10:59 25/05/2010

CFO giỏi là phải biết nói?

Có thể nói không sai, CFO hiện đang là “trái tim” của doanh nghiệp, đặc biệt trong tình hình còn nhiều khó khăn và rủi ro hiện nay

Minh hoạ: Khều.
Minh hoạ: Khều.
“Tình hình kinh tế hiện nay có ảnh hưởng như thế nào đến nghề tài chính, và đặc biệt là ảnh hưởng của nó lên những người đứng đầu bộ phận tài chính trong các doanh nghiệp như thế nào?”.

Đó là câu hỏi mà Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh (ACCA) đã đặt ra trong cuộc khảo sát trực tuyến dành cho các nhà quản trị tài chính với sự tham gia của 458 giám đốc tài chính (CFO) trên 60 nước, trong đó có Việt Nam, vào năm ngoái.

Không còn là người giữ sổ sách trong các doanh nghiệp của nền kinh tế trước đây, giờ đây họ đã và đang nắm giữ những vai trò mang tính định hướng chiến lược cho sự phát triển của doanh nghiệp trong giai đoạn phát triển kinh tế, đặc biệt là trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế.

Thập kỷ vừa qua là giai đoạn chúng ta đã thực sự thiếu thận trọng, khi mọi người chủ quan cho rằng sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế có thể được duy trì mãi như thế. Hiện tại cho thấy, chúng ta đang ở một thế giới khác, một thế giới tốt hơn nhiều cho các CFO.

Thời kỳ suy thoái toàn cầu đã làm nổi bật vai trò của CFO hiện đại. Các doanh nghiệp đặt lòng tin và sự tín nhiệm vào lời khuyên và ý kiến của các CFO cao hơn hẳn so với thời gian trước đây. Các nhà quản trị tài chính và đội ngũ chuyên gia của họ được đánh giá như một nguồn lực quý giá để giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn trì trệ và bất ổn này.

Đa số ý kiến phản hồi cho thấy CFO được trông đợi sẽ can thiệp sâu hơn vào việc kiểm soát chi phí, và theo dõi dòng tiền. Họ cũng tham gia nhiều hơn và chặt chẽ hơn vào việc xác định và quản lý rủi ro, chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Đây thực sự là một sự biến chuyển tích cực và xem ra xu hướng này sẽ được phát triển mạnh.

Các doanh nghiệp hiện nay đang tìm kiếm những CFO thực sự giỏi để góp phần vào việc phát triển kinh doanh, sử dụng khả năng phân tích để dự đoán và xử lý các rủi ro và định hướng cho chiến lược phát triển lâu dài của chính các doanh nghiệp này. Đây là một nhiệm vụ khá nặng nề, nhưng kết quả phản hồi cũng cho thấy các CFO có thừa khả năng đáp ứng được. Thực tế cho thấy nguồn nhân lực giỏi ở vị trí này luôn trong tình trạng khan hiếm, cung không đủ cầu.

Các nhà quản lý đang thực sự phải chịu đựng một áp lực rất lớn trong việc chấp nhận và đương đầu với rủi ro - đặc biệt là những rủi ro tiềm ẩn. Do đó, hơn bao giờ hết, CFO được trông chờ sẽ đóng vai trò chủ chốt trong việc thấu hiểu và giúp đỡ công ty phát triển các mô hình kinh doanh, dự báo kết quả và xu hướng kinh tế trong những năm tới.

Nghiên cứu cũng cho thấy, CFO đang được doanh nghiệp tạo điều kiện để có cơ hội góp phần vào việc hoạch định chiến lược. CFO và đội ngũ của họ hiện đã được tham gia vào việc định hướng những chiến lược kinh doanh, trong khi so với thời điểm năm 2008 thì việc này là rất hiếm hoi.

Gần ba phần tư trong số các CFO tham gia khảo sát đồng ý rằng hiện nay bộ phận tài chính đang làm việc chặt chẽ hơn với các đồng nghiệp trong bộ phận kinh doanh, tiếp thị, so với thời điểm 12 tháng trước đây. Trong đó, hai phần ba các CFO được hỏi cho biết họ hiện tham gia sâu sát với ban giám đốc vào việc hoạch định chiến lược trung và dài hạn cho doanh nghiệp và việc này mới thực sự chiếm phần lớn thời gian của họ.

