18:21 13/02/2010

Chào xuân Canh Dần: Hội ngộ doanh nhân, nhà kinh tế

VnEconomy

Các doanh nhân và nhà kinh tế nhìn về năm mới trong chương trình bàn tròn đặc biệt chào xuân Canh Dần

Một mùa xuân mới đang về với nhiều kỳ vọng.
Một mùa xuân mới đang về với nhiều kỳ vọng.
“Chúc các bạn một năm mới an khang, thịnh vượng!” là thông điệp đầu tiên mà tòa soạn VnEconomy cùng các doanh nhân và nhà kinh tế gửi đến quý độc giả thân mến, trong chương trình bàn tròn đặc biệt chào xuân Canh Dần.

Trái tim hướng về những dự cảm tốt lành cho năm mới, nhưng lý trí vẫn không quên nhắc nhở những gian nan còn nhiều trong hiện tại, các gương mặt xuất hiện trong chương trình bàn tròn đã cùng chia sẻ những góc nhìn phong phú về viễn cảnh kinh tế đất nước năm nay.

Nhiều tín hiệu tốt lành trong năm Canh Dần

Ông Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Chào xuân Canh Dần: Hội ngộ doanh nhân, nhà kinh tế - Ảnh 1“Nhìn từ góc độ “cung” và vĩ mô của nền kinh tế, căn cứ vào diễn biến, số liệu về các lĩnh vực cụ thể của nền kinh tế trong thời gian qua và xu hướng tăng trưởng của GDP trong năm 2009 cho thấy, đang có một tín hiệu tốt lành cho nền kinh tế trong năm Canh Dần.

Đặc biệt, tăng trưởng của sản xuất công nghiệp - một yếu tố vốn đóng vai trò quan trọng những năm trước khủng hoảng kinh tế đang có xu hướng phục hồi là khá rõ nét. Nếu mọi chuyện diễn ra theo chiều hướng bình thường thì quý 2 năm nay, sản xuất công nghiệp có thể phục hồi lại ngang với mức trước thời kỳ suy soái, với giá trị trung bình khoảng 16% -17%, trong đó khu vực kinh tế tư nhân có thể đạt 22% - 23%.

Do đó, khả năng GDP đạt 6,5% là hoàn toàn có thể. Thậm chí, con số 7% như kỳ vọng của Thủ tướng cũng có thể đạt được.

Bên cạnh đó, với đà phục hồi kinh tế bên ngoài, đặc biệt là Hoa Kỳ - một thị trường lớn của chúng ta, tín hiệu cho thấy sự lạc quan đối với nền kinh tế trong năm Canh Dần.

Tuy nhiên, nếu nhìn từ vi mô thì vẫn còn những vấn đề cần phải dự phòng trước. Chẳng hạn, hiện chúng ta đang thắt chặt tiền tệ nên vấn đề vốn của doanh nghiệp là khá khó khăn. Và một khi khó khăn về vốn thì khả năng duy trì được sản xuất như dự đoán liệu có được không?

Hy vọng tốt đẹp nhất của tôi trong năm Canh Dần là giữ ổn định được kinh tế vĩ mô và củng cố thêm niềm tin của dân chúng và giá trị của đồng tiền Việt Nam. Từ đó họ sẽ đầu tư nhiều hơn, dài hạn hơn và đổi mới hơn để có thể tận dụng thực sự những cơ hội sau khủng hoảng.

Nếu làm được những điều trên, kinh tế vi mô cũng sẽ tiếp đà đó đi lên. Bên cạnh đó, trong năm Canh Dần này, Chính phủ đã cam kết bỏ 30% thủ tục hành chính hiện hành kỳ vọng sẽ được thực hiện một cách trôi chảy, hiệu quả. Hai vấn đề này gộp lại chắc chắn sẽ tạo bước đột phá cho môi trường kinh doanh và tạo ra một nền tảng, một không gian phát triển tốt hơn cho 10 năm tiếp theo.

Từ đó sẽ thúc đẩy sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Và một khi nền tảng đã tốt thì bản thân họ sẽ tự tiếp cận được những cơ hội đó.

