22:16 16/03/2010

Cha con Wadhawan - tỷ phú khu ổ chuột

Hai cha con Wadhawans kiếm lời bằng cách nỗ lực cải tạo những khu dân cư tồi tàn nhất Mumbai, thủ đô tài chính của Ấn Độ

Hai cha con Rakesh Wadhawan (bên phải) và Sarang.
Hai cha con Rakesh Wadhawan (bên phải) và Sarang.
Chị Manhaga Bhagat đang hứng khởi miêu tả căn hộ chung cư tuyệt vời gia đình sắp dọn đến.

Căn hộ có nhà bếp với cửa sổ thoáng khí, toilet có thể dội nước, vòi tắm hoa sen, phòng ngủ, phòng khách. Nhà xây bằng gạch, sàn xi măng. Chị Bhagat hạnh phúc vô vàn với những tiện nghi ấy vì gia đình hai vợ chồng hai đứa con nhà chị hiện đang sống trong cái lán nhỏ xíu tận cùng khu ổ chuột Gaodevi, nơi bị giải tỏa để chính phủ mở rộng sân bay tại Mumbai.

Tám người chen chúc trong cái lán nhỏ. Ngay kế bên là bãi rác kiêm nhà vệ sinh công cộng lộ thiên của chó hoang và dân vô gia cư. Chị Mangaha là thư ký. Chồng chị làm việc trong quán cà phê Internet. Tổng thu nhập hàng tháng của họ là 185 USD, không đủ để thuê nhà ở bất kỳ đâu khác.

Vậy nên, gia đình chị cứ sống cam chịu như thế ngày qua ngày, ấp ủ hy vọng nhỏ nhoi là sẽ may mắn được chọn vào sống trong khu nhà chung cư gần đó, có tên Premiere. Khu nhà miễn phí hoàn toàn. Người định cư ở đó có quyền bán sau khi sống 10 năm.

Tòa nhà Premiere do công ty bất động sản Housing Development & Infrastructure của hai cha con Rakesh Wadhawan (57 tuổi) và Sarang (33 tuổi) chịu trách nhiệm xây dựng. Tòa nhà miễn phí cho người nghèo, nhưng hoàn toàn không phải là một công trình từ thiện.

Công ty Housing Development của cha con Wadhawan ký kết với chính quyền Maharashtra: đổi lại việc cung cấp 85.000 căn hộ miễn phí có tổng diện tích lên đến 2,6 triệu m2, gia đình Wadhawans sẽ được nhận 26,3 hecta đất và quyền sử dụng 6,96 m2 xây cất cao ốc văn phòng, căn hộ cao cấp hoặc trung tâm thương mại.

Với 12 triệu người chen chúc trong 180 dặm vuông, Mumbai thực sự là thử thách cho những nhà xây dựng. Diện tích quá hẹp đẩy giá đất lên siêu cao. Dao động từ 8 triệu USD đến 60 triệu USD một hecta đất.

Hai cha con Wadhawan bỏ ít tiền xây nhà chung cư cho người dân khu ổ chuột, đồng thời, chi nhiều của để thực hiện các công trình nhà ở cao cấp hoặc trung tâm thương mại lên diện tích đất rộng lớn nhận được từ chính quyền. Dẫu trực tiếp kinh doanh hoặc bán cho các nhà đầu tư bất động sản khác, thì lợi nhuận thu được từ những công trình cao cấp đã hoàn tất là khổng lồ. Con số doanh thu 330 triệu USD năm 2009 là minh chứng rõ ràng nhất cho danh xưng: gia đình Wadhawan - tỷ phú khu ổ chuột.

Wadhawan con, thường gọi là Sunny, kể rằng 70% thời gian anh dùng để thuyết phục và xin được ký kết thỏa thuận với những quan chức chính phủ. Mấu chốt ngành kinh doanh bất động sản theo kiểu thỏa hiệp với chính quyền để thu lợi tại Ấn Độ là mối quan hệ chặt chẽ với chính quyền, lãnh đạo, cảnh sát.

Khoảng thời gian không dùng để đi “giao thiệp” với các quan chức, anh Sunny đến “viếng” thăm người nghèo khu ổ chuột. Theo yêu cầu của chính quyền, ít nhất 70% người dân phải tán thành chuyện tái định cư. Chính quyền không bồi thường, không bỏ vốn xây cất, thì cũng không chịu trách nhiệm vận động giải tỏa khu ổ chuột. Housing Development được khoán toàn bộ, và sẽ tự tính toán, cân nhắc, làm lời.

