15:40 07/03/2007

“Cảnh sát môi trường có quyền đình chỉ hoạt động của doanh nghiệp”

Đức Phan thực hiện

Nội dung cuộc trao đổi với Đại tá Nguyễn Sĩ, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường mới thành lập

Một con kênh rác tại Tp.HCM - Ảnh: TT.
Một con kênh rác tại Tp.HCM - Ảnh: TT.
Ngày 6/3 tại Hà Nội, Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) đã tổ chức lễ ra mắt Cục Cảnh sát môi trường. Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Đại tá Nguyễn Sĩ, Phó cục trưởng.

Xin ông cho biết mục đích, chức năng và nhiệm vụ của việc thành lập Cục Cảnh sát môi trường?

Trước thực trạng ô nhiễm môi trường ở Việt Nam ngày càng phức tạp và nghiêm trọng; đồng thời trên cơ sở đề nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường, ngày 29/11/2006, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký Quyết định thành lập Cục Cảnh sát môi trường (trực thuộc Tổng cục Cảnh sát).

Là đơn vị quản lý hành chính trật tự xã hội, Cục Cảnh sát môi trường có nhiệm vụ điều tra, phòng ngừa, phát hiện ban đầu các vi phạm về môi trường.

Theo Quyết định của Bộ Công an, Cục sẽ thực hiện 13 nhiệm vụ cơ bản trong đó có: tham mưu cho Tổng cục về lĩnh vực này, hướng dẫn chỉ đạo lực lượng cảnh sát môi trường địa phương thực hiện chức năng; hướng dẫn tuyên truyền, kiểm tra, xử lý hành chính công tác vi phạm pháp luật về môi trường; tiến hành hoạt động điều tra đối với các hành vi vi phạm pháp luật môi trường; kiểm định tiêu chuẩn môi trường...

Cục Cảnh sát môi trường có 3 phòng nghiệp vụ và 1 trung tâm kiểm định với lực lượng ban đầu trên 100 cán bộ. Tại các địa phương sẽ có phòng cảnh sát môi trường với quân số khoảng 10 cán bộ trực thuộc giám đốc công an tỉnh; đồng thời ở các cấp quận, huyện sẽ có các đội cảnh sát môi trường.

Ngay trong những ngày đầu ra quân, lực lượng Cảnh sát môi trường sẽ tập trung triển khai thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm gì, thưa ông?

Trước mắt, sẽ có khoảng trên 30 địa phương thành lập phòng cảnh sát môi trường, trong đó tập trung vào các thành phố trực thuộc Trung ương, những khu vực nổi cộm về ô nhiễm môi trường và vi phạm về khai thác tài nguyên thiên nhiên; các tỉnh miền biển như Quảng Ninh; các tỉnh đang có hiện tượng phá rừng nhiều; các tỉnh có nhiều khu công nghiệp tập trung như Đồng Nai, Thái Nguyên...

Ngay trong thời gian đầu ra quân, Cục sẽ nghiêm túc thực hiện đúng chức năng được giao, tập trung trang thiết bị kỹ thuật, xây dựng lực lượng cảnh sát bảo vệ môi trường; đồng thời rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhà nước kiến nghị sửa đổi, bổ sung để phù hợp với chức năng nhiệm vụ của cảnh sát hoạt động trong lĩnh vực môi trường.

Hiện nay, do cảnh sát môi trường là lực lượng mới nên các văn bản quy phạm pháp luật chưa đề cập đến. Đặc biệt, trong Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính không có quy định lực lượng cảnh sát môi trường được quyền xử phạt vi phạm hành chính.

Đây là một trong những khó khăn trước mắt trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ của Cục.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có lực lượng thanh tra môi trường. Theo ông, liệu sự ra đời của Cục Cảnh sát môi trường có tạo sự chồng chéo trong công tác bảo vệ môi trường không?

Ngay sau khi ra mắt và đi vào hoạt động, Cục sẽ cùng với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng các quy chế phối hợp giữa lực lượng cảnh sát môi trường và cơ quan bảo vệ môi trường để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước và đấu tranh phòng chống tội phạm về môi trường.

Sự phối hợp cùng thực hiện trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan để tránh sự chồng chéo. Cần xác định mức độ nào thì sẽ chuyển sang cơ quan cảnh sát môi trường thực hiện. Những trường hợp Thanh tra môi trường phát hiện thấy có dấu hiệu vi phạm về hình sự (được căn cứ vào 10 điều của Chương XII (Bộ Luật hình sự) mà cần phải truy tố trước pháp luật, Cục Cảnh sát môi trường sẽ lập hồ sơ và đề nghị khởi tố vụ án.

Ngoài việc phối hợp với Thanh tra, lực lượng cảnh sát môi trường sẽ chủ động triển khai lực lượng trinh sát đi đến các điểm nóng về môi trường. Việc đầu tiên lãnh đạo Cục chỉ đạo là triển khai ngay công tác điều tra cơ bản các điểm nóng mà trước hết là những cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Trên cơ sở đó phối hợp với ngành tài nguyên và môi trường để bằng các biện pháp xử phạt hành chính thông thường kết hợp với các biện pháp nghiệp vụ công an để tập trung đi sâu vào xử lý những điểm nóng. Nếu có đủ lực lượng thì Cảnh sát môi trường sẽ tham gia vào các vụ như tràn dầu ở miền Trung vừa qua.

Sẽ hoàn toàn không có sự chồng chéo như một số người lo ngại. Lực lượng cảnh sát môi trường sẽ có chức năng nhiệm vụ hoàn toàn khác với lực lượng thanh tra tài nguyên môi trường.

Sự khác nhau cụ thể là, xử phạt hành chính là nhiệm vụ của thanh tra tài nguyên môi trường, lực lượng cảnh sát môi trường có thể đi theo thanh tra nhưng công việc chủ yếu là phát hiện bằng biện pháp trinh sát, xác minh bằng kỹ thuật, nếu phát hiện đơn vị có dấu hiệu vi phạm đến mức phải xử lý hình sự thì sẽ lập hồ sơ, khởi tố.

Tuy nhiên, lực lượng thanh tra là nguồn cung cấp tài liệu cho lực lượng cảnh sát chúng tôi.

Là cảnh sát nhưng lại thực hiện các nhiệm vụ điều tra vi phạm về môi trường, vậy sẽ có những thuận lợi và khó khăn gì, thưa ông?

Lực lượng cảnh sát môi trường ngoài nghiệp vụ chuyên môn đặc thù cơ bản của mình cần phải có những kiến thức cần thiết về môi trường thông qua đào tạo, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm.

Đòi hỏi đầu tiên là lực lượng cảnh sát môi trường phải nắm được Luật Bảo vệ môi trường và có những kiến thức tối thiểu về lĩnh vực này. Ban đầu, lực lượng cảnh sát môi trường có thể sẽ gặp phải những phản đối của các đối tượng vi phạm nếu trong trường hợp phải đình chỉ hoạt động sản xuất.

Cảnh sát môi trường có quyền ra lệnh đình chỉ hoạt động của doanh nghiệp đó nếu thấy có vi phạm môi trường. Nếu doanh nghiệp vẫn không chịu khắc phục sẽ khởi tố vụ án, đề nghị đưa ra truy tố trước pháp luật. Chúng tôi không dùng màu áo cảnh sát để đi răn đe các đơn vị, nhưng hoạt động của lực lượng cảnh sát môi trường phải thực sự nghiêm minh.