Với doanh nghiệp, tôi có lời nhắn nhủ trong năm Canh Dần: trong bối cảnh vẫn còn khó khăn như hiện nay, nhưng cơ hội cũng đã mở le lói ở đâu đó, hãy cố gắng vượt qua nhưng phải nghĩ đến đổi mới, nghĩ đến trung và dài hạn hơn. Chúng ta có thể sẽ vượt qua được những khó khăn trước mắt, song chỉ có đổi mới và nâng cao năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh thì mới tồn tại và phát triển được”.

Tăng tốc nhưng vẫn phải an toàn

Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank)

Chào xuân Canh Dần: Hội ngộ doanh nhân, nhà kinh tế - Ảnh 2“Bước sang năm 2010, về cơ bản kinh tế toàn cầu đã thoát khỏi khủng hoảng nhưng vẫn đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ: nguy cơ lạm phát ở các nước đang phát triển, nguy cơ kinh tế trì trệ ở các nước phát triển, nguy cơ bong bóng tài sản… Tại Việt Nam, lạm phát cũng là một vấn đề cần hết sức quan tâm; sự phục hồi năng lực sản xuất của các doanh nghiệp còn chậm…

Trong bối cảnh ấy, hoạt động của các ngân hàng thương mại nói chung và Vietcombank nói riêng chắc chắn sẽ gặp không ít thách thức. Đó là cơ cấu thu nhập còn chủ yếu dựa trên thu nhập từ lãi (cho vay, tiền gửi), thu nhập từ dịch vụ còn thấp. Đó là mức sinh lời cận biên đang giảm dần. Đó là cơ cấu nguồn vốn, sử dụng vốn còn có sự không ăn khớp. Đó là một số hệ số an toàn đã tiến tới giới hạn…

Với Vietcombank, năm 2010 chúng tôi xác định phương châm hoạt động là “Tăng tốc - An toàn - Chất lượng - Hiệu quả” với các chỉ tiêu chính là: tổng tài sản tăng 15%, huy động vốn từ nền kinh tế tăng 23%, dư nợ tín dụng tăng khoảng 20% - 23%, nợ xấu (phân loại theo định tính) dưới 3,5%...

Thực hiện các chỉ tiêu đó, nhiệm vụ trọng tâm của Vietcombank là đột phá mạnh trong huy động vốn; đẩy mạnh mảng hoạt động ngân hàng bán lẻ; nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Và yêu cầu đặt ra là tăng trưởng kinh doanh phải đi đôi với việc đảm bảo tuân thủ các giới hạn an toàn trong hoạt động ngân hàng”.

Doanh nghiệp đã quen sống với những thay đổi

Ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Chào xuân Canh Dần: Hội ngộ doanh nhân, nhà kinh tế - Ảnh 3
“Cho đến nay, tất cả các dự báo đều cho rằng, năm 2010 kinh tế thế giới, kinh tế khu vực, những thị trường Việt Nam hiện đang có quan hệ kinh tế sâu và rộng, đều có mức tăng trưởng tốt hơn. Đó là một tín hiệu tốt.

Cái thuận lợi thứ hai, Việt Nam cùng với ASEAN cũng đã ký nhiều các hiệp định thương mại tự do với các nước khác, giữa ASEAN với các nước khác, và năm 2010 cũng là năm mà nhiều các cam kết ấy dần đi vào hiện thực. Như vậy, cánh cửa thị trường cũng mở rộng hơn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đi vào các nước.

Năm 2010 cũng là năm kinh tế phục hồi, cho nên các dòng vốn đầu tư của nước ngoài cũng sẽ tăng lên. Địa chỉ của nó là những nơi nào có điều kiện kinh doanh thuận lợi, và Việt Nam vẫn được coi là điểm đến tốt cho đầu tư nước ngoài.

Năm 2010 cũng có thêm thuận lợi do bản thân Việt Nam cũng nỗ lực cải cách, nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô, nỗ lực cắt giảm 30% quy trình hành chính để giảm thiểu chi phí giao dịch cho các nhà đầu tư, các nhà sản xuất kinh doanh.

Đằng sau những thuận lợi ấy là dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2010 vào khoảng 6-7%, cao hơn năm 2009. Tức là có thuận lợi hơn, sản xuất kinh doanh năng động hơn, hồ hởi hơn đối chút thì mới ra được con số tăng trưởng ấy.

Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi, năm 2010 vẫn còn không ít khó khăn, từ nội tại nền kinh tế Việt Nam, thể hiện ở sức cạnh tranh của doanh nghiệp còn yếu. Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam là nhỏ và vừa, nên luôn tồn tại những khó khăn về tiếp cận nguồn lực, công nghệ, kỹ năng quản lý… vẫn đang trong quá trình học hỏi, vươn lên.

Khó khăn nữa là tính bất định của kinh tế thế giới. Trong quá trình bất định ấy, những điều chỉnh chính sách của các nước cũng chưa thật rõ ràng. Và những điều chỉnh vĩ mô của các nước có ảnh hưởng đến Việt Nam, đến luồng hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, đến cách thức Việt Nam phải điều chỉnh chính sách vĩ mô…

Năm 2010 cũng là năm có một số bất ổn vĩ mô có thể gia tăng. Cho nên, những khó khăn ấy có thể dẫn tới việc điều chỉnh chính sách của Việt Nam ít mang tính dự liệu hơn, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Cái cuối cùng là một mặt chúng ta dễ tiếp cận thị trường bên ngoài hơn do các hiệp định mới đã ký, nhưng mặt khác thị trường chúng ta cũng phải mở hơn, mức độ cạnh tranh cũng khốc liệt hơn.

Như vậy, chúng ta đều thấy hai mặt của một vấn đề, vừa có thuận lợi và cũng kèm khó khăn, nhưng với những kinh nghiệm trong thời gian qua, Chính phủ hoàn toàn có thể có khả năng kiểm soát được tình hình và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, vẫn có khả năng thực hiện được những cam kết về cải cách.

Về phần mình, các doanh nghiệp cũng đã học được rất nhiều bài học trong những năm qua, đã quen sống với những cú sốc, sống với những thay đổi. Đây là tiền đề rất tốt để doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục đứng vững và đi lên.

Không phải ngẫu nhiên mà trong hai cuộc điều tra vào trước khi Việt Nam điều chỉnh chính sách (tháng 9/2009) và sau khi Việt Nam điều chỉnh chính sách (tháng 12/2009), doanh nghiệp Việt Nam được coi là lạc quan tại châu Á. Chỉ có tỷ lệ rất ít doanh nghiệp cho rằng tình hình kinh doanh năm nay sẽ khó khăn hơn.

Năm 2008-2009, tình hình rất khó khăn nhưng doanh nghiệp Việt Nam đã vượt qua được thì không có lý gì năm nay doanh nghiệp của chúng ta không vượt qua được”.

Trong 3 năm tới, kinh tế sẽ khả quan

Ông Nguyễn Hùng Mạnh, Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình (ABBank)

Chào xuân Canh Dần: Hội ngộ doanh nhân, nhà kinh tế - Ảnh 4
“Hiện nay tình hình kinh tế trong và ngoài nước đã dần hồi phục và bắt kịp đà tăng trưởng. Trong 3 năm tới, tình hình kinh tế sẽ phát triển rất khả quan. Tôi hy vọng khoảng năm 2012 kinh tế Việt Nam sẽ sớm trở lại thời kỳ mà tốc độ tăng trưởng có thể lên đến 7 - 8%.

Với vai trò là trung gian tài chính, hệ thống ngân hàng ngày càng đóng vai trò huyết mạch đối với sự ổn định của nền kinh tế. Các yếu tố như lãi suất, tỷ giá, lạm phát ảnh hưởng trực tiếp tới tâm lý, đời sống người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Trong thời gian tới, mức độ cạnh tranh thị trường tài chính ngân hàng ngày càng khốc liệt, tuy nhiên chúng tôi đã có sự chủ động chuẩn bị, bằng việc sẽ tiếp tục thực hiện mạnh mẽ các giải pháp tập trung đầu tư vào nhân sự, công nghệ thông tin; hợp tác chặt chẽ với cổ đông chiến lược là EVN và Maybank; tăng cường năng lực quản trị, điều hành và quản lý rủi ro theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và hướng tới các tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả.

ABBank phấn đấu giữ nhịp độ tăng trưởng ở mức 30 -40% trong năm 2010, hướng đến mục tiêu trở thành một trong 10 ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu Việt Nam, hoạt động theo mô hình ngân hàng thương mại tập trung vào bán lẻ”.