Có trường hợp, chính quyền muốn mở rộng sân bay nhưng không thể di dời người dân khu ổ chuột. Thế là Sunny nhảy vào, mời những kẻ lang thang khố rách áo ôm vào phòng họp sang trọng của công ty, trình chiếu hình ảnh và phô bày mô hình những căn hộ tuyệt vời mà họ sẽ được cấp miễn phí nếu chịu dời đi. Anh chia sẻ kinh nghiệm thành công: “Phải quan tấm đến nhiều vấn đề, để ý đến từng chi tiết. Nếu nhà tái định cư ở xa khu ổ chuột cũ, nghĩa là xa chỗ đang làm, xa trường đang học, người dân sẽ ái ngại chi phí đi lại và sinh hoạt. Ngoài ra, công ty cũng không dời các hộ gia đình trong 3 tháng đầu năm. Vì đó là thời gian thi cử ở các trường. Chuyển nhà lùm xùm sẽ ảnh hưởng đến các em học sinh…”

Ở những khu ổ chuột cần giải tỏa luôn có vài kẻ cứng đầu, tham lam, đòi hỏi vô lý. Để khắc phục tình trạng đó, Sunny giao việc cho khoảng 25 “trợ thủ” tại mỗi khu. Nhiệm vụ dai dẳng của những gã đó trong 2 năm ròng là tìm hiểu người nào có tiếng nói giá trị nhất trong khu và kẻ nào chuyên gây rắc rối. Đồng thời, không ngừng thuyết phục người dân chấp nhận số tiền bồi thường từ 2.200 USD đến 8.700 USD rồi dời nhà đến căn hộ chung cư mới do Housing Development xây.

Những người dân khu ổ chuột Ấn Độ vừa được nhà, vừa được tiền, sướng như tiên? Thực tế không phải vậy. Vài ngàn USD đền bù chẳng thấm vào đâu so với giá nhà đất ở Mumbai. Tốn khoảng 350 USD để thuê căn hộ khoảng 24 m2/tháng. 35.000 USD nếu muốn mua.

Bên cạnh đó, chỉ những hộ gia đình phải nộp giấy chứng nhận công dân có quyền bầu cử trước năm 2001 mới được cấp nhà mới. Giấy chứng nhận này là thẻ bầu cử, có giá trị bảo đảm quốc tịch, bảo đảm quyền sở hữu nhà, hỗ trợ người dân mua hàng giảm giá tại các cửa tiệm nhà nước, xin lắp dây điện thoại…

Đối với những nhà nghèo tận cùng khu ổ chuột, tờ giấy đó là tất cả những gì họ có. Nếu mất giấy tờ thì sẽ mất trắng. Vậy nên, họ không dễ dàng trao Housing Development, cũng chưa tin lời hứa căn nhà như mơ của công ty. Để giải quyết tình trạng đó, Sunny cố thuyết phục người dân bằng cách nhờ chính quyền địa phương dẫn họ đến trực tiếp tham quan nơi ở mới.

Ông Rakesh ngồi trong văn phòng rộng lớn và xa hoa, khác hẳn với thế giới nghèo nàn rách rưới mà gia đình ông đang cùng làm ăn. Ông nói: “Công việc là niềm đam mê của tôi”. Nguồn gốc của ngài chủ tịch kiêm giám đốc điều hành doanh nghiệp đầu tư bất động sản thế lực nhất Ấn Độ này là: tổ tiên làm địa chủ ở Lahore (một phần của Pakistan ngày nay, khi xưa nằm dưới quyền kiểm soát của chính quyền Anh).

Cha của ông là cảnh sát, đã đem gia đình về định cư ở New Delhi sau khi đất nước bị chia cắt. Mẹ của ông là vợ hai. Sau khi đến định cư ở Mumbai, Rakesh đi vào ngành công trình xây dựng từ giữa những năm 1980. Anh trai ông là Rajesh (mất năm 2000) đã thành lập công ty Dewan Housing Finance Corp., tập trung vào lĩnh vực vay thế chấp và bán lẻ.

Hai anh em và các con trai giữ chức lãnh đạo trong cùng một doanh nghiệp khác, của chung gia đình, trước khi tách ra vào mùa hè năm ngoái.

Phù Dung (DNSG/Forbes)