09:52 14/12/2011

“Chìm xuồng” thí điểm thuê sếp cho doanh nghiệp nhà nước?

Lê Châu

14 năm vẫn không thực hiện được chủ trương thuê tổng giám đốc cho doanh nghiệp Nhà nước

Chưa có cơ chế thực sự tách bạch thẩm quyền, nhiệm vụ, trách nhiệm của viên chức quản lý với hội đồng quản trị, dẫn đến  những mâu thuẫn trong quá trình quản lý và điều hành doanh nghiệp - Minh họa: Khều.
Chưa có cơ chế thực sự tách bạch thẩm quyền, nhiệm vụ, trách nhiệm của viên chức quản lý với hội đồng quản trị, dẫn đến những mâu thuẫn trong quá trình quản lý và điều hành doanh nghiệp - Minh họa: Khều.
14 năm vẫn không thực hiện được chủ trương thuê tổng giám đốc cho doanh nghiệp Nhà nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng nguyên nhân chủ yếu là cơ chế, còn Bộ Giao thông Vận tải, nơi triển khai thí điểm thì có hàm ý, tổng giám đốc có được thuê cũng không trụ được vì bị... cô lập.

Nghị quyết Trung ương lần thứ 4, khoá 8 (năm 1997) lần đầu tiên ra chủ trương hội đồng quản trị ký hợp đồng với tổng giám đốc, giám đốc doanh nghiệp nhà nước.

Sau đó, Nghị quyết Trung ương lần thứ 3, khoá 9 về sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước đã tái khẳng định chủ trương này, khi nhấn mạnh chủ sở hữu được chủ động lựa chọn và bố trí cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước theo hướng chủ yếu là thi tuyển.

Thể chế hóa quan điểm của Đảng, Quốc hội đã ban hành Luật Doanh nghiệp Nhà nước năm 2003, Luật Doanh nghiệp năm 2005, trong đó cho phép thưc hiện tuyển chọn, ký hợp đồng với tổng giám đốc theo phân cấp quản lý cho phù hợp với cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.

Thực hiện chủ trương của Đảng và thực hiện các luật này, Thủ tướng đã giao các bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương), Giao thông Vận tải, Xây dựng, xây dựng đề án thí điểm hội đồng quản trị ký hợp đồng với tổng giám đốc tại 5 tổng công ty.

Hai trong số 5 tổng công ty này đã thực hiện tuyển, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, cả 2 tổng công ty này đều quay trở lại chế độ bổ nhiệm và thực tế đến nay, cả 5 tổng công ty này đều chưa thể thực hiện được việc ký hợp đồng thuê tổng giám đốc.

Cơ chế tiền lương, tiền thưởng đối với tổng giám đốc được thuê chưa thực sự gắn với hiệu quả của doanh nghiệp, và thực tế còn thấp so với chức danh tương đương trên thị trường, không thu hút được người giỏi, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhìn nhận. Thứ trưởng của bộ này, ông Phạm Minh Huân, còn chỉ ra một loạt rào cản khác khiến cho chủ trương không thành công.

Đó là cơ chế tuyển dụng và bổ nhiệm viên chức quản lý doanh nghiệp nhà nước hiện nay vẫn bị ràng buộc nhiều với các quy định của công chức, viên chức nhà nước; các tiêu chuẩn, điều kiện tuyển dụng, bổ nhiệm, thẩm quyền trong tổ chức sản xuất kinh doanh, chế độ trách nhiệm... chưa đủ cụ thể để gắn với sản xuất kinh doanh và cơ chế thị trường.

Một lý do rất đáng chú ý mà ông Huân nhắc tới là chưa có cơ chế thực sự tách bạch thẩm quyền, nhiệm vụ, trách nhiệm của viên chức quản lý với hội đồng quản trị, dẫn đến  những mâu thuẫn trong quá trình quản lý và điều hành doanh nghiệp, không phân định được trách nhiệm khi điều hành doanh nghiệp kém hiệu quả hoặc vai trò, quyền lợi khi doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả.

Về mâu thuẫn này, Bộ Giao thông Vận tải đã nêu lên là nguyên nhân hàng đầu cho việc không thể triển khai chủ trương: “Tổng giám đốc là người do hội đồng quản trị ký hợp đồng thuê, trong khi đó các phó tổng giám đốc, kế toán trưởng là do hội đồng quản trị bổ nhiệm, nên gây khó khăn cho tổng giám đốc khi chỉ đạo điều hành công việc”.

Các lý do khác khiến tổng giám đốc được thuê gần như bị “cô lập” còn là vì tổng giám đốc điều hành là người được thuê (không là thành viên hội đồng quản trị), trong khi phó tổng giám đốc hoặc giám đốc đơn vị thành viên là thành viên hội đồng quản trị, nên vướng mắc trong điều hành, triển khai nghị quyết của hội đồng quản trị đã nảy sinh.

Rồi chế độ tiền lương, thưởng và các khoản phụ cấp khác của tổng giám đốc là theo hợp đồng, trong khi các cán bộ lãnh đạo trong tổng công ty hưởng lương theo quy định của Nhà nước, thấp hơn nhiều lần.

Với quá nhiều sức ép như vậy, chỉ sau 9 tháng làm việc theo hợp đồng, tổng giám đốc đầu tiên được thuê đã có đơn xin chấm dứt hợp đồng trước thời hạn và đã được Hội đồng Quản trị Tổng công ty Công nghiệp Ôtô Việt Nam (Vinamotor), đơn vị thực hiện thí điểm thuê tổng giám đốc, đồng ý thông qua!

Tuy nhiên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Giao thông Vận tải vẫn đồng thuận rất cao trong nhìn nhận về sự đúng đắn của chủ trương thuê tổng giám đốc, cho đó là cách làm hay để tuyển chọn được người có năng lực để lãnh đạo, điều hành doanh nghiệp. Vấn đề xuất thân trong câu chuyện này tuy không được nhắc đến một cách rõ ràng, nhưng những kiến nghị từ hai bộ cho việc tiếp tục chủ trương này cho thấy, với “chiếc ghế” nhỏ hơn, thì việc tiến hành có vẻ sẽ thuận lợi hơn. Với “ghế” to hơn, thì việc tiến hành càng trắc trở hơn.

Thực tế từ việc thí điểm tại 3 doanh nghiệp thuộc Bộ Giao thông Vận tải là Vinamotor, Công ty Vận tải đa phương thức, Công ty Xuất nhập khẩu và Hợp tác đầu tư giao thông vận tải, có thể thấy tại hai công ty có quy mô nhỏ hơn, tổng giám đốc được thuê cũng gặp ít sóng gió hơn, còn tại tổng công ty quy mô lớn hơn, việc thuê đã không thành công.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng việc ký hợp đồng thuê tổng giám đốc là vấn đề phức tạp, có liên quan đến nhiều cơ chế chính sách, nhất là điều hành các tổng công ty, các tập đoàn kinh tế có giá trị tài sản lớn. Vì vậy, trong thời gian tới, chỉ lựa chọn những doanh nghiệp nhà nước có quy mô vừa phải để tiếp tục thí điểm.

Hai ngày làm việc liên tục của Chính phủ với các doanh nghiệp nhà nước cuối tuần trước đã bàn rất nhiều về vấn đề mô hình quản lý của doanh nghiệp nhà nước nên cải tiến thế nào, nhưng hầu như không ai nhắc đến vấn đề thuê tổng giám đốc. Chủ trương thuê tổng giám đốc, nếu như đã được khẳng định tính đúng đắn, lẽ nào cũng sẽ tiếp tục trì trệ như trong suốt 14 năm qua?