2010 nên tập trung ổn định cân đối vĩ mô

Ông Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (CEPR)

Chào xuân Canh Dần: Hội ngộ doanh nhân, nhà kinh tế - Ảnh 5
“Tôi cho rằng năm 2010 là năm nên tập trung vào ổn định các cân đối vĩ mô. Đây cũng là thời điểm chúng ta cũng có nhiều điều kiện thuận lợi để ổn định các cân đối này.

Ví dụ như lạm phát cũng đang ở mức độ thấp thì tránh để bùng phát trở lại. Cơ hội là lạm phát đã thấp được một năm rồi, nếu tiếp tục duy trì được như vậy thì sẽ tốt hơn rất nhiều.

Ngoài ra, các vấn đề về cán cân thương mại thì cũng cần phải cân đối lại. Năm vừa rồi đã tốt hơn trước ít nhiều, đã có khuynh hướng nhất định, ta nên kéo dài khuynh hướng ấy ra, làm cho kinh tế vĩ mô bình ổn hơn. Kể cả cân đối ngân sách cũng vậy.

Năm ngoái, các cân đối đã căng ra hết cỡ rồi, thì năm nay nên cho nó giảm trở lại. Đổi lại, trước mắt có thể phải mất tăng trưởng kinh tế.

Nhưng thực ra tăng trưởng kinh tế không phụ thuộc nhiều vào các nỗ lực của Nhà nước, mà các cân đối vĩ mô khi đạt được thì nỗ lực của nhà nước như vậy sẽ “ép” cho kinh tế tăng trưởng”.

Kinh tế 2010 sẽ phục hồi rõ nét

Ông Bùi Hồng Minh, Tổng giám đốc Công ty Tài chính Xi măng (CFC)

Chào xuân Canh Dần: Hội ngộ doanh nhân, nhà kinh tế - Ảnh 6
“Năm mới này, tôi nhận thấy, về mặt vĩ mô, các chỉ tiêu định hướng của Chính phủ trong năm 2010 thể hiện chính sách tài khóa thắt chặt hơn so với năm 2009, với mục tiêu tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, ngăn chặn lạm phát cao trở lại, đảm bảo an sinh xã hội.

Các chính sách kích thích kinh tế của Chính phủ từ năm 2009 vẫn tiếp tục được triển khai, tuy đã có những điều chỉnh phù hợp với thực tế của năm 2010. Vì vậy, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% trong năm tới không phải là điều quá khó, tuy nhiên nền kinh tế sẽ tiềm ẩn những rủi ro như thâm hụt cán cân thương mại và nguy cơ tái lạm phát cao trở lại.

Trên quan điểm cá nhân, tôi cho rằng nền kinh tế Việt Nam năm 2010 sẽ phục hồi rõ nét, dù còn có nhiều khó khăn, nhưng với kinh nghiệm điều hành kinh tế vĩ mô trong năm 2008 và 2009, thì năm 2010 Việt Nam sẽ vận hành trơn tru hơn guồng máy phát triển kinh tế.

Còn dưới góc độ hoạt động tài chính - ngân hàng, tôi đánh giá năm 2010 vẫn là năm khó khăn của ngành, do vậy cần lưu ý một số vấn đề sau:

Thứ nhất, khó khăn hiện nay là nguồn vốn huy động còn hạn hẹp khi các kênh đầu tư khác hồi phục, đặc biệt là bất động sản và chứng khoán. Hơn nữa, đây là năm cuối cùng để các tổ chức tín dụng tăng vốn điều lệ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Một số trường hợp đã về đích sớm, kịp tăng vốn vào những thời điểm thuận lợi, số còn lại sẽ khó khăn hơn trong năm nay, nếu không có phương án tăng vốn khả thi, đảm bảo sử dụng vốn hiệu quả.

Thứ hai, thị trường tiền tệ ngân hàng vẫn đang trong giai đoạn đầy khó khăn, vấn đề giải quyết thanh khoản của các tổ chức tín dụng chưa thể giải quyết dứt điểm. Khủng hoảng kinh tế đã qua chính là cơ hội để các tổ chức tín dụng nhìn lại mình. Theo tôi, trong giai đoạn hiện nay, vấn đề quản trị, kiểm soát rủi ro hoạt động càng phải được quan tâm hơn, các tổ chức tín dụng phải thật linh hoạt, đồng thời phải dự báo và đưa ra các kịch bản ứng phó nhanh nhạy, kịp thời.

