16:04 28/10/2011

Chính sách thay đổi, nhà đầu tư lo hụt ưu đãi

Anh Minh

Việc bảo lưu ưu đãi khi chính sách thay đổi dù đã được luật hóa vẫn gây khó cho nhà đầu tư

Bên trong nhà máy của Samsung tại Bắc Ninh. Phần mở rộng của dự án này có thể không được ưu đãi như giai đoạn đầu.
Bên trong nhà máy của Samsung tại Bắc Ninh. Phần mở rộng của dự án này có thể không được ưu đãi như giai đoạn đầu.
Luật đầu tư năm 2005 và các văn bản hướng dẫn luôn nhấn mạnh một nguyên tắc là trường hợp pháp luật, chính sách mới ban hành làm ảnh hưởng bất lợi đến lợi ích hợp pháp mà nhà đầu tư đã được hưởng thì họ sẽ vẫn được bảo lưu các ưu đãi như trong giấy phép đầu tư ban đầu. Tuy nhiên, trong thực tế, có khá nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn gặp trở ngại với vấn đề này.

Công ty TNHH Doosan Vina là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, được thành lập theo Giấy phép đầu tư do Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất cấp ngày 20/11/2006.

Theo Quyết định 50/2005/QĐ-TTg ban hành ngày 11/03/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của Khu kinh tế Dung Quất thì các dự án đầu tư trong khu kinh tế này sẽ “được miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu sản xuất, vật tư, linh kiện và bán thành phẩm mà trong nước chưa sản xuất được hoặc sản xuất không đạt tiêu chuẩn chất lượng trong 05 năm, kể từ khi bắt đầu sản xuất”.

Với việc chính thức đi vào hoạt động từ ngày 25/02/2009, Công ty Doosan Vina hiểu là mình sẽ được miễn thuế nhập khẩu theo đúng tinh thần của văn bản này.

Rắc rối phát sinh khi vào ngày 3/3/2010, Quyết định 50 được thay thế bằng Quyết định 25 về Quy chế hoạt động của Khu kinh tế Dung Quất và Doosan Vina được yêu cầu phải thực hiện theo quy định tại văn bản mới này, theo đó sẽ không còn được ưu đãi.

Trước tình hình nảy, Công ty TNHH Doosan Vina mới đây đã có văn bản trình lên Tổng cục Hải quan đề nghị được tiếp tục được miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện, bán thành phẩm nhập khẩu mà trong nước chưa sản xuất được theo đúng tinh thần Quyết định 50/2005/QĐ-Ttg ngày 11/03/2005 của Thủ tướng Chính phủ cho đến ngày 24/02/2014 (5 năm theo quy định trong giấy phép).

Doosan Vina không phải là trường hợp duy nhất gặp vướng mắc khi chính sách thay đổi.

Một câu chuyện được các chuyên gia về đầu tư nhắc đến gần đây là việc Dự án Samsung Complex đã không được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp khi muốn mở rộng quy mô đầu tư từ 670 triệu USD trong giai đoạn I lên 1,5 tỷ USD, vì lý do chính sách ưu đãi đầu tư đã thay đổi.

Cũng với lý do này mà Nokia, nhà đầu tư muốn triển khai dự án nhà máy sản xuất điện thoại di động tại Bắc Ninh, đang phải đàm phán lại với các cơ quan chức năng để có thể được hưởng các ưu đãi mà Samsung đang nhận được trong giai đoạn 1.

Ưu đãi thuế chính là vướng mắc chính khiến cho các dự án của Samsung và Nokia cho đến nay vẫn đang “tắc”, dù quyết tâm của các nhà đầu tư này là có thừa.

Trong khi đó, các ưu đãi thuế đối với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp cũng là một bài toán chưa có lời đáp.

Theo quy định trong Nghị định 108/2006/NĐ-CP và Nghị định 29/2008/NĐ-CP ban hành năm 2008 thì các các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất được hưởng mức ưu đãi đầu tư áp dụng cho địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Tuy nhiên, theo quy định hiện hành về thuế thu nhập doanh nghiệp, các doanh nghiệp đầu tư vào các khu công nghiệp này hiện nay lại không được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo địa bàn khó khăn.

Tương tự, các doanh nghiệp cũng không được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu theo địa bàn khó khăn do Nghị định 87/2010/NĐ-CP ban hành năm 2010 không cho phép áp dụng điều này.

Trong rất nhiều diễn đàn gần đây, vấn đề này thường xuyên được các nhà đầu tư cũng như các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng khu công nghiệp đề cập tới, song vẫn chưa được các cơ quan chức năng giải quyết một cách rốt ráo. Trong khi dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục xu hướng giảm, những thay đổi chính sách có thể càng làm giảm sự hấp dẫn của Việt Nam.