảnh rất tươi sáng vì đây là lĩnh vực kinh doanh của chúng tôi. Lẽ dĩ nhiên, không ai đầu tư trên cơ sở hy vọng cả, chúng tôi căn cứ vào sự quan sát, nhận định trên thế giới. Chúng tôi tin tưởng rằng cơ hội đầu tư rất lớn ở casino”. Có lẽ ông Lloyd Nathan không đầu tư trên hy vọng, nhưng ông ấy đầu tư trước chính sách.

Theo điều 7 dự thảo nghị định về hoạt động kinh doanh casino đang được lấy ý kiến, một cơ sở được kinh doanh tối đa là 2.000 máy và 180 bàn trò chơi có thưởng.

Kế hoạch của Hồ Tràm Strip dường cũng phù hợp với dự thảo này. Theo đó, đến năm 2020, toàn bộ dự án sẽ hoàn thiện với 9.000 phòng nghỉ tiêu chuẩn 5 sao và khu sòng bạc với 180 bàn chia bài, 2.000 máy trò chơi điện tử. Tuy nhiên, điều quan trọng là cho đến nay dự thảo này vẫn chưa được thông qua.

Có lẽ đây chính là “mục tiêu không thực hiện” được khiến MGM rút lui khỏi dự án. Trở lại thời điểm 2008, không biết ACDL đã đưa ra điều kiện gì, nhưng việc thuyết phục được MGM vào quản lý dự án là một thành công rất lớn của ACDL. Nói thành công là vì MGM là công ty lớn trong ngành công nghiệp kinh doanh trò chơi có thưởng nhưng lại chấp nhận quản lý một dự án khi pháp luật sở tại vẫn chưa cho phép công dân đánh bạc.

Sự rút lui của tập đoàn Genting khỏi dự án casino tại Hội An hồi tháng 10 năm ngoái, hay tuyên bố của tỉ phú Sheldon Andelson, chủ tịch tập đoàn Sands, rằng nếu muốn Sands rót vốn, Việt Nam phải cho phép 90 triệu người Việt Nam được đánh bạc hợp pháp, cho thấy tầm quan trọng của người chơi bản địa đối với các công ty kinh doanh casino, cũng như sự nhượng bộ của MGM khi quản lý dự án ở Hồ Tràm.

Quay lại với việc rút lui của MGM. Nếu điều này là thật thì canh bạc của ACDL với MGM có thể nói là đã thất bại.

Có một số nguyên nhân để người viết phải đưa ra giả định “việc rút lui là thật”. Một số nguồn tin cho rằng có khả năng thông báo rút lui này là một chiêu để gây sức ép lên Chính phủ Việt Nam nhằm có được giấy phép khai trương casino nhanh hơn. “Thông qua là điều chắc chắn, vì chúng ta đã cấp phép đầu tư, nhưng cấp phép cho bao nhiêu bàn thì đang được thương thảo”, một nguồn tin tại Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết.

Ông Lloyd Nathan cũng từng phát biểu trên báo chí, trong khu resort như MGM Grand Hồ Tràm, nguồn doanh thu chính vẫn là từ casino. Như vậy, một khi MGM chỉ đuợc cho phép kinh doanh 20 bàn hay 50 bàn, mà không phải là 90 bàn cho giai đoạn 1 và 180 bàn cho cho cả hai giai đoạn, thì sự ra đi của MGM là điều dễ hiểu.

Hậu MGM

Sự ra đi của MGM cũng đồng nghĩa MGM bỏ lại công sức hơn 4 năm tuyển dụng và đào tạo hơn 2.000 nhân viên cho ACDL. Sự tổn hại mà MGM phải chịu trong việc hợp tác này không hề nhỏ. Tuy nhiên, trong bất kỳ thương vụ nào, việc cắt lỗ đúng thời điểm, tập trung đầu tư vào những cái có khả năng sinh lời luôn là chiến lược khôn ngoan.

Dõi theo hoạt động đầu tư của MGM Grand có thể thấy tập đoàn kinh doanh khách sạn, casino này đang đầu tư rất mạnh ra nước ngoài. Tháng 10 năm ngoái MGM tuyên bố đầu tư xây dựng thêm một siêu casino ở Macau, bên cạnh một siêu casino khác đã hoạt động trước đó.

Canh bạc ở Hồ Tràm 3ACDL đang cân nhắc một thương hiệu mới và phù hợp để điều hành khu nghỉ dưỡng đầu tiên. Thông tin trên website của ACDL

Chưa rõ MGM sẽ phải đền bù như thế nào nếu hủy hợp đồng hợp tác, nhưng với ACDL, tổn hại là hoàn toàn thấy rõ. Hơn 2.000 nhân viên do MGM đào tạo sẽ thuộc quyền quản lý của ACDL, nhưng họ sẽ như thế nào sau khi MGM rút lui?

Theo một nhân viên đang làm việc tại đây, vào ngày 7/3 sau khi MGM thông báo rút lui, Tổng giám đốc MGM Hồ Tràm Grand đã có một bài phát biểu dài trước toàn thể nhân viên để động viên tinh thần. Theo nhân viên này, vị Tổng giám đốc đã phát biểu trong nước mắt. Ông nói rằng sẽ không có một nhân viên nào bị cho nghỉ việc, nhưng để tiết kiệm chi phí, một số nhân viên sẽ được cho nghỉ việc tạm thời và không có lương.

Một vấn đề khác là ai sẽ đứng ra quản lý dự án này sau khi MGM rút lui. Trên website của ACDL thông báo: “ACDL đang cân nhắc một thương hiệu mới và phù hợp để điều hành khu nghỉ dưỡng đầu tiên”. Giả sử Hồ Tràm Strip được cấp phép kinh doanh casino với cả 90 bàn, họ phải cần một thương hiệu cỡ tầm quốc tế mới có thể lôi kéo đủ khách đến chơi. Sở hữu và điều hành 19 khách sạn nghỉ dưỡng trên toàn thế giới, MGM Resorts International hoàn toàn có thể đảm bảo cho ACDL nguồn khách hàng dồi dào, nhưng thương hiệu khác thì chưa chắc.

Theo một số nhà phân tích tài chính, ACDL phải chú ý đến độ trễ của nguồn cầu Việt Nam dưới góc nhìn chi phí. Vì Hồ Tràm Strip huy động vốn từ nhiều nguồn với nhiều mức lãi suất khác nhau nên ACDL phải tính mức lãi suất huy động bình quân. Điều đó có nghĩa ACDL phải đảm bảo thu hút được một lượng khách nhất định để bù đắp chi phí sử dụng vốn vay.

Tìm lời giải cho Hồ Tràm Strip là một nhiệm vụ không dễ chút nào đối với ACDL.

(Nguồn: Nhịp cầu Đầu tư)