19:31 11/08/2014

Công ty “hốt bạc” nhờ nuôi tép cảnh

An Huy

“Tép cảnh của chúng tôi có giá dao động từ 1 USD cho tới 200 USD/con, tùy từng loại”

Một trong những loại tép cảnh đắt hàng của Tép cảnh Phúc Đài Loan.<br>
Một trong những loại tép cảnh đắt hàng của Tép cảnh Phúc Đài Loan.<br>
Với số vốn đầu tư ban đầu nửa triệu USD, một công ty nuôi tép cảnh của Đài Loan đạt doanh thu hàng năm khoảng 1 triệu USD, lợi nhuận từ 30-50%. Công ty này đang có kế hoạch tiến vào Việt Nam, xem đây là một thị trường đầy tiềm năng.

Nằm trong khu công nghệ sinh học nông nghiệp Bình Đông thuộc Bình Đông, địa phương cực Nam của Đài Loan, trại tép cảnh của Công ty Tép cảnh Phúc Đài Loan (Taiwan Fu Shrimp Enterprise) bề ngoài không có vẻ gì là một trang trại. Ngôi nhà hai tầng kiên cố nơi công ty này dùng làm trại tép thoạt trông như một văn phòng.

Nhưng khi bước vào trong, một quang cảnh hoàn toàn khác mở ra.

Những bể nuôi tép cảnh xếp đều tăm tắp trên các chiếc giá sắt nhiều tầng. Trong bể, những chú tép nhỏ xíu nhiều màu sắc, kích thước tối đa chỉ khoảng 2,5 cm mỗi con, bơi lượn giữa những đám rêu xanh mướt.
 
Đài Loan hiện được coi là một trong những nơi dẫn đầu thế giới về xuất khẩu cá cảnh và tép cảnh, cùng với Đức và Hàn Quốc. Không phải là một loại sinh vật cảnh mới, nhưng tép cảnh mới chỉ phát triển mạnh trên thế giới trong những năm gần đây, và các công ty Đài Loan đã không bỏ lỡ cơ hội tìm kiếm lợi nhuận từ những con vật nhỏ xíu nhưng có mức giá không hề nhỏ này.

“Tép cảnh của chúng tôi có giá dao động từ 1 USD cho tới 200 USD/con, tùy từng loại”, anh Edward Chou, phụ trách kinh doanh của Tép cảnh Phúc Đài Loan, cho biết.

Theo Chou, loại tép cảnh đắt nhất mà công ty này cung cấp hiện nay là loại Fine Line Black Pinto, màu đen, có giá bán lẻ tại thị trường một số nước là 200 USD/con. Trong khi đó, loại rẻ nhất là loại Painted Fire Red, màu đỏ, có giá 1-2 USD/oz và có thể sống trong môi trường nước có nhiệt độ cao hơn.

“Nếu một con tép giành giải vô địch trong một cuộc thi tép cảnh nào đó tổ chức ở châu Âu, giá của nó có thể được đẩy lên hàng nghìn, thậm chí là hàng chục nghìn USD”, Chou nói.

Nếu không phải là người sành về tép cảnh, nhìn bề ngoài khó có thể phân biệt được đâu là loại đắt, loại rẻ. Thậm chí, những loại tép mà Chow giới thiệu là có mức giá phải chăng, trông vẫn còn bắt mắt hơn những loại tép có giá đắt hơn gấp nhiều lần.

Tính sơ sơ, số loại tép cảnh trong trang trại rộng 200 m2 của Tép cảnh Phúc Đài Loan đã lên tới con số khoảng trên 30 loại, với màu sắc đa dạng, từ trắng, đen, đỏ, vàng, cam cho tới trắng pha đỏ, đen pha trắng, trong suốt…

Chou tiết lộ, công ty của anh đã đầu tư 500.000 USD để xây dựng trại tép cảnh gồm 100 bể này vào năm 2012. Trong 6 tháng cuối năm 2013, trại tép đem lại doanh thu 500.000 USD, và theo dự kiến, doanh thu của cả năm nay sẽ đạt mức khoảng 1 triệu USD. Không đưa ra con số cụ thể, nhưng Chou nói rằng, mức lợi nhuận của trại tép dao động trong khoảng 30-50%.

