09:56 16/07/2012

Cánh chim không mỏi giữa trời Bắc Âu

Mai Lan

Đến giờ, sau 20 năm, Helena Văn vẫn thường được nhiều người nhắc tới như một hình ảnh về quyết tâm lập nghiệp nơi xứ người

Bà Helena Văn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Bắc Âu.
Bà Helena Văn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Bắc Âu.
Đến giờ, sau 20 năm, Helena Văn vẫn thường được nhiều người nhắc tới như một hình ảnh về quyết tâm lập nghiệp nơi xứ người. Đó là hình ảnh một cô giáo người Việt hằng ngày đi khoảng 50-60 km, dạy học ở 2-3 trường trong tuyết lạnh; buổi tối đi học tiếng Thụy Điển, vi tính, kế toán, luật; cuối tuần đi học lấy chứng chỉ phiên dịch.

Nỗ lực từ những ngày đầu ở xứ lạnh

Trong ký ức của nhiều bạn học phổ thông và cả đại học ngày trước tại Hà Nội, Văn Thị Nguyệt Hà (tên Việt Nam của Helena Văn) là một cô gái ham học và luôn là học sinh, sinh viên giỏi của lớp. Thiếu vắng sự chăm sóc của cha (liệt sĩ Văn Gói, nguyên Ủy viên Thường vụ tỉnh Phú Yên những năm 1950) nhưng với tình yêu thương của mẹ, cả 8 anh chị em đều không ngừng học hỏi để vươn lên và hiện đều trở thành những người thành đạt.

Nhớ lại một thời đã xa, chị không khỏi bồi hồi: “Cuộc sống thời bao cấp mọi cái mua bằng phiếu, từ gạo thịt, đậu cho đến than củi. Lương kỹ sư không đủ sống, tôi làm nước đá bán thêm và thỉnh thoảng vẫn được má giúi cho ít tiền tiêu vặt. Nhờ có năng khiếu học ngoại ngữ nên tôi tranh thủ vừa học vừa làm và lấy văn bằng 2 tiếng Anh". Thời gian này, chị gặp gỡ và kết hôn với một người Thụy Điển.

Về quê chồng, với tấm bằng cử nhân tiếng Anh, chị xin làm giáo viên nhưng bị từ chối vì không biết tiếng Thụy Điển. Không nản lòng, chị lại đi học tiếng Thụy Điển. Sau khi nói được ngôn ngữ bản xứ, chị bắt đầu sự nghiệp của một cô giáo. Chị tâm sự: “Người nước ngoài rất khó xin việc ở đây. Mỗi vị trí có 300-400 đơn xin nên khó được mời phỏng vấn. Làm quét dọn cũng phải biết sử dụng vi tính để nhận việc, báo cáo và chấm công".

Chị cho biết, người Việt ở đây rất ít và ở cách xa nhau nên nhiều người mới sang buồn chỉ muốn trở về vì nhớ nhà và thời tiết quá lạnh. Ở quê chồng, mọi thứ đều mới mẻ, khiến cho Helena không khỏi bỡ ngỡ. Đối với chị cuộc đời là một trường học và kiến thức là vô tận, học không bao giờ hết.

Nhờ vừa học vừa làm và nâng cao tay nghề, Helena được chọn là 1 trong 20 kỹ sư tham gia khóa đào tạo Chuyên gia Thị trường và Kinh tế Quốc tế tại Stockholm. Sau khóa học này, Helena trở thành kỹ sư người Việt đầu tiên được tuyển dụng vào Tập đoàn công nghệ và viễn thông Ericsson.

Cuối năm 1995, Helena mở công ty riêng. Công ty chị đã đưa nhiều đoàn Việt Nam sang tham quan Thụy Điển, dự hội chợ quốc tế, và đi thăm các nước Bắc Âu, Pháp... Chị đã hợp tác với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đưa doanh nghiệp trong nước tham dự các hội thảo du lịch. Việc này đã mở đường cho dự án Làng Quốc tế Bắc Âu ven biển Tuy Hòa.

