15:53 18/01/2010

Chất lượng lao động Việt Nam nhìn từ PCI

Anh Quân

Chỉ số chất lượng đào tạo lao động được “gán” trọng số cao nhất trong công thức tính chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)

Dệt may là một trong những ngành có mức chi trả lương thấp.
Dệt may là một trong những ngành có mức chi trả lương thấp.
“Tới 50% doanh nghiệp trong và ngoài nước cho biết họ đang thiếu lao động, một nghịch lý đối với quốc gia có lực lượng lao động tới 48 triệu người”, ông Lê Duy Bình, đại diện dự án sáng kiến cạnh tranh Việt Nam, cơ quan tham gia lập báo cáo về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đưa quan điểm.

Cùng với nhiều quan điểm khác, vấn đề đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp trở thành chủ đề được bàn luận sôi nổi nhất tại buổi tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm cải thiện môi trường kinh doanh, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức cuối tuần qua.

Cải thiện PCI nhờ… lao động

Không phải ngẫu nhiên chỉ số chất lượng đào tạo lao động được “gán” trọng số cao nhất (20%) trong công thức tính toán PCI năm 2009. Theo ông Lê Duy Bình, điều này là xuất phát từ thực tế.

Theo quan điểm của cơ quan thực hiện báo cáo PCI, sở dĩ năm 2009, chỉ số về lao động có sự điều chỉnh trọng số từ 15% lên 20% là vì lao động giá rẻ, vốn là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam, đang mất dần tính hấp dẫn.

Nếu không chú trọng nâng cao chất lượng lao động, các tỉnh nói riêng và Việt Nam nói chung có nguy cơ đối mặt với những rủi ro như giảm sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư; ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế; khó khăn trong việc phát triển doanh nghiệp và đầu tư; thậm chí ảnh hưởng trực tiếp tới nỗ lực tái cấu trúc kinh tế và thoát “bẫy thu nhập trung bình”, ông Bình nhận định.

Các tính toán của VCCI lưu ý rằng, cải thiện một điểm trong chỉ số thành phần về chất lượng đào tạo lao động ước tính sẽ giúp tăng 30% số doanh nghiệp trên 1.000 dân; 47% đầu tư bình quân đầu người; và 58 triệu đồng lợi nhuận trên mỗi doanh nghiệp.

Thực tế cho thấy, các tỉnh thu hút đầu tư tốt, quy mô và tốc độ phát triển công nghiệp, dịch vụ lớn đều có xu hướng “chăm lo” hơn đến vấn đề lao động và chất lượng lao động của địa phương mình.

Điển hình là trường hợp Đà Nẵng, Bình Dương (hai vị trí đầu bảng xếp hạng PCI 2009), và Tp.HCM. Cụ thể, với Đà Nẵng, chỉ số về lao động đứng đầu cả nước với 7,69 điểm; tiếp đến, Tp.HCM được 6,52 điểm; và Bình Dương đạt 6,32 điểm. So với tỉnh có điểm số nhỏ nhất, chỉ đạt 2,82 điểm, đây là khoảng cách khá xa.

Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Phương Bắc nói với VnEconomy bên lề buổi tọa đàm, tỉnh của ông lên được 6 vị trí, từ 16 lên 10, là do cải thiện được chỉ số về lao động. Điểm số 5,91 của Bắc Ninh trong năm 2009 cũng xếp cao nhất trong các tỉnh cùng khu vực.

Thực tế rất khác

Báo cáo PCI cho rằng chỉ số chất lượng đào tạo lao động nói chung đã được cải thiện trong năm 2009. Tuy nhiên, thực tế cho thấy chất lượng lao động chưa đáp ứng nhu cầu tuyển dụng.

Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Vũ Quốc Tuấn nêu thực trạng: “Tôi cho rằng lao động không có tay nghề, không đáp ứng được yêu cầu là một trong những nút cổ chai cần phải sửa. Khuyến khích thu hút đầu tư, nhưng chúng ta chưa quan tâm đến con người”.

Thống kê của ông Lê Duy Bình cho biết, tại Đà Nẵng, Bình Dương và Tp.HCM, trong năm 2009 có trên 100 nghìn việc làm cần tuyển lao động. Tuy nhiên, số người lao động đến đăng ký tuyển dụng chỉ bẳng 17% nhu cầu kể trên, số lao động đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng chỉ có 6%.

Thống kê về thị trường lao động tại 3 thành phố kể trên ông Bình cho biết thêm, có tới 64% lực lượng lao động chưa được đào tạo và tới 78% thanh niên trong độ tuổi 20-24 không đạt được các yêu cầu của thị trường lao động.

Kết quả trên dẫn tới tại Tp.HCM, trong năm 2009 có tới 23.796 lao động mất việc, song các doanh nghiệp cho biết họ thiếu tới 61.527 lao động. Tại Đồng Nai, khảo sát cho thấy mỗi năm tỉnh này thiếu hụt tới 20 nghìn việc làm không tìm được lao động phù hợp…

Thiếu lao động không phải vì tay nghề

Trước thực trạng chất lượng lao động không theo kịp nhu cầu tuyển dụng, nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân do chất lượng đào tạo nghề có vấn đề.

Hiện cả nước có khoảng 300 trường dạy nghề và hơn 1.000 trung tâm dạy nghề của các bộ và tỉnh; đề án đào tạo nghề đến năm 2010 được phép chi tới 24 nghìn tỷ đồng kinh phí, nhưng theo ông Vũ Quốc Tuấn, “tình hình chung là đào tạo không khớp với nhu cầu và các doanh nghiệp, vẫn phải đào tạo lại”.

Phó giám đốc VCCI tại Cần Thơ, ông Vũ Hùng Dũng đồng tình: “Khi tiếp xúc với một số cán bộ giảng dạy mới thấy một thực tế là các giảng viên này không hiểu biết nhiều về kinh doanh, lại rất ít kiến thức về kinh tế”.

Nhưng, thiếu lao động dường như không phải là chỉ do vấn đề tay nghề, trình độ yếu kém. Trước câu hỏi 20 nghìn lao động thiếu tại Đồng Nai là thiếu ở ngành nào, trình độ gì, ông Bình chưa có câu trả lời.

“Có chuyện là lao động giản đơn, không cần có tay nghề nhưng tuyển rất khó”, đại diện cho tỉnh Tây Ninh tham gia buổi tọa đàm đưa ý kiến.

“Chúng tôi tìm hiểu thì thấy rằng, không ít doanh nghiệp chỉ muốn trả mức lương 900 nghìn đến hơn 1 triệu đồng/tháng. Trong khi ấy, để có thu nhập này thì người lao động lại phải chi thêm tiền thuê nhà khi vào làm việc tại khu công nghiệp, trừ đi cũng tương đương trồng khoai, mỳ”, vị này giải thích thêm.

Phó giám đốc Nguyễn Phương Bắc đưa thêm một lưu ý: “Chúng tôi nhìn lại thì thấy rằng, việc cải thiện vị trí của tỉnh mình trong năm 2009 không do những việc đang làm hiện nay mà do cải thiện chỉ số về lao động, việc Bắc Ninh đã làm mạnh 3-4 năm vừa rồi”.