Đối với một công ty nông nghiệp 10 nhân viên, hầu hết là những người trẻ dưới 40 tuổi, trên diện tích 200 m2, thì mức doanh thu và tỷ suất lợi nhuận như vậy là khá ấn tượng. Những công ty nông-ngư nghiệp sử dụng công nghệ cao nhằm đem lại nguồn lợi nhuận lớn như Tép cảnh Phúc Đài Loan đang được coi là trọng tâm phát triển trong chính sách nông nghiệp giá trị gia tăng của vùng lãnh thổ này.

Những con tép “đỏng đảnh” đòi hỏi công nghệ cao để nhân giống và nuôi. Nhiệt độ trong các bể tép tại trang trại luôn được duy trì ở nhiệt độ 25 độ C. Loại đất làm nền trong bể là loại chứa khoáng chất, nhập khẩu từ Nhật Bản. Ngoài cung cấp tép cảnh, công ty còn sản xuất thức ăn và các sản phẩm khác phục vụ việc nuôi tép cảnh.

Đón đầu các chính sách hỗ trợ, Tép cảnh Phúc Đài Loan mở trang trại trong khu công nghệ sinh học nông nghiệp Bình Đông, một trong 8 khu kinh tế tự do thử nghiệm (FEFZ) của Đài Loan. Các FEFZ được thành lập với mục tiêu tạo ra một động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế của vùng lãnh thổ này. Các doanh nghiệp Đài Loan và nước ngoài đầu tư vào FEFZ sẽ được hưởng các ưu đãi lớn như miễn nhiều loại thuế, thủ tục hải quan nhanh gọn, cơ sở hạ tầng thuận tiện…

Được công bố vào tháng 8/2013, hiện tại, chương trình FEFZ chưa được Đài Loan chính thức thông qua, nhưng các doanh nghiệp đã tới hoạt động trong các FEFZ như Tép cảnh Phúc Đài Loan, hay công ty TCI với những sản phẩm dinh dưỡng độc đáo như thực phẩm chức năng làm từ vỏ chuối… vẫn tin tưởng sẽ sớm có chính sách ưu đãi.

“Chắc chắn, chúng tôi sẽ được hưởng sự ưu đãi dự định dành cho FEFZ trong thời gian không xa”, Chou nói.

Anh cho biết, công ty của anh hiện đang cạnh tranh với khoảng 3-4 đối thủ nội địa, nhưng các đối thủ chính của họ chủ yếu là các công ty của Đức và Hàn Quốc. Ngoài trại tép ở Bình Đông, công ty của Chow còn có một trại nhân giống gồm khoảng 600 bể, đặt ở Cao Hùng.

Tin tưởng vào các chính sách hỗ trợ và tiềm năng lớn của thị trường tép cảnh thế giới, Tép cảnh Phúc Đài Loan dự định sẽ tăng số lượng bể tép tại nhà máy ở Bình Đông thêm 30 bể, chủ yếu dành cho những loại tép đắt tiền hơn. Sau các thị trường xuất khẩu chính Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, công ty này đang có kế hoạch xâm nhập vào các thị trường mới, trong đó có Việt Nam.

Ông Frank Liao, Chủ tịch Tép cảnh Phúc Đài Loan, cho biết, ông đã tới Việt Nam vài lần để tìm hiểu thị trường và dự kiến tiếp tục sẽ trở lại vào tháng 9. “Ở Việt Nam đã có nhiều người chơi tép cảnh. Tôi tin đây là một thị trường tiềm năng mà chúng tôi không nên bỏ qua”, ông Liao phát biểu.