Trở về cùng dự án

Năm 2005, trở về Việt Nam với tư cách là một nhà đầu tư Thụy Điển, Helena thành lập Công ty Bắc Âu. Chị bắt đầu khởi động dự án Khu Nghỉ dưỡng Scandia Villa & Resort (Làng Quốc tế Bắc Âu) trên diện tích 388.400 m2, tổng vốn đầu tư 30 triệu USD. Dự án gồm khách sạn 5 sao, spa resort 4 sao, 200 biệt thự sinh thái, 120 căn hộ cao cấp với hệ thống dịch vụ tiện nghi khép kín. Chị chọn Phú Yên vì tỉnh này dù còn nhiều khó khăn nhưng lại có lợi thế với bờ biển dài còn nguyên nét hoang sơ. Sự mở đường của Scandia Villa & Resort đã góp phần đưa ngành du lịch Phú Yên khởi sắc, vươn lên sánh ngang với những tỉnh bạn với hàng loạt các dự án khách sạn, resort sau này.

Làng Quốc tế Bắc Âu là dự án bất động sản thuộc dạng Timeshare House (chia sẻ thời gian sử dụng, người mua là chủ sở hữu có thể sử dụng hoặc cho khách du lịch thuê).

Rời xa gia đình đến Tuy Hòa, làm việc 7 ngày mỗi tuần nhưng Helena rất vui vì được trở về. Về lý do đầu tư, chị cho biết: “Sở dĩ tôi đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng mang phong cách Bắc Âu vì mục đích chính là bán cho những người đến từ các nước Bắc Âu sống và làm việc tại Việt Nam hoặc cho khách Bắc Âu thuê ở hoặc lưu trú khi đi du lịch". Người dân Bắc Âu ai cũng mong được làm ở nước họ 6 tháng ấm, còn 6 tháng lạnh tranh thủ đi nghỉ dưỡng. Do vậy, nhu cầu Timeshare House từ thị trường Bắc Âu là rất lớn.

Chị cũng cho biết thêm, vì dự án hưởng được nhiều ưu đãi về giá thuê đất nên giá bán thấp hơn giá thị trường: 399 triệu đồng/nền, 1 tỉ đồng/biệt thự xây thô và vườn trên bãi tắm. Đối với đối tác có nhu cầu lớn giá đất chỉ còn khoảng 420.000 đồng/m2. Timeshare House được tính giá 200 triệu đồng/căn/48 năm. Hiện nay, dự án đang được thực hiện với tiến độ vượt kế hoạch.

Sự suy giảm của thị trường trong nước thời quan qua ít nhiều cũng có ảnh hưởng tới các dự án bất động sản du lịch. Tuy nhiên, theo nhận định của Helena, dù đối mặt với khó khăn nhưng trong thời gian tới những dự án dạng này vẫn thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài. Nhà ở là nhu cầu cấp thiết nên dù có lúc giá giảm mạnh nhưng nhìn về tương lai 5-10 năm sau, bất động sản sẽ lên giá. Theo chị, đầu tư bất động sản du lịch vừa có được giá trị tăng trưởng của thị trường (khi lên giá và trong tương lai), vừa có thu nhập cao.

Chị cho biết, sau này, khi dự án hoàn thành, mỗi năm chị chỉ về Việt Nam 4-5 lần để đôn đốc nhân viên. Thời gian còn lại chị dành chăm sóc gia đình và điều hành công ty tại Thụy Điển. Ở Thụy Điển ít có người Việt thành lập công ty riêng và được biết đến như Helena.

Nói về Helena, họa sĩ Việt kiều Dương Văn Thành chia sẻ: “Helena là một phụ nữ bé nhỏ nhưng lại làm được những việc phi thường, có thể ví như một cánh chim bay không biết mỏi”.

(Nguồn: Nhịp cầu Đầu tư)