08:30 11/01/2010

Chênh lệch lương thưởng: Khoảng cách ngày càng lớn

Vũ Quỳnh

Chênh lệch về lương, thưởng đang có xu hướng tăng lên giữa các ngành, loại hình doanh nghiệp và lao động

Tiền lương đang được sử dụng như một công cụ để thu hút lao động giỏi.
Tiền lương đang được sử dụng như một công cụ để thu hút lao động giỏi.
Chênh lệch về lương, thưởng đang có xu hướng tăng lên giữa các ngành, loại hình doanh nghiệp và lao động. Bên cạnh những lao động nhận mức lương trên 100 triệu đồng/tháng và mức thưởng Tết gần 400 triệu là những người được trả lương 650 nghìn đồng và mức thưởng... 30.000 đồng.

Khoảng cách lớn về thưởng

Tết năm nay mức thưởng cao nhất thuộc về doanh nghiệp FDI  của Tp.HCM với 389 triệu đồng, cao hơn 56 triệu đồng so với năm 2009 và 149 triệu đồng so với năm 2008.

Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, qua tổng hợp số liệu của các địa phương cho thấy hầu hết các doanh nghiệp (các tỉnh ít doanh nghiệp thì khoảng 90%, nhiều doanh nghiệp như Hà Nội và Tp. HCM thì 40 đến 50%) đã có báo cáo kế hoạch thưởng Tết cho người lao động. Phần lớn các doanh nghiệp cho biết năm nay vẫn đảm bảo mức thưởng đối với người lao động ít nhất bằng một tháng lương.

Mức thưởng bình quân trong dịp Tết Canh Dần cao hơn 300 nghìn đồng so với năm 2008, tức là khoảng 1,85 triệu đồng/người. Vẫn như mọi năm trước, mức thưởng ở các doanh nghiệp phía Nam cao hơn phía Bắc, Tp.HCM cao hơn Hà Nội.

Cụ thể, doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội có mức thưởng bình quân khoảng 2,3 triệu đồng, trong khi đó mức thưởng bình quân tại Tp.HHCM là 3,8 triệu đồng, Đà Nẵng 2,5 triệu đồng, Khánh Hòa 3,6 triệu đồng và Vũng Tàu là 4,3 triệu đồng.

Mặc dù không có công bố mức thưởng cụ thể của từng ngành, nghề song báo cáo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng cho thấy hiện tượng chênh lệch rất lớn về tiền thưởng giữa các lao động và loại  hình doanh nghiệp. Có người được thưởng đến hàng trăm triệu đồng thì ngược lại cũng có không ít lao động chỉ được thưởng 30.000 đồng.

Tại Hà Nội, mức thưởng Tết cao nhất là 337 triệu đồng, Tp. HCM có mức thưởng kỷ lục 389 triệu đồng,  Đà Nẵng 148 triệu đồng, Vũng Tàu có mức thưởng tết cao nhất là gần 100 triệu đồng. Đối lập với những khoản tiền thưởng cao ngất ngưởng nói trên thì hiện vẫn nhiều doanh nghiệp công bố thưởng Tết 100.000 đồng. Thậm chí, có những doanh nghiệp chỉ thưởng 30.000 đến 50.000 đồng.

Chênh lệch lớn về lương

Theo kết quả tổng hợp số liệu từ 63 tỉnh thành của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nhìn chung, tiền lương của người lao động trong các loại hình doanh nghiệp năm 2009 đều tăng so với năm 2008, bình quân ước  đạt khoảng 2,840 triệu đồng/người/tháng, tăng 10,8% so với năm 2008.

Trong đó, tiền lương bình quân trong doanh nghiệp Nhà nước đạt 3,350 triệu đồng/người/tháng, tăng 7,37% so với năm 2008; riêng các tổng công ty đặc biệt và tập đoàn kinh tế bình quân đạt 5,9 triệu đồng/người/tháng, tăng 6,1% so với năm 2008, cao gần gấp 2,5 lần so với các loại hình kinh tế còn lại. Doanh nghiệp dân doanh đạt 2,050 triệu đồng/người/tháng, tăng 10,81%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 2, 650 triệu đồng/người/tháng, tăng 9,96% so với năm 2008.

Tiền luơng bình quân cao nhất năm nay thuộc các doanh nghiệp của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu với 4,3 triệu đồng/người/tháng, bỏ xa Hà Nội là 2,5 triệu đồng/người/tháng và Tp. HCM 3,5 triệu đồng/ người/tháng.

Lương cao nhất của người quản lý ở các doanh nghiệp Nhà nước do địa phương quản lý là 40,5 triệu đồng/tháng. Đáng chú ý là mức lương cao nhất trả cho lao động vẫn tập trung chủ yếu ở khu vực FDI, trong đó 5 tỉnh, thành phố có mức lương cao nhất trả cho người lao động với trên 100 triệu đồng/tháng là Hà Nội, Tp. HCM, Đà Nẵng, Huế và Bà Rịa – Vũng Tàu.

Còn tiền lương thấp nhất thuộc các doanh nghiệp do địa phương quản lý và doanh nghiệp dân doanh là 650 nghìn đồng/tháng/người/tháng. 10 tỉnh có có mức lương thấp nhất bằng mức lương tối thiểu vùng IV do Chính phủ quy định (920 nghìn đồng/người/tháng) là Bắc Kạn, Lai Châu, Quảng Ninh, Hòa Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi, Gia Lai và Tây Ninh.

Theo đánh giá của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nhìn chung mức tiền lương, tiền thưởng của người lao động vẫn có khoảng cách khá lớn do hiệu quả sản xuất kinh doanh, lợi thế ngành hàng và giá tiền công ở từng vùng. Mức lương, thưởng ở những doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả cao, những ngành nghề có nhiều lợi thế, vùng kinh tế trọng điểm ngày càng chênh lệch cao hơn so với mức bình quân chung và so với các doanh nghiệp khó khăn.

Đối với lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, lao động quản lý giỏi đóng góp nhiều vào hiệu quả sản xuất, kinh doanh thì mức lương thưởng cao hơn nhiều lần so với mức trung bình và so với lao động giản đơn.

Trao đổi với VnEconomy, bà Tống Thị Minh, Vụ trưởng Vụ tiền lương -tiền công, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, sự chệnh lệch lương thưởng nói trên là điều tất yếu bởi chúng ta đang thực hiện trả lương theo cơ chế thị trường. Tiền lương đang được sử dụng như một công cụ hữu hiệu để thu hút và khuyến khích lao động giỏi.