Thứ ba, hệ thống ngân hàng Việt Nam tiếp tục đối mặt với sự hội nhập từ những ngân hàng nước ngoài, nhất là sau giai đoạn vừa thoát ra khỏi khủng hoảng, tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt hơn. Tuy nhiên, sự cạnh tranh này không tạo nên tình trạng bất ổn của hệ thống tài chính trong nước mà sẽ tạo ra một làn sóng cạnh tranh mạnh để phát triển.

Và thứ tư là với chính sách tín dụng tăng trưởng ở mức 25%, vấn đề vốn cho các doanh nghiệp sẽ tạm thời khó khăn, nhất là vốn trung dài hạn. Do vậy các doanh nghiệp tốt, có uy tín cần sớm lên phương án huy động vốn thông qua các công cụ tài chính hữu hiệu, trong đó có kênh phát hành trái phiếu. Tuy việc này sẽ hút một lượng vốn lớn của nền kinh tế không qua kênh huy động và cho vay từ các tổ chức tín dụng, nhưng sẽ giảm áp lực cho các tổ chức tín dụng khi vấn đề nguồn vốn vẫn chưa được cải thiện”.

Tin vào một kết quả kinh doanh khả quan

Bà Nguyễn Ngọc Quế Chi, Tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - SBJ)

Chào xuân Canh Dần: Hội ngộ doanh nhân, nhà kinh tế - Ảnh 7
“Năm 2009 khép lại với nhiều thông tin khả quan về tốc độ tăng trưởng của bức tranh kinh tế toàn cầu. Triển vọng của vàng trong năm 2010 vẫn tốt khi kinh tế thế giới có khả năng chuyển từ tình trạng giảm phát sang giai đoạn lạm phát. Vàng thể hiện cả hai vai trò chống lạm phát và bảo vệ giá trị tài sản trong thời kỳ giảm phát, do đó có thể nói vàng vẫn là kênh đầu tư khả quan trong năm 2010.

Vừa qua Ngân hàng Nhà nước cũng đã cấp quota nhập khẩu vàng trở lại cho một số tổ chức kinh doanh vàng trong nước, điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty trong việc điều hành thanh khỏan vàng của thị trường, đồng thời góp phần bình ổn giá vàng trong nước.

Là công ty họat động trong lĩnh vực kinh doanh vàng bạc đá quý, Sacombank-SBJ rất mong muốn sẽ đưa ra thị trường những sản phẩm và dịch vụ tốt nhất, đồng thời sẽ có những hoạt động góp phần bình ổn thị trường vàng vật chất trong nước. Chúng tôi tin tưởng vào một kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2010 này”.

Đừng phân biệt đối xử giữa chủ đạo và không chủ đạo

Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Chào xuân Canh Dần: Hội ngộ doanh nhân, nhà kinh tế - Ảnh 8
“Mong ước lớn nhất trong năm 2010 chính là cùng với câu chuyện mô hình tăng trưởng thay đổi, cùng với câu chuyện tái cấu trúc, vấn đề cốt lõi là lực lượng kinh tế dân tộc mà trục của nó là lực lượng doanh nghiệp dân tộc phải vươn mình lên, phải cấu kết lại thành một lực lượng mạnh.

Ngày xưa, Bác Hồ nói rằng "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết". Trong điều kiện hiện nay cần cụ thể hóa vấn đề ấy ra, chính là tinh thần dân tộc thấm vào trong lực lượng chủ lực, lực lượng phát triển quan trọng nhất của Việt Nam trong thời đại hiện nay, để cho nền kinh tế vươn lên.

Để làm được điều này thì môi trường vĩ mô phải công bằng hơn, đừng phân biệt đối xử giữa cái xưa nay vẫn gọi là chủ đạo và không chủ đạo. Việc ưu tiên chỉ là cho doanh nghiệp nào làm cho đất nước này phát triển nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Thêm nữa, môi trường ấy phải tạo được sự liên kết, một mặt các doanh nghiệp Việt Nam phải liên kết được với nhau; thứ hai là liên kết ấy phải tạo ra cho các doanh nghiệp khả năng tiếp cận được chuỗi toàn cầu, liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài, với thị trường nước ngoài để mà lớn lên. Bởi vì những anh đi sau, yếu, chỉ có thể lớn nhanh được khi mà liên kết được, mượn được sức mạnh của thế giới.

