11:09 02/10/2008

“Con số 3,8% doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó là không chính xác”

Nguyễn Hoài

Đánh giá thẳng thắn của Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa về kết quả khảo sát khối doanh nghiệp này

Ông Cao Sĩ Kiêm.
Ông Cao Sĩ Kiêm.
Mới đây, qua khảo sát 163.673 doanh nghiệp nhỏ và vừa, Ngân hàng Nhà nước công bố chỉ có 3,8% doanh nghiệp gặp khó khăn, trong đó có 1,42% có khả năng mất vốn.

Về số liệu này, khi trao đổi với chúng tôi, ông Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã thẳng thắn bày tỏ sự không đồng tình.

Ông nói:

- Về vấn đề này, tôi đã báo cáo với các đại biểu Quốc hội, có cả đại diện Ngân hàng Nhà nước chứng kiến. Việc đưa ra con số chỉ 3,8% doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn là không chính xác và có phần thiếu trách nhiệm.

Một thực tế là: lãi suất ngân hàng tăng ở mức 21%/năm, lượng vốn thiếu đi gần một nửa (do khống chế tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đến tháng 12/2008 ở mức 30% so với hơn 50% thời điểm cuối 2007 - PV), giá nguyên vật liệu đầu vào tăng, tình hình thế giới và trong nước nhiều biến động thì tất cả đã rung chuyển, chứ làm sao có chuyện chỉ 3,8% doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn?

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cho rằng có “73,2% doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trung bình” cũng không đúng. Không thể đang khó khăn như vậy mà lại có tới 73,2% doanh nghiệp hoạt động bình thường.

Rất có thể khi khảo sát, do động cơ lấy số liệu khác nhau, mục tiêu chứng minh khác nhau thì ra một kết quả khác nhau nhưng thử lắng nghe ý kiến từ doanh nghiệp sẽ thấy rất rõ.

“Chẳng qua là họ không muốn kêu lên đấy thôi”
 
Vậy còn khẳng định của Ngân hàng Nhà nước rằng: doanh nghiệp nhỏ và vừa “không có khả năng phá sản đổ vỡ hàng loạt” thì sao?

Hiện tại, không ít doanh nghiệp đã và đang ngắc ngoải, chẳng qua là họ không muốn kêu lên đấy thôi, nhất là đối với số doanh nghiệp vay vốn ngân hàng 100%.

Phải thấy, số doanh nghiệp vay vốn ngân hàng 100% không những không tiếp tục được vay mà nếu có vay cũng phải trầy trượt nhưng chưa chắc trả được nợ.

Thậm chí, có doanh nghiệp còn “ăn” cả vào vốn. Bởi làm gì ra lợi nhuận 20-21%/năm để trả lãi cho ngân hàng? Với thực tế này, chỉ quan sát sơ qua vẫn thấy doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện chồng chất khó khăn.

Với những khó khăn hiện nay, theo ông, các doanh nghiệp cần phải làm gì?

Thứ nhất, lãnh đạo doanh nghiệp phải rà soát lại tất cả hoạt động, chi phí của mình để chờ thời cơ tái cơ cấu.

Thứ hai, trong điều kiện hiện nay, cần chủ động tìm nguồn hàng, nguyên liệu, tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất và tiêu dùng.

Thứ ba, phải huy động nội lực từ người lao động góp sức vào. Làm được những vấn đề này, không những giải quyết được những khó khăn trước mắt mà còn thu được lợi ích lâu dài.

“Nên “khoanh” vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa”

Còn về phía Ngân hàng Nhà nước thì sao?
 
Trên cơ số vốn ít như hiện nay thì Ngân hàng Nhà nước phải chỉ đạo điều hành theo hướng phân loại tín dụng rất cụ thể, cho vay kịp thời, tập trung vào những đối tượng đang trụ vững trước khó khăn và có khả năng vươn lên.

Tuy nhiên, đối với những doanh nghiệp đang suy sụp, không có khả năng hoạt động thì cũng nên giải quyết theo hướng giải thể, phá sản để ngân hàng bằng mọi cách rút vốn về. Đó là xu hướng tất yếu và không còn cách nào khác.

Riêng đối với tái cơ cấu thì có thể là sáp nhập hoặc bỏ hay chuyển hướng mặt hàng sản xuất kinh doanh. Cũng có thể cơ cấu lại nợ, khoản vay...

Chẳng hạn, trước đây ngân hàng cho vay dài hạn thì nay tập trung cho vay ngắn hạn. Hoặc một khoản vay trước đây làm ăn tốt nhưng nay gặp rủi ro nhiều thì chuyển sang cơ cấu nợ khác. Thậm chí, nếu có nhu cầu mua bán, chuyển nhượng nợ thì cũng nên giải quyết.

Về vấn đề này tôi nghĩ Ngân hàng Nhà nước cũng nên tham gia và có hướng dẫn cho các ngân hàng thương mại thực hiện.

Nếu đề xuất ý kiến nhằm giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ nói gì, thưa ông?

Để tháo gỡ khó khăn trước mắt cho cộng đồng này, hiện tại, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa đang xây dựng bản kiến nghị gửi lên Chính phủ và bộ ngành quản lý. Tại đây, Hiệp hội kiến nghị một số điểm sau:

Một là, đối với chính sách, cần giãn, hoãn thời gian thực hiện nghĩa vụ thuế đối với số doanh nghiệp đang thực sự gặp khó khăn nhưng có nhiều triển vọng trụ vững. Cũng với đó, đẩy nhanh mọi thủ tục hành chính (hải quan, thuế) để không làm mất cơ hội làm ăn của doanh nghiệp.

Hai là, trong lúc khó khăn như vậy, Nhà nước nên “khoanh” hẳn một nguồn vốn dành cho khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa đã và đang đóng góp từ 30 - 40% vào doanh số xuất khẩu hàng năm, giải quyết 50% nhu cầu việc làm trên mọi vùng đất nước và 40% vào GDP.

Cứu được họ, có nghĩa là cứu được nền kinh tế và giải quyết rất tốt vấn đề an sinh xã hội.