22:59 12/05/2009

Chỉ tiêu tăng trưởng GDP và câu hỏi về tính pháp lý

Nguyên Hà

Tốc độ tăng trưởng kinh tế là chỉ tiêu pháp lệnh, hay chỉ là chỉ tiêu để Chính phủ báo cáo Quốc hội?

Theo dự báo của Chính phủ, năm 2009 khu vực dịch vụ tăng khoảng 7,5 - 7,7% - Ảnh: Việt Tuấn.
Theo dự báo của Chính phủ, năm 2009 khu vực dịch vụ tăng khoảng 7,5 - 7,7% - Ảnh: Việt Tuấn.
Tại kỳ họp Quốc hội thứ 5 tới đây, Chính phủ đề nghị điều chỉnh hai chỉ tiêu: tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 6,5% xuống khoảng 5%, và bội chi ngân sách Nhà nước từ 4,82% lên tối đa khoảng 8% GDP.

Việc này không gây bất ngờ, song sẽ điều chỉnh tăng giảm đến mức nào, cơ sở của con số đó cùng tính pháp lý trong việc thực hiện các chỉ tiêu này vẫn đăt ra nhiều câu hỏi với không ít băn khoăn.

5% dựa trên cơ sở nào?

Tốc độ tăng trưởng GDP 5% được Chính phủ dự báo căn cứ vào tình hình kinh tế thế giới, tình hình kinh tế - xã hội quý 1 và tác động tích cực của gói kích cầu trong các tháng tới.

Cụ thể khu vực nông, lâm, ngư nghiệp tăng khoảng 2 - 2,8%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng khoảng 3,5 - 5%; khu vực dịch vụ tăng khoảng 7,5-7,7%.

Theo Chính phủ, nếu kinh tế thế giới phục hồi nhanh hơn so với dự báo hiện nay, có thể phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP vào khoảng 5,5- 6%.

Trong báo cáo, Chính phủ cũng dự báo cả năm tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu từ 3 -5%, chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 6%, giải quyết việc làm mới khoảng 1,52-1,57 triệu lao động.

Thẩm tra báo cáo này, Ủy ban Kinh tế nhất trí việc điều chỉnh một số chỉ tiêu chủ yếu nêu trong Nghị quyết của Quốc hội là cần thiết.

Song, để bảo đảm tính pháp lý trong việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban đề nghị tại kỳ họp tới, Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh bốn chỉ tiêu chủ yếu, có tính chi phối đến đời sống kinh tế - xã hội của đất nước: tốc độ tăng trưởng kinh tế, chỉ số giá tiêu dùng, bội chi ngân sách nhà nước, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu, còn các chỉ tiêu khác giao Chính phủ cân đối và điều hành cụ thể.

Đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế nhất trí đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu giá tiêu dùng ở mức khoảng 6%; điều chỉnh chỉ tiêu tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu xuống khoảng 3%.

Với chỉ tiêu bội chi ngân sách, ủy ban này cho rằng không nhất thiết phải tăng quá lớn, nhất là trong điều kiện việc giải ngân các nguồn vốn đầu tư còn nhiều bất cập. Bởi vậy, đề nghị Chính phủ rà soát, tính toán khả năng thu,chi ngân sách để xác định số bội chi cần thiết, bảo đảm tính hợp lý và thực tế.

Riêng về chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, các ý kiến đề nghị cần điều chỉnh giảm, nhưng đề xuất các mức khác nhau, cụ thể là: 5-5,5%, 5%, 4,5-5%.

Đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế cho rằng, nếu tập trung tháo gỡ được một số điểm nghẽn (ví dụ như thủ tục đầu tư), sớm cụ thể hóa chương trình kích thích kinh tế, đẩy nhanh tiến độ thực hiện hệ thống các giải pháp thì chúng ta có thể đạt được tốc độ tăng trưởng cao hơn trong những quý tiếp theo; đồng thời cũng bày tỏ quan điểm cần cố gắng phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế khoảng 5%.

Tuy nhiên, do tăng trưởng kinh tế quý 1 chỉ đạt 3,1% nên mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân cả năm 5% là một thách thức lớn.

Qua tính toán sơ bộ, giả định GDP có tốc độ tăng dần đều qua các quý, muốn đạt tăng trưởng bình quân cả năm 5% thì phải có gia tốc tăng mỗi quý là 1,3%. Theo đó, quý 2 đạt 4,4%, quý 3 đạt 5,7%, quý 4 đạt 7%.

Do vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ báo cáo làm rõ cơ sở và tính thực tế của việc xác định chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 5%.

Băn khoăn tính pháp lý

Thảo luận báo cáo của Chính phủ về triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển đặt câu hỏi: không biết Quốc hội có nên bàn về chỉ tiêu tăng trưởng GDP hàng năm không, GDP và CPI có được coi là chỉ tiêu pháp lệnh hay là chỉ tiêu để Chính phủ báo cáo Quốc hội?