Chính sách nào cụ thể thì mỗi giai đoạn, mỗi bước đi chúng ta đều phải làm, buộc bây giờ phải kiểm điểm lại, tại sao không liên kết được, tại sao lại có phân biệt đối xử… Chúng ta đặt ra việc thì chúng ta phải làm và chắc chắn làm được…

Nói đến thời điểm thì lúc nào cũng là hợp lý và năm 2010 lại càng hợp lý cho vấn đề này. Bởi vì lịch sử đang đặt ra cho chúng ta cái nhịp phải bước vào hội nhập. Hai năm thử thách, chúng ta thấy còn nhiều vấn đề. Bây giờ kiểm điểm lại không thể để tình trạng phân tán, rời rã như thế.

Thêm nữa là mô hình tăng trưởng phải thay đổi. Phải đặt ra câu hỏi: mô hình ấy lấy lực lượng chủ công là gì trên đất nước này?”.

Người tiêu dùng đã phần nào thoát khỏi tâm lý “thắt lưng buộc bụng”

Ông Lê Hồng Xanh, Giám đốc điều hành marketing, Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco)

Chào xuân Canh Dần: Hội ngộ doanh nhân, nhà kinh tế - Ảnh 9“Sau khủng hoảng, nền kinh tế thế giới và trong nước trong 2010 sẽ có sự phục hồi mạnh mẽ. Nhiều cơ hội lớn sẽ mở ra đối với các doanh nghiệp trong thời gian qua đã cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh và đã thành công trong vượt “bão”.

Hiện nay, người tiêu dùng Việt Nam cũng đã phần nào thoát ra khỏi tâm lý phải “thắt lưng buộc bụng” trong thời kỳ suy thoái. Bằng chứng là sức mua của người dân đối với các sản phẩm của Sabeco đã tăng tới 30% so với cùng kỳ năm trước. Thậm chí, đối với một số sản phẩm mặc dù Sabeco đã hoạt động hết công suất nhưng vẫn chưa thực sự đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng của nhân dân.

Với những tín hiệu lạc quan này, Sabeco hoàn toàn tin tưởng trong năm 2010 mức tăng trưởng của công ty sẽ vào khoảng 15%, tương đương với doanh số là 17.000 tỷ đồng. Nhưng không chỉ đối với riêng Sabeco, đây cũng là tín hiệu tốt với các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh khác của nước ta trong năm 2010”.

Cốt yếu là kiểm soát được lạm phát

Ông Vũ Đình Ánh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính)

Chào xuân Canh Dần: Hội ngộ doanh nhân, nhà kinh tế - Ảnh 10
“Nói về triển vọng năm 2010, kiềm chế lạm phát dưới 1 con số là điều tôi mong muốn nhất.

Qua tháng 1/2010, tôi đã nhìn thấy khả năng lạm phát nằm ở tầm 8% rồi, nếu tháng 2 cứ diễn biến như thế này. Nhưng năm nay điểm chốt của giá sẽ là tháng 3. Theo tôi tính, tháng 2 có thể lên đến 2%, thậm chí 2,5%, nhưng nếu tháng 3 giảm, tức là “đi” âm, thì có thể giữ được khoảng 7-8%. Nhưng nếu tháng 3 mà dương khoảng 0,5% thì cả năm sẽ lên đến 9%, còn tháng 3 mà lên đến 1% thì lạm phát cả năm phải hai con số.

Vấn đề của Việt Nam là cân đối thế nào giữa tăng trưởng và lạm phát? Vấn đề là lạm phát tạo ra môi trường thuận lợi cho tăng trưởng. Nhưng một điểm quan trọng hơn rất nhiều là lạm phát tác động xấu đến người nghèo và những người có thu nhập thấp.

Cho nên, kiểm soát được lạm phát mang tính xã hội rất lớn, tức là đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng có thu nhập thấp và hỗ trợ xóa đói giảm nghèo. Giữ được lạm phát thì sẽ giữ được ổn định tỷ giá, hỗ trợ xuất khẩu và giảm nhập siêu.

