01:38 26/01/2011

Chủ tịch Air Mekong: “Kinh doanh thì chấp nhận mạo hiểm”

Phương Thảo

Phút “trải lòng” của Chủ tịch Hội đồng Quản trị Air Mekong về chuyện đầu tư vào lĩnh vực hàng không

Ông Đoàn Quốc Việt, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Air Mekong.
Ông Đoàn Quốc Việt, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Air Mekong.
Ba tháng sau khi thực hiện những chuyến bay đầu tiên, Công ty Cổ phần Hàng không Mê Kông (Air Mekong) cho thấy họ đã và đang “bay” đúng hướng, khi trở thành một lựa chọn mới trên thị trường hàng không nội địa.

Trong những ngày giáp Tết Nguyên đán, ông Đoàn Quốc Việt, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Air Mekong đã “trải lòng” với VnEconomy về câu chuyện đầu tư của mình, từng được coi là khá mạo hiểm trong bối cảnh hiện tại.

Đến thời điểm này, ông thấy thế nào về Air Mekong sau 3 tháng đi vào hoạt động?

Tôi đang cảm thấy hạnh phúc và yên tâm.

Bởi lẽ, những người đã từng bay trên Air Mekong đều thấy tin tưởng và muốn bay trở lại. Tỷ lệ đặt chỗ trên các chặng bay của Air Mekong có sự tăng trưởng, ổn định ở mức cao.

Một điểm nữa mà tôi cảm thấy thành công nhất, đó là tỷ lệ bay đúng giờ của hãng đạt cao, trên 92%. Chất lượng dịch vụ trên các chuyến bay của chúng tôi cũng nhận được sự phản hồi tích cực từ phía khách hàng. Đây là những con số ấn tượng với một hãng hàng không non trẻ như Air Mekong.

Ông có cảm nhận như thế nào về những thách thức giữa vai trò ông chủ “hãng hàng không” so với những lĩnh vực mà ông đã đầu tư?

Thời điểm này, có thể rất nhiều người vẫn nghĩ rằng chúng tôi chủ yếu kinh doanh tôm và muối. Nhưng trên thực tế chúng tôi đầu tư trên rất nhiều lĩnh vực như: du lịch, khách sạn hạ tầng, xây dựng khu đô thị, thủy sản, muối, vận tải biển...

Cách đây 14 năm, chúng tôi đã có khách sạn Hạ Long Plaza đạt tiêu chuẩn 4 sao ở Hạ Long. Hiện tại, chúng tôi cũng đang chuyển hướng đầu tư vào lĩnh vực phức tạp không thua kém hàng không, đó là đầu tư xây dựng một bện viện khoảng 800 giường với những trang thiết bị hiện đại và đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Sang một lĩnh vực mới thì thường gặp rất nhiều khó khăn. Khó khăn lớn nhất đối với tôi khi chuyển sang kinh doanh hàng không là làm sao phải định vị được vị trí của mình trong thị trường mới. Đây là một thách thức lớn, đặc biệt trong lĩnh vực như hàng không, khi mà trên thị trường đã có Vietnam Airlines là “anh cả” kinh doanh hàng không truyền thống, còn Jetstar hoạt động trong phân khúc giá rẻ.

Khi đã xác định cho mình một hướng đi, thì khó khăn tiếp theo chính là các điều kiện cơ sở hạ tầng như: con người, kỹ thuật… vì hàng không là một ngành đòi hỏi sự an toàn tuyệt đối, cho nên đây cũng là một thách thức không kém. Bên cạnh đó, việc lựa chọn phân khúc thị trường cũng là một thách thức không nhỏ, phải lựa chọn đường bay cho Air Mekong như thế nào, chất lượng phục vụ ra sao… để thoát khỏi cái bóng của những đàn anh đi trước.

Phải chăng đầu tư sang hàng không là quyết định khá mạo hiểm của ông?

Tôi có hai chuyện muốn chia sẻ.

