09:35 23/04/2012

Cứu doanh nghiệp: “Miễn giảm thuế không có tác dụng”

Lê Hường

Khi một nền kinh tế trải qua thời gian tăng trưởng nóng, luôn luôn có sai lầm trong chiến lược đầu tư của doanh nghiệp

TS. Nguyễn Xuân Thành: "Đến nay, vẫn chưa đủ số liệu để đánh giá chính xác về mức độ khó khăn thực tế của doanh nghiệp".
TS. Nguyễn Xuân Thành: "Đến nay, vẫn chưa đủ số liệu để đánh giá chính xác về mức độ khó khăn thực tế của doanh nghiệp".
TS. Nguyễn Xuân Thành, giảng viên chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, cho rằng tái cấu trúc doanh nghiệp và giải quyết những trục trặc trong hệ thống ngân hàng mới là giải pháp hiệu quả để cứu doanh nghiệp hiện nay.

Rất nhiều tiếng kêu cứu đã được phát đi từ phía cộng đồng doanh nghiệp. Theo nhận xét một cách khách quan của ông, những khó khăn này đã ở mức độ báo động hay chưa?

Đến nay, vẫn chưa đủ số liệu để đánh giá chính xác về mức độ khó khăn thực tế của doanh nghiệp. Các thông tin đưa mới chỉ dựa vào những bất ổn kinh tế vĩ mô và tốc độ tăng trưởng kinh tế trong quý 1, cùng với tiếng kêu cứu của nhiều doanh nghiệp.

Con số nói lên nhiều nhất về thực trạng hoạt động của doanh nghiệp là số thuế thu nhập doanh nghiệp đáng nhẽ đã có rồi lại chưa được công bố. Như vậy, một bức tranh tổng thể về mức độ khó khăn của doanh nghiệp với các số liệu cụ thể vẫn chưa rõ nét. Vì vậy, chưa đủ thông tin để đưa ra đánh giá khách quan về thực trạng doanh nghiệp.

Thưa ông, đã có một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian qua, nhưng dường như, hiệu quả của những chính sách này vẫn chưa rõ nét?

Từ năm 2009 đến nay, tăng trưởng kinh tế luôn ở mức thấp hơn tiềm năng. 2012 được đánh giá vẫn khó khăn và sẽ tiếp tục thấp hơn tiềm năng. Tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam được đánh giá ở mức khoảng 8% nhưng mức độ tăng trường mới đạt khoảng 5-6%. Chắc chắn là có khó khăn về kinh tế mới dẫn đến tình trạng này.

Điều này đã thể hiện trong những con số bất ổn vĩ mô và mô hình tăng trưởng dựa vào tăng đầu tư liên tục với tỷ trọng ngày càng cao. Mọi bất ổn đều cần một quá trình điều chỉnh. Thực ra, quá trình điều chỉnh này đáng ra nên được bắt đầu sớm hơn, từ cuối 2008 đầu năm 2009.

Thông điệp về định hướng điều chỉnh các bất ổn kinh tế đã được gửi đi, vậy ông đánh giá thế nào về những thông điệp đó?

Thực sự là không có điều chỉnh. Nếu có, về mặt vĩ mô phải tái lập lại được các cân bằng vĩ mô. Về mặt doanh nghiệp, phải thực hiện được vấn đề tái cấu trúc. Theo đó, phải giảm được đòn bẩy tài chính của doanh nghiệp. Nhưng đến đầu năm 2012, các vấn đề bất ổn vẫn không được xử lý. Dẫn đến tình trạng các ngân hàng thiếu thanh khoản, tỷ lệ nợ xấu tăng.

Trong khi doanh nghiệp trong nước kêu nhiều, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lại ít phàn nàn hơn?

Qua trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp cho thấy, trước đây, những năm 2004-2008 doanh nghiệp Việt Nam tăng trưởng rất tốt, các doanh nghiệp trong nước rất lạc quan, các nhà đầu tư nước ngoài mới đến cũng rất lạc quan.

Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI đã có mặt ở Việt Nam luôn không bi quan nhưng lạc quan có điều kiện, luôn thấy khó khăn về chính sách và “kêu” môi trường chưa ổn định cần tiếp tục cải cách.

Gần đây, xuất hiện chiều hướng đảo ngược. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lại đánh giá tốt về triển vọng kinh doanh tại Việt Nam.

Điều này cho thấy doanh nghiệp trong nước hiện nay đang khó khăn hơn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Những doanh nghiệp gặp khó khăn lớn nhất là những doanh nghiệp đang có đòn bẩy tài chính cao nhất. Khu vực doanh nghiệp có vốn nước ngoài có chỉ số đòn bẩy tài chính thấp hơn. Như vậy, cơ cấu nguồn vốn của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được bảo đảm cân bằng.

Nhiều người giật mình với con số doanh nghiệp dừng hoạt động trong quý 1/2012. Nhưng chuyện “đi và ở” của doanh nghiệp liệu có phải là rất bình thường trong kinh tế thị trường, thưa ông?

Khi một nền kinh tế trải qua thời gian tăng trưởng nóng, luôn luôn có sai lầm trong chiến lược đầu tư của doanh nghiệp. Kinh doanh là phải chấp nhận rủi ro như vậy. Tuy nhiên, khi thực trạng vĩ mô bất ổn thì xác suất sai lầm càng tăng.

Trong một môi trường vĩ mô tốt, sự sai lầm sẽ dẫn đến đào thải. Đó là sự đào thải tích cực. Do đó, tác động xấu cũng không nhiều vì đa phần họ là những doanh nghiệp không sử dụng nhiều lao động. Nhưng trong môi trường vĩ mô không hoạt động đúng, thì những doanh nghiệp này lại không bị đào thải. Nhờ các mối quan hệ và “sức mạnh” nào đó, các doanh nghiệp này lại được nuôi dưỡng.

Để tiếp tục duy trì, tổng tài sản của các doanh nghiệp này lại phải “phình” ra, theo nghĩa, phải vay khoản nọ trả khoản kia. Khi đó, nguồn lực tài chính vốn đã hạn chế đã không đến được với doanh nghiệp làm ăn hiệu quả vì phải bù đắp cho doanh nghiệp không hiệu quả. Cần lưu ý, biện pháp hành chính thường dẫn đến địa chỉ sai khi phân bổ tín dụng.

Ông có nhận xét gì khi một số ý kiến đề xuất nên có một số giải pháp về thuế để gỡ khó cho doanh nghiệp?

Thực chất là không có tác dụng. Miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ là giải pháp hỗ trợ cho những doanh  nghiệp có lợi nhuận, trong khi những doanh nghiệp thực sự khốn khổ và trên bờ vực phá sản lại không được hưởng lợi. Tuy nhiên, miễn giảm thuế là cách làm dễ nhất và có vẻ hợp lòng doanh nghiệp, nên có thiên hướng được lựa chọn nhiều hơn.

Như vậy, phải gỡ khó theo cách thức nào, thưa ông?

Nếu doanh nghiệp khó khăn vì đòn bẩy tài chính thì giải quyết khó khăn là hai mặt. Xét về vi mô, phải tái cấu trúc doanh nghiệp. Về vĩ mô, cần giải quyết những trục trặc trong hệ thống ngân hàng mới thực sự giải quyết được khó khăn.