15:34 03/06/2008

“Có thể triệu tập các tập đoàn đến giải trình”

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nói về vai trò của khối doanh nghiệp Nhà nước trong việc chống lạm phát

Trong bối cảnh hiện nay, theo ông Lê Quốc Dung, khối doanh nghiệp Nhà nước tập trung chuyển đổi lại cơ cấu sản xuất, hướng ra xuất khẩu, sản xuất hàng thay thế nhập khẩu để cân bằng lại cán cân thanh toán - Ảnh: Việt Tuấn.
Trong bối cảnh hiện nay, theo ông Lê Quốc Dung, khối doanh nghiệp Nhà nước tập trung chuyển đổi lại cơ cấu sản xuất, hướng ra xuất khẩu, sản xuất hàng thay thế nhập khẩu để cân bằng lại cán cân thanh toán - Ảnh: Việt Tuấn.
Vừa qua, tại các hội nghị với các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, bằng các văn bản, chỉ thị, Thủ tướng đã yêu cầu các doanh nghiệp Nhà nước tập trung vào các khâu sản xuất, lưu thông, tham gia tích cực vào việc bình ổn giá cả thị trưởng.

Ông còn gọi đây là lực lượng “nòng cốt” và quan trọng nhất trong việc chống lạm phát. Tuy nhiên, trên thực tế, lạm phát vẫn tăng cao và vai trò của khối doanh nghiệp Nhà nước vẫn còn rất mờ nhạt.

Báo giới đã phỏng vấn ông Lê Quốc Dung, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội về vấn đề này

Khối doanh nghiệp Nhà nước hiện nay chiếm tỷ trọng rất lớn trong nền kinh tế và được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước. Nhưng vì sao trong những thời điểm cần thiết, Chính phủ lại chưa thể huy động sự tham gia của họ vào việc ổn định thị trường, chống lạm phát?

Các doanh nghiệp Nhà nước đúng là vẫn chiếm nhiều ưu thế trong mọi khâu từ sản xuất, lưu thông, dịch vụ... Một số tập đoàn kinh tế của Nhà nước có các ngân hàng, công ty chứng khoán… nên hoạt động của khối này trực tiếp hay gián tiếp đều có tác động đến giá cả thị trường.

Về đầu tư, nếu các doanh nghiệp Nhà nước tập trung vốn vào những hoạt động sản xuất để sớm có sản phẩm, cân bằng cung – cầu hàng hoá trên thị trường thì có tác dụng rất tốt, nó cân đối lại được lượng tiền đã bỏ ra. Hay ở các doanh nghiệp, các tập đoàn nào đã bỏ tiền vào các ngân hàng, các công ty chứng khoán nếu biết cân đối, điều chỉnh lại các hoạt động huy động tiền tệ, cho vay… thì cũng có lẽ có tác dụng chống lạm phát.

Trong bối cảnh hiện nay, theo tôi, khối doanh nghiệp Nhà nước tập trung chuyển đổi lại cơ cấu sản xuất, hướng ra xuất khẩu, sản xuất hàng thay thế nhập khẩu để cân bằng lại cán cân thanh toán thì đó cũng là cách hữu hiệu để thực hiện yêu cầu chống lạm phát của Chính phủ.

Ở nhiều nước, ngay như Mỹ, khi lạm phát tăng cao hay suy thoái kinh tế, nghị viện có thể triệu tập lãnh đạo các tập đoàn kinh tế lớn đến điều trần. Quốc hội của ta có thể làm như vậy không?

Tôi nghĩ là Quốc hội của ta cũng có thể yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty đến giải trình. Các uỷ ban của Quốc hội có thể làm được. Cái này cũng là cái mới. Cho nên các uỷ ban cũng phải chuẩn bị và cân nhắc kỹ.

Quản lý các tập đoàn thì trách nhiệm quản lý của Chính phủ là trước hết, nhưng việc kiểm soát, quản lý các tập đoàn hiện nay là rất yếu. Việc thành lập các tập đoàn hiện nay rõ ràng có nhiều vấn đề, cho dù tính chất của việc thành lập vẫn là thí điểm, qua việc tràn lan lập ra các công ty con, đầu tư ra ngoài lĩnh vực chính… Chính phủ lại không kiểm soát được các hoạt động đó, trong khi có đủ điều kiện về luật pháp, kinh tế để điều chỉnh.

Yêu cầu của Chính phủ đối với các tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước tham gia bình ổn thị trường trong một số thời điểm vừa qua không được thực hiện tốt, như qua đợt sốt gạo?

Về hoạt động của các doanh nghiệp trên từng lĩnh vực, còn phải tổng kết. Ít ra trong lĩnh vực chính của doanh nghiệp đó, nó phải thông suốt và nhịp nhàng nhất. Nhưng vì anh cứ mãi đầu tư, kinh doanh ở đâu đâu nên đến khi cần phát huy vai trò của mình trong lĩnh vực do anh được giao làm chính, ở thời điểm nóng nhất thì anh lại không làm được.

Cũng đã có một số tổ chức nghiên cứu kinh tế, các chuyên gia kinh tế khuyến cáo Chính phủ nên giải tán bớt một số tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước trong một số lĩnh vực mà Nhà nước không nhất thiết phải giữ vai trò chi phối...

Cái này phải xem lại chương trình đổi mới, sắp xếp, cổ phần hoá các doanh nghiệp Nhà nước. Một số doanh nghiệp Nhà nước vừa qua đi ngược lại quá trình này. Có doanh nghiệp lại phình sang lĩnh vực mà trước đây Nhà nước muốn sắp xếp để dẹp bỏ nó.

Cho nên, cũng cần đẩy nhanh việc sắp xếp, sát nhập hoặc giải thể bớt một số lượng doanh nghiệp để các thành phần kinh tế khác tham gia vào.

Ở các quốc gia mà cơ cấu kinh tế Nhà nước quá lớn thì thường nó cũng kém hiệu quả, kém năng động. Nên phát huy vai trò các thành phần kinh tế tư nhân, kinh tế nước ngoài. Chỉ cần giữ một số doanh nghiệp trên những lĩnh vực then chốt để điều tiết kinh tế vĩ mô.