17:08 08/12/2016

Chủ tịch FLC: “Cuộc sống không thay đổi” khi thành người giàu nhất sàn chứng khoán

Mạnh Chung

Trò chuyện với ông Trịnh Văn Quyết bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh ASEAN 2016

Người đứng đầu FLC là một trong các vị diễn giả khách mời tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh ASEAN 2016, do Bloomberg tổ chức sáng 8/12 tại Hà Nội.<br>
Người đứng đầu FLC là một trong các vị diễn giả khách mời tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh ASEAN 2016, do Bloomberg tổ chức sáng 8/12 tại Hà Nội.<br>
“Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam bây giờ mới chỉ bắt đầu, nên sẽ còn bùng nổ trong thời gian tới đây”, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC nhận định bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh ASEAN 2016, do Bloomberg tổ chức sáng 8/12 tại Hà Nội.

Người đứng đầu FLC là một trong các vị diễn giả khách mời tại hội nghị này.

Trao đổi với báo giới, ông nói:

- Tất nhiên trước khi đầu tư, chúng tôi cũng phải tính toán kỹ lưỡng.

Hiện chủ trương của Nhà nước, Chính phủ là khuyến khích, xem du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, nên đó là cơ sở, tiền đề để chúng tôi tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực này.

Ngoài ra, với việc sửa đổi Luật Nhà ở, Chính phủ đã có những tháo gỡ để cho các nhà đầu tư nước ngoài sở hữu nhà ở thương mại cũng như nhà ở nghỉ dưỡng.

Từ chủ trương đó, cộng với môi trường đầu tư, tính thanh khoản của thị trường, với dân số gần 100 triệu dân trong nước, du khách nước ngoài đến Việt Nam, thì chắc chắn nhu cầu căn hộ khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng trong tương lai là rất lớn.

Nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng hiện nay mới chỉ bắt đầu, mà FLC hiện là một trong những doanh nghiệp đi đầu đối với lĩnh vực này.

Những năm tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đưa ra thị trường đa dạng các sản phẩm căn hộ khách sạn nghỉ dưỡng, biệt thư trong khu nghỉ dưỡng, tại Quy Nhơn, Hạ Long, Thanh Hóa…

“Không có gì thay đổi”

Phải đầu tư lớn, FLC có tính đến vay vốn nước ngoài không?

Nguồn vốn nào cũng quý, quan trọng là mình tính toán thế nào để nguồn vốn đó được sử dụng hiệu quả, với chi phí thấp nhất.

Về việc huy động vốn ngoại, như bán trái phiếu lần đầu tiên ra quốc tế, chúng tôi đang đàm phán với một số tổ chức, định chế tài chính nước ngoài.

Hiện chúng tôi vẫn chưa vay một nguồn vốn nước ngoài nào, mà hoàn toàn dùng nguồn vốn nội lực, như vốn tự có, vốn của khách hàng đã và đang đầu tư vào bất động sản của FLC, vốn vay ngân hàng trong nước...

Hiện tại, FLC đã và đang triển khai hoặc đưa vào sử dụng nhiều quần thể bất động sản nghỉ dưỡng với số vốn đầu tư lớn trong nước, như tại Quy Nhơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc...

Hiện Chính phủ đang khuyến khích doanh nghiệp bất động sản đầu tư vào nhà ở xã hội, nhưng FLC hình như không “mặn mà” lắm với lĩnh vực này?

Đối với mỗi doanh nghiệp, tôi không nói riêng FLC, trong mỗi giai đoạn đều có những tính toán đầu tư như thế nào thì phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng ở giai đoạn đó.

Với FLC hiện nay, bất động sản thương mại và nghỉ dưỡng đang được tập đoàn tập trung nguồn lực nhiều hơn, nhưng không phải chúng tôi không quan tâm tới nhà ở xã hội.

Có lẽ trong giai đoạn khoảng 2017 - 2018, chúng tôi sẽ đầu tư vào lĩnh vực này.

Việc trở thành người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam với tài sản vượt mức tỷ USD mới đây đã tác động như thế nào tới cuộc sống cũng như công việc của ông?

Thứ nhất, tôi mong rằng sẽ có nhiều người Việt Nam thành đạt và thành đạt hơn tôi. Thứ hai, tôi không thấy cuộc sống của mình có gì thay đổi. Công việc vẫn diễn ra bình thường.

Với một doanh nghiệp niêm yết, giá cổ phiếu lên xuống theo quy luật của thị trường, và được đánh giá công khai trên thị trường chứng khoán. Đối với hoạt động thường ngày của doanh nghiệp, tôi không thấy không có gì thay đổi hay xáo trộn.

“Đồ tốt thì giá phải cao”


Ông đánh giá thế nào về sự tăng giá nhanh chóng của cổ phiếu ROS (Faros, doanh nghiệp mà ông Trịnh Văn Quyết là cổ đông lớn - PV) trong những tháng qua? Cũng có ý kiến cho rằng nếu cổ phiếu ROS bị bán ra nhiều thì thị trường chứng khoán có thể bị ảnh hưởng?

Đồ tốt thì giá phải cao. Tôi cho rằng việc giá cổ phiếu tăng như vậy không có gì là bất thường, mà là do cung cầu của thị trường, sau ba tháng kể từ khi niêm yết.

Tôi là cổ đông lớn nhất tại Faros khi chiếm tới gần 70% cổ phần, nên nếu có bán ra thì sẽ phải công bố. Mà chắc chắn tôi không bán ra, mà còn có ý định mua vào nữa, vì tôi biết rõ giá trị doanh nghiệp của Faros.

Đơn giản bởi Faros không chỉ là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, mà còn là một chủ đầu tư về bất động sản.

Faros đã và đang sở hữu nhiều bất động sản, hàng ngàn ha đất tại các tỉnh thành và các bãi biển đẹp trong cả nước. Tôi là cổ đông lớn, nên tôi hiểu được giá trị, hiểu được những gì mà Faros đã và đang đầu tư.

Thứ nữa là Faros lại có nguồn tài chính lành mạnh, gần như không nợ ngân hàng. Đó là những yếu tố mà nhiều nhà đầu tư và cổ đông, trong đó có tôi, kỳ vọng.