"Năm 2008 đề nghị giảm từ 8,5 còn 7%, tổ chức thực hiện chỉ đạt 6,18%. Năm nay khả năng điều chỉnh chỉ còn 5% thôi, có khi thực hiện còn còn không đạt 5%, vậy thì nên thế nào? Phải chăng Quốc hội nên đánh giá chất lượng điều hành của Chính phủ so với năm trước chứ không phải qua chỉ tiêu", ông Hiển nói.

Tính pháp lý của các chỉ tiêu đến đâu là băn khoăn của không ít đại biểu và không phải đến bây giờ mới được nói tới.

Trả lời phỏng vấn VnEconomy đầu năm nay, đại biểu Quốc hội Đặng Như Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng chỉ tiêu chỉ mang tính định hướng.

Ông nói: “Tôi nghĩ có nhiều đại biểu nhận thấy một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội đặt ra chưa thật hợp lí, nhưng Quốc hội không biểu quyết từng chỉ tiêu mà biểu quyết theo khoản hoặc điều, nên các chỉ tiêu gộp chung trong điều, khoản thường được thông qua. Tuy nhiên, vấn đề chính là các chỉ tiêu được thông qua chưa phải là quy định nghiêm ngặt của pháp luật, kết quả thực hiện chưa gắn với xử lí cơ quan chức năng có trách nhiệm”.

Ngay tại thời điểm đó, ông đã cho rằng chỉ tiêu tạo việc làm cho 1,7 triệu người lao động năm 2009 là không có cơ sở cả về lí thuyết và thực tiễn. Và dự báo mới nhất của Chính phủ trong cả năm có thể giải quyết việc làm mới khoảng 1,52 - 1,57 triệu lao động.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận thì Quốc hội luôn đứng bên cạnh Chính phủ, cùng nêu cao tinh thần trách nhiệm, song Chính phủ cần phải làm rõ để thuyết phục Quốc hội những vấn đề đã đề xuất.

Về con số tăng trưởng GDP 5%, ông Thuận cho rằng tăng trưởng vốn là chủ yếu, cần tăng trưởng lại "bơm" tiếp vốn vào, thì thử hỏi sẽ giải thích thế nào khi sự cải thiện của đời sống không tương xứng với tăng trưởng kinh tế.

Vấn đề khiến đại biểu Thuận quan ngại là vì sao hệ số đầu tư tăng trưởng (ICOR) năm sau cứ cao hơn năm trước, ngay cả khi chưa có khủng hoảng kinh tế thì ICOR vẫn cao.Theo báo cáo của Chính phủ thì năm 2008 hệ số ICOR tăng lên đến 6,66 là cao hơn so với năm trước (năm 2007 là 5,2). Theo ông việc này hầu như không có nguyên nhân khách quan, mà chỉ có nguyên nhân chủ quan.

Lại chuyện dự báo

Tại kỳ họp tới đây, Quốc hội sẽ xem xét báo cáo bổ sung tình hình kinh tế xã hội năm 2008.Chính phủ “tự kiểm điểm”có 9 chỉ tiêu không đạt kế hoạch đề ra, bao gồm cả tốc độ tăng GDP, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên GDP, tạo việc làm mới, tỷ lệ hộ nghèo…

Đánh giá “những kết quả đạt được trong năm 2008 là tích cực, về cơ bản đã đạt được mục tiêu tổng quát nêu trong Nghị quyết của Quốc hội” song Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng chỉ ra “những hạn chế cần xem xét một cách đầy đủ và nghiêm túc”.

Hạn chế đầu tiên là công tác phân tích số liệu, đánh giá và dự báo chưa sát diễn biến thực tế, nhiều chỉ tiêu quan trọng có sự chênh lệch, thấp hơn so với thời điểm báo cáo Quốc hội.

Tháng 11, tháng 12 năm ngoái vẫn dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2008 đạt 6,7-6,8%, nhưng kết quả thực tế chỉ đạt 6,2%, dẫn tới việc xây dựng và quyết định các chỉ tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm sau phần nào còn lạc quan, thiếu tính sát thực.

Việc lập dự toán thu chưa sát với tình hình thực tiễn, đã ảnh hưởng đến tính chủ động trong bố trí kế hoạch chi và cân đối ngân sách chung.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng “phê” Chính phủ dự báo kinh tế chưa tốt, xây dựng dự toán ngân sách chưa sát với tình hình thực tế, thu, chi vượt dự toán lớn.

Việc điều chỉnh các chính sách tuy có kịp thời, nhưng có tình trạng Chính phủ vượt quá thẩm quyền cho phép đối với một số khoản chi, ủy ban này khẳng định.

Trong vai trò thẩm tra, cả Ủy ban Kinh tế và Tài chính - Ngân sách đều đề nghị Chính phủ tăng cường công tác dự báo, chủ động xây dựng các chủ trương, biện pháp chiến lược cho nền kinh tế sau khi kinh tế thế giới ra khỏi khủng hoảng và phục hồi, kể cả vấn đề cấu trúc nền kinh tế, lựa chọn các mô hình phát triển.

* Theo dự báo của Chính phủ thì nền kinh tế nước ta trong năm 2009 không bị rơi vào khủng hoảng, suy thoái như các quốc gia khác, và bắt đầu có dấu hiệu chuyển biến theo chiều hướng tích cực.