02:11 26/01/2010

Chất lượng thực của doanh nghiệp tư nhân?

Lê Châu

Nhìn lại chất lượng doanh nghiệp tư nhân sau 10 năm thực hiện Luật Doanh nghiệp

Riêng năm 2009 đã có 83 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng gấp đôi so với thập kỷ 1990 - 1999, đưa tỷ trọng doanh nghiệp/1.000 dân tới xấp xỉ con số 5, tiệm cận dần với mức trung bình khu vực - Ảnh: Việt Tuấn.
Riêng năm 2009 đã có 83 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng gấp đôi so với thập kỷ 1990 - 1999, đưa tỷ trọng doanh nghiệp/1.000 dân tới xấp xỉ con số 5, tiệm cận dần với mức trung bình khu vực - Ảnh: Việt Tuấn.
Nhìn lại chất lượng doanh nghiệp tư nhân sau 10 năm thực hiện Luật Doanh nghiệp, Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư nhận định rằng, việc số lượng doanh nghiệp tư nhân tăng ở cả tỷ lệ phần trăm và số lượng tuyệt đối, đã thể hiện một sức sống mãnh liệt, cũng như chất lượng của khu vực này ngày một nâng lên.

Tuy nhiên, nhận định trên đã vấp phải sự phản ứng của nhiều chuyên gia.

Ông Trần Kim Hào, Tổng biên tập Tạp chí Quản lý kinh tế, nhận xét đó là "đánh giá quá lạc quan với doanh nghiệp tư nhân Việt Nam". Trưởng ban Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý Trung ương (CIEM), TS. Tuệ Anh nói: "Quy mô không nói lên chất lượng. Quả táo to chưa chắc đã phải quả táo ngon".

"Đặc biệt ấn tượng" là cụm từ mà Tổ công tác thi hành thường xuyên nhấn mạnh đến khi đánh giá về chất lượng của khu vực doanh nghiệp tư nhân. Riêng năm 2009 đã có 83 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng gấp đôi so với thập kỷ 1990 - 1999, đưa tỷ trọng doanh nghiệp/1.000 dân tới xấp xỉ con số 5, tiệm cận dần với mức trung bình khu vực.

Một chuyên gia thuộc Tổ công tác, ông Lê Duy Bình, đánh giá các con số đó là "sự phát triển vượt bậc của kinh tế tư nhân".

Cũng theo ông Bình, sự phát triển ấn tượng này còn thể hiện qua quy mô  hoạt động lớn mạnh nhanh chóng, doanh thu thuần của khu vực này từ năm 2000 - 2008 đã tăng hơn 1.500%, lợi nhuận tăng gần 2.700%, tổng tài sản tăng gần 2.500%, vốn chủ sở hữu trung bình/doanh nghiệp tăng gấp 3 lần, lợi nhuận trung bình/doanh nghiệp tăng gấp 5 lần. Về việc tỷ lệ doanh nghiệp còn hoạt động đạt khoảng 50%, ông Bình cũng cho rằng là một tỷ lệ rút lui khỏi thị trường một cách hợp lý để tái tạo nguồn lực đó một cách tốt hơn.

Sự lạc quan còn thể  hiện qua thống kê một số chỉ số về  lao động tăng một cách "đặc biệt ấn tượng". Số lao động được tuyển dụng trong khu vực kinh tế tư nhân trong giai đoạn 2000 - 2008 tăng từ 858.622 người lên 4.339.579 người, tăng hơn 500%. Thu nhập bình quân của lao động cũng tăng gần 400%...

So sánh với doanh nghiệp thuộc khu vực nhà nước và doanh nghiệp vốn FDI, Tổ công tác cũng đưa ra nhận định khoảng cách giữa doanh nghiệp tư nhân và FDI ngày càng thu hẹp dần, làm việc ở khu vực doanh nghiệp tư nhân đã không còn là lựa chọn tồi.

Tuy nhiên, nguyên Phó ban nghiên cứu của Thủ tướng, ông Đặng Đức Đạm cho rằng các con số mà Tổ công tác thu thập  được về quá trình hoạt động 10 năm của doanh nghiệp tư nhân là không chính xác. Theo ông, "chẳng hạn các con số thống kê về tỷ suất lợi nhuận/đồng doanh thu của doanh nghiệp tư nhân mỗi năm chỉ là vài %, trong khi lãi suất ngân hàng mỗi năm cũng đã mười mấy %. Vậy thì họ kinh doanh để làm gì, sao không gửi ngân hàng".

Tổ công tác cũng thừa nhận "không biết tại sao số liệu lại có sự khác nhau" khi thống kê về số lượng doanh nghiệp tư nhân còn hoạt động. "Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, cuối năm 2008 còn khoảng 179.000 doanh nghiệp tư nhân còn hoạt động, xấp xỉ 50%. Nhưng số liệu của Tổng cục Thuế thì còn 272.000 doanh nghiệp tư nhân hoạt động, đạt 73%. Chúng tôi cũng không biết vì sao có sự khác biệt này", ông Lê Duy Bình nói.

Chia sẻ về sự khác biệt, Trưởng ban Doanh nghiệp Nhà nước (CIEM) Nguyễn Đình Tài nhận xét: "Giữa số liệu thực tế và số liệu chính thức được công bố có khoảng cách. Nhiều công trình nghiên cứu, đánh giá của nước ngoài cũng vấp phải rào cản này".

Mập mờ về chất lượng doanh nghiệp tư nhân là nhận xét của nhiều chuyên gia. Bà Trần Thị Bình, Viện nghiên cứu chiến lược (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) khẳng định nếu chỉ căn cứ trên những số liệu thống kê đã được công bố thì không thể có được kết luận, dù chỉ là ở mức độ tương đối chính xác về chất lượng doanh nghiệp tư nhân. "Ví như về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân, trong khi họ có mấy quyển sổ mà mình lại chỉ tin vào quyển sổ mà họ đưa ra rồi kết luận về chất lượng hoạt động của họ thì đúng sao được!".

Phân tích sâu về điều này, Phó viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung nhận định: "Ngại công khai minh bạch, lại chịu ảnh hưởng của nhiều thập kỷ kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp đã tạo nên tâm lý che giấu là phổ biến của các doanh nghiệp. Mặt khác, môi trường kinh doanh, hệ thống pháp luật chưa ủng hộ cho việc công khai, minh bạch của doanh nghiệp, vì muốn minh bạch thì phải tốn thêm chi phí, lợi ích thu được sẽ thấp hơn chi phí bỏ ra hàng ngày".

TS. Tuệ Anh, chuyên gia CIEM nói thêm: "Doanh nghiệp tư nhân phát triển nhanh nhưng không lớn được! Họ muốn minh bạch cũng không thể vì họ  thường phải trả những chi phí ngoài luồng cao khủng khiếp cho việc kinh doanh của mình. Điều này  được thể hiện phần nào qua con số một đồng vốn trong doanh nghiệp nhà nước tạo ra lợi nhuận cao hơn so với doanh nghiệp tư nhân. Khoảng cách về hiệu suất giữa nguồn lực và lợi nhuận khá xa. Doanh nghiệp tư nhân phải làm việc mệt mỏi hơn nhưng lợi nhuận ít hơn".