14:11 31/01/2010

Chuyện lương, thưởng của giới tài chính

Lương bổng đang đóng vai trò chủ đạo trong sự dịch chuyển nhân sự của ngân hàng

Minh họa: Khều.
Minh họa: Khều.
Ông vốn là dân Vietcombank, bắt đầu từ vị trí thấp nhất của phòng kinh doanh ngoại hối. Ngày ấy Vietcombank là ngân hàng tiên phong trong áp dụng các nghiệp vụ dealer (giao dịch) ngoại tệ và ông đã nhiều đêm thức trắng theo dõi sự biến động của những đồng tiền quốc tế.

Sự nhạy bén, kinh nghiệm, thông thạo tiếng Anh đã giúp ông vươn lên những thứ bậc cao trong nghề kinh doanh tiền tệ. Nhưng từng ấy năm, ông phần lớn làm cho khu vực kinh tế nhà nước, nhận lương từ vài triệu đến vài chục triệu đồng/tháng. Rồi ông bị bất ngờ, khi mới đây một ngân hàng cổ phần mời ông về làm tổng giám đốc với mức lương 500 triệu đồng/tháng, chưa kể quyền mua cổ phiếu ưu đãi và thưởng theo tỷ lệ trên mức lợi nhuận vượt chỉ tiêu.

Săn lùng nhân sự cao cấp đang diễn ra ở tất cả các lĩnh vực, nhưng không ở lĩnh vực nào sự cạnh tranh lại đến mức quyết liệt như tài chính - ngân hàng. Lương và bổng của đa số tổng giám đốc các tổ chức tín dụng cổ phần hiện nay không dưới 100 triệu đồng/tháng và con số này vẫn không ngừng tăng lên.

Đi kèm với lương là tiêu chuẩn xe cộ, bảo hiểm, thẻ sử dụng dịch vụ tại các khách sạn 5 sao, vé máy bay hạng thương gia, các kỳ nghỉ… Đương nhiên các ông chủ ngân hàng không ném tiền qua cửa sổ. Người được trả lương cao phải có trình độ và kinh nghiệm xứng đáng với số tiền nhận hàng tháng.

Lương cao, quyền lợi nhiều bao giờ cũng gánh theo trách nhiệm lớn. Có tổng giám đốc ngân hàng chỉ mơ có một ngày trong tuần được về nhà trước 6 giờ chiều. Những cuộc họp triền miên, những tính toán, bổ nhiệm nhân sự các chi nhánh, phòng ban, xử lý nguồn vốn… đã lấy đi của dàn giám đốc các ngân hàng sức lực, và những năm tháng già trước tuổi.

Vào năm 40 tuổi, tổng giám đốc một ngân hàng nói ông chỉ làm thêm hai năm nữa rồi nghỉ, nhưng năm năm sau, ngày sinh nhật tuổi 45, vẫn thấy ông cặm cụi ở ngân hàng. Đôi khi công việc là nhu cầu, là thách thức động chạm đến lòng tự ái nên phải vượt qua, nhưng rất nhiều trường hợp đó là niềm say mê nghề nghiệp.

Dẫu vậy, lương bổng đang đóng vai trò chủ đạo trong sự dịch chuyển nhân sự của ngân hàng. Trước đây, người ta đua nhau đầu quân vào ngân hàng nước ngoài vì thu nhập cao, điều kiện làm việc tốt, được thực tập quốc tế, phát triển tài năng. Nay ngược lại, nhân viên cấp cao các ngân hàng nước ngoài bỏ về làm ở các ngân hàng cổ phần.

Điểm lại, khá nhiều người thuộc thế hệ nhân viên thứ nhất, thứ hai, thứ ba từ những năm 1995-2005 của HSBC, Citibank, Deutsche Bank… đã và đang nắm giữ những trọng trách ở các ngân hàng trong nước. Số khác, khi đã có đủ vốn, đứng ra tự lập quỹ đầu tư nội địa, kinh doanh riêng.

Thời gian gần đây, chỉ có thu nhập của nhân sự cao cấp tài chính mới có thể sánh với lương giám đốc ngân hàng. Lương tổng giám đốc hay giám đốc điều hành những công ty chứng khoán tầm cỡ, công ty tài chính, bảo hiểm, quỹ đầu tư đã liên tục nhảy theo cấp số nhân. Đặc biệt vào những dịp lễ, Tết, phần thưởng của giới tài chính cấp cao mới thực sự khiến nhân sự nhiều ngành nghề khác thèm thuồng.

Ở một ngân hàng bậc trung nọ, năm 2008 khi lợi nhuận tăng gấp đôi, mức thưởng dành cho các phó tổng và tổng giám đốc Tết 2009 bình quân từ 1-1,5 tỉ đồng/người. Ở một ngân hàng lớn khác, các phó trưởng phòng xuất sắc nhận mức thưởng tương đương 10-15 tháng lương vào dịp Tết Nguyên đán. Mức thưởng trên dưới 1 tỉ đồng/người đã khá phổ biến trong giới quỹ đầu tư Tết năm 2008, nhưng lại sụt giảm thê thảm vào Tết năm 2009.

Tết này, khi báo chí thăm dò về tiền thưởng, nhân sự cao cấp các quỹ đầu tư tỏ ra không mấy lạc quan, cũng không bi quan. Họ đưa ra những con số khác nhau xung quanh mức vài trăm triệu đồng/người. Kể ra cũng không gây sốc lắm.

Không giống những lĩnh vực khác, mức lương thưởng của giới tài chính, từ bậc trung như trưởng, phó phòng đến chóp bu như tổng giám đốc điều hành, phụ thuộc nhiều vào biến động thị trường chứng khoán.

Những năm chứng khoán tăng trưởng mạnh, nhất là trong tháng 12, thì hồ hởi nhất là lãnh đạo các quỹ đầu tư, công ty tài chính và một số doanh nghiệp có hoạt động đầu tư tài chính. Năm nào thị trường suy thoái, Tết nhất đối với họ là thời điểm buồn.

Ông Bùi Nguyên Hoàn, Vụ trưởng, Trưởng đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ở Tp.HCM, kể rằng ông học được một phương ngôn khi thăm sàn chứng khoán Frankfurt (Đức): “Thị trường chứng khoán là nơi kinh doanh chất xám”.

Cánh báo chí phản đối, họ bảo: “Thị trường chứng khoán là nơi người ta biến tin tức thành tiền”. Nghe xong, tổng giám đốc một công ty quản lý quỹ đầu tư nước ngoài lớn nhất nhì Việt Nam nhận xét: “Thị trường chứng khoán là nơi kinh doanh rủi ro. Thế mới mệt!”. Và thêm: “Năm nay tổng giá trị tài sản ròng của các quỹ do chúng tôi quản lý tăng không tốt lắm. Tiền thưởng thì chắc có, nhưng chỉ ở mức tượng trưng thôi”.

Xét cho cùng, thu nhập và bổng lộc của giới tài chính - ngân hàng cũng có sóng, uốn theo đà phát triển của nền kinh tế. Nhận thưởng Tết này xong, người ta lại ngay lập tức mơ ước về kỳ thưởng Tết sau với niềm hy vọng mới. Có lẽ ước mơ và hy vọng mới chính là điều còn lại sau những khoản thu nhập và những mức tiền thưởng Tết cao thấp khác nhau!

Hải Lý (TBKTSG)