Thứ nhất, trong một chừng mực nào đó thì Indochia Airlines đã có một sự khởi đầu không thuận lợi. Với những hãng hàng không non trẻ như chúng tôi hay Indochina Airlines, thì điều quan trọng đầu tiên chính là phải lựa chọn cho mình một sản phẩm phù hợp. Nếu không có sản phẩm khác biệt thì khó có thể đứng vững trước những thách thức của thị trường.

Thứ hai, tôi không phải là người làm việc theo kiểu “bốc đồng”, mà tôi là người ưa thích sự mạo hiểm, nhưng sự mạo hiểm đó nằm trong khả năng của mình. Khi quyết định mở hướng sang hàng không, tôi đã xây dựng Air Mekong với những bước đi phù hợp với sự phát triển của thị trường và phù hợp với sức lực của mình.

Chúng tôi là một tập đoàn đã chuyển giao công nghệ thành công trong nhiều lĩnh vực tại Việt Nam như: thủy sản, nông nghiệp, hạ tầng, du lịch, y tế… trong nhiều năm qua. Chính vì vậy, tôi không cho rằng đầu tư vào hàng không không phải là sự “bốc đồng”, mà là sự phát triển phù hợp với xu hướng hiện nay. Chúng tôi muốn thử sức mình trong một lĩnh vực phức tạp hơn những lĩnh vực mình đang làm.

Có nên so sánh Air Mekong với những hãng hàng không khác trên thị trường, thưa ông?

Ngay từ những ngày đầu, chúng tôi đã định vị Air Mekong là một hãng hàng không truyền thống với đầy đủ dịch vụ. Chúng tôi đã lựa chọn hướng đi phù hợp với điều kiện của thị trường hiện nay, đó là sử dụng loại máy bay phản lực Bombardier để bay tới những sân bay có đường băng ngắn. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tính đến chuyện bay trên các đường trục.

Như vậy, Air Mekong sẽ hoạt động như một hãng hàng không truyền thống và sẽ áp dụng các loại máy bay hiện đại để thích ứng tốt hơn với sự phát triển của thị trường hàng không Việt Nam.

Chúng tôi mong muốn đóng góp cho thị trường hàng không Việt Nam một sản phẩm tốt, và việc sử dụng loại máy bay phản lực hiện đại là Bombardier CRJ 900 trên các đường bay là một minh chứng cho những cam kết về chất lượng sản phẩm dịch vụ của chúng tôi với khách hàng. Air Mekong muốn mang một sản phẩm chất lượng cao để phục vụ cho phân khúc khách hàng mà các hãng hàng không khác hiện nay chưa đáp ứng được.

Hoạt động của Air Mekong có nhiều điểm giống một hãng hàng không truyền thống, nhưng nếu so sánh với Vietnam Airlines hay Jetstar, thì chúng tôi có lợi thế là bay đến những đường bay mà chưa được khai thác mạnh, như từ Phú Quốc hay Côn Đảo đến Hà Nội hoặc Tp.HCM… bằng các máy bay phản lực tốc độ cao, với độ an toàn không thua kém dòng máy bay cao cấp của Boeing hay Airbus. Chúng tôi cũng sẽ cung cấp nhiều sản phẩm dịch vụ chất lượng cao cho hành khách trên các chặng bay mà hãng đang khai thác.

Ông có thể chia sẻ chiến lược phát triển của Air Mekong trong vòng 5 năm tới?

Thực ra chiến lược phát triển của Air Mekong cũng rất đơn giản.

Như tôi đã nói, Air Mekong đang cố gắng tạo ra sản phẩm dưới dạng “máy bay gom”. Chúng tôi sẽ cố gắng “gom” tốt sau đó mới tính đến chuyện làm “trục” tốt. Air Mekong sẽ cố gắng đi vào ngách của thị trường, sau đó sẽ từ ngách để tạo ra trục.

Điều này không chỉ sẽ đúng trong thị trường nội địa, mà còn cả trên thị trường quốc tế.