Tuy vậy, các chuyên gia tài chính hiện đang đương đầu với một thử thách lớn là khả năng giao tiếp và thông tin. Có ý kiến cho rằng đây chính là “sở đoản” của họ. Người ta luôn cho rằng có sự phân định rạch ròi: chuyên gia tài chính thì chỉ làm việc với các con số, còn việc thông tin các tin tức và hình ảnh của công ty là nhiệm vụ của bộ phận truyền thông, nhưng nguyên tắc này xem ra không còn phù hợp nữa.

Ở đây không chỉ đề cập đến vấn đề giao tiếp nội bộ, mà còn là việc các chuyên gia tài chính thông tin thế nào đến các đối tác bên ngoài, các cổ đông, ngân hàng, các chuyên gia phân tích, các nhà cung cấp, khách hàng, phóng viên báo đài... Vì đây chính là thời điểm cần thông tin minh bạch rõ ràng chứ không phải là che chắn và giấu giếm. Giao tiếp hiệu quả với các đối tác còn giúp CFO đánh giá chính xác sức khỏe tài chính của đối tác trước khi ra quyết định liên quan đến kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp.

Cũng có ý kiến phản bác cho rằng đây không phải là lĩnh vực của các CFO, nhưng suy cho cùng, cũng chẳng có lý do gì để cho rằng chuyên gia tài chính và kế toán lại không thể giao tiếp tốt. Và rõ ràng đây sẽ là một nhiệm vụ khá nặng nề cho các chuyên gia tài chính, nhất là khi phải truyền đạt thông tin theo cách nào cho rõ ràng và dễ hiểu. Đó có thể là cách dùng biểu đồ để minh họa cho một bài trình bày, đưa thêm những hình ảnh làm cho bài nói chuyện sinh động hơn so với việc đưa ra một chuỗi số liệu như trước đây.

Những người tham gia vào cuộc khảo sát thống nhất với ý kiến cho rằng giao tiếp chính là chìa khóa cho một kế hoạch kinh doanh thành công, và đã có nhiều bằng chứng cho thấy hậu quả tai hại của việc thông tin nghèo nàn. Cuộc khảo sát cũng cho một kết quả đáng khích lệ, là dù trong tình hình khó khăn và đa số doanh nghiệp đều thắt chặt chi tiêu thì 95% doanh nghiệp vẫn không có ý định giảm bớt ngân sách dành cho việc truyền thông và đối ngoại, trong khi đó 92% cũng có thái độ tương tự với việc giao tiếp nội bộ.

Đa số CFO đều có cùng ý kiến về sự cần thiết của việc tăng cường các khóa huấn luyện và đào tạo cho chính bản thân họ và nhân viên kế toán về kỹ năng giao tiếp và quản lý rủi ro. Điểm nhất trí của đa số ý kiến là kiến thức chuyên môn rất quan trọng, nhưng giao tiếp hiệu quả mới là sự sống còn. Một số “sếp” thậm chí còn chủ động đề nghị nhân viên của mình tham gia các khóa học nâng cao kỹ năng giao tiếp, và đặt yêu cầu cho đội ngũ nhân viên là không chỉ giỏi trong lĩnh vực chuyên môn của mình mà còn phải có khả năng giao tiếp để truyền đạt vấn đề một cách nhanh chóng, rõ ràng và có sức thuyết phục.

Trong thời điểm hiện tại, CFO phải duy trì và cân đối những vai trò khác nhau. Ngoài việc phải tiếp tục quản lý vào chi tiết, kiểm soát chi phí, họ còn phải phân tích và nhận định cơ hội đầu tư, đảm bảo duy trì được tình trạng tài chính lành mạnh cho doanh nghiệp và đặc biệt là không thể thiếu kỹ năng giao tiếp.

Có thể nói không sai, CFO hiện đang là “trái tim” của doanh nghiệp, đặc biệt trong tình hình còn nhiều khó khăn và rủi ro hiện nay.

Lê Thị Hồng Len (TBKTSG)