Thứ hai, liên quan đến thị trường giá cả, năm 2010 cần xây dựng và hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước về thị trường giá cả, không chỉ đối với các nhóm hàng hiện tại nhà nước còn đang giữ độc quyền, hoặc vận hành theo cơ chế thị trường có định hướng như điện, nước, than… mà còn đối với cả các mặt hàng liên quan thiết thực đến đời sống nhân dân. Cần tránh tình trạng như trong năm 2008-2009 lúng túng, cái thì bảo là thị trường, cái thì bảo là không phải thị trường, và cũng không biết can thiệp thế nào”.

Bất động sản 2010 sẽ tốt hơn

Ông Doãn Văn Phương, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư tài chính Ninh Bắc

Chào xuân Canh Dần: Hội ngộ doanh nhân, nhà kinh tế - Ảnh 11“Tôi nhận định trong năm 2010, thị trường bất động sản sẽ có nhiều diễn biến tốt hơn.

Cuối năm 2009, một đợt “sóng” ngắn trên thị trường nhà đất khiến nhiều nhà đầu tư tin vào dấu hiệu tốt lên trên thị trường. Một số khu vực tăng giá chóng mặt từng ngày. Nhưng điều đó sẽ khó tiếp tục xảy ra trong những tháng đầu năm 2010.

Nhiều chuyên gia cũng nhận định nguồn cung bất động sản trong thời gian qua đã phát triển lệch pha so với nhu cầu thật sự của thị trường. Điều này dẫn đến sự dư thừa bất động sản có giá cao, ảnh hưởng đến nhu cầu thật của thị trường bất động sản. Năm 2010 những dự án căn hộ cao cấp phải có vị trí thật tốt mới mong tạo ra được sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư và hi vọng mức giá cao.

Tôi cũng cho rằng trong năm 2010, thị trường bất động sản sẽ thấy rõ sự chuyển hướng đầu tư sang phân khúc nhà giá thấp và các dự án có giá dưới 1.000 USD/m2. Hiện phân khúc căn hộ trung bình phù hợp với tiềm lực của các doanh nghiệp địa ốc hiện nay.

Tương lai thị trường vẫn được dự báo là khả quan, do nhu cầu nhà ở vẫn đang rất cao và nhu cầu vốn cho bất động sản còn tăng mạnh. Theo mục tiêu đến năm 2020, các trung tâm đô thị lớn phải có diện tích nhà ở bình quân theo đầu người đạt 10 - 13 m2/người. Như vậy chắc chắn cần một nguồn cung và số vốn rất lớn nữa cho mục tiêu trên.

Ở một góc độ khác, khi cơ hội đầu tư bất động sản tại các trung tâm lớn khó khăn hơn, nhiều nhà đầu tư đang chuyển vốn vào các dự án resort nghỉ dưỡng ven biển. Đây được đánh giá là hướng đầu tư của tương lai vì có chỉ số an toàn và sinh lời cao.

Qua giai đoạn khó khăn, thị trường cũng sẽ ghi nhận nhiều chủ đầu tư năng động, hoạt động bài bản, quan tâm đến quyền và lợi ích của khách hàng hơn. Họ sẽ chủ động tiếp cận khách hàng qua các kênh và phương tiện truyền thông chứ không để khách hàng tự tìm đến như trước đây.

Tuy nhiên, về cơ bản, tôi cho rằng dù có nhiều điều kiện thuận lợi hay không thì sự phát triển của thị trường nhà đất 2010 phụ thuộc nhiều vào chính sách tiền tệ. Nếu các ngân hàng rộng cửa cho vay mua bán nhà đất thì sẽ kích thích mạnh mẽ tới nhu cầu, nếu thắt chặt thì thị trường sẽ diễn biến theo chiều ngược lại.

Năm 2010, chúng tôi dự kiến đầu tư vào một số dự án nhà ở tại một số tỉnh như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên..., góp vốn vào xây dựng trường đại học có quy mô lên tới hàng chục ha, mở các trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đầu tư dự án bãi đỗ xe cây xanh. Bên cạnh đó chúng tôi cũng sẽ tập trung đảm bảo tiến độ dự án tòa tháp văn phòng và chung cư cao tầng FLC Landmark Tower tại đường Lê Đức Thọ, Mỹ Đình, Hà Nội”.