11:23 26/02/2009

“Đại phẫu” Tổng công ty Muối

Chu Khôi

Một trong những giải pháp đang được cân nhắc là sáp nhập Tổng công ty Muối vào Tổng công ty Lương thực Miền Bắc

Website của Tổng công ty Muối.
Website của Tổng công ty Muối.
Kết luận thanh tra số 1079/KL-TTr do Chánh thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phạm Văn Hiền ký, đã nêu rõ 5 sai phạm lớn ở Tổng công ty Muối.

Sau đó, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Ngọc Thuật đã ký Quyết định số 4220/QĐ-BNN về việc xử lý những sai phạm ở tổng công ty này.

Cân nhắc sáp nhập

Về xử lý kinh tế, Tổng công ty Muối phải nộp số tiền 2.365.428.892 đồng còn nợ vào ngân sách Nhà nước vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xử lý theo quy định.

Tổng công ty phải xuất toán số tiền 248.828.106 đồng đã hạch toán không đúng vào chi phí doanh nghiệp năm 2006, thu hồi số tiền hỗ trợ thuê nhà và tiền thuê nhà không đúng quy định.

Về xử lý trách nhiệm, Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao chủ trì tổ chức kiểm điểm và báo cáo Bộ để xử lý trách nhiệm đối với Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc Tổng công ty Muối và các cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ có liên quan đến những sai phạm đã được kết luận.

Ngày 24/2/2009, Tổng công ty Muối đã tổ chức họp kiểm điểm, dưới sự chứng kiến của Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Nam, và đại diện Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều trớ trêu là, trong tổng số 26 người của Tổng công ty có mặt trong cuộc họp để bỏ phiếu, thì có tới 11 người là đối tượng sai phạm có tên trong phiếu kiến nghị hình thức kỷ luật.

Khi tất cả các phiếu đã được cho vào hòm kín, ông Phạm Năng Phong (Phó tổng giám đốc Tổng công ty Muối) chỉ đạo đưa hòm phiếu sang một phòng khác để kiểm. Nhưng vì nhiều người phản đối, nghi ngờ tính không minh bạch, nên hòm phiếu được mở ngay tại chỗ.

Sau đó, ông Phong bắt loại bỏ ra 3 lá phiếu, nói rằng các lá phiếu này đánh dấu vào ô “cách chức” với tất thảy những người sai phạm là không hợp lệ.

Có 3 đại diện đã thẳng thắn nhận rằng đấy là lá phiếu của mình, và quyết liệt bảo vệ rằng phiếu hợp lệ. Rốt cuộc, kết quả bỏ phiếu đã bị huỷ bỏ, khiến buổi họp kiểm điểm đã không mang lại kết quả.

Được biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang nghiên cứu sắp xếp lại Tổng công ty Muối, mà một trong những giải pháp đang được Bộ cân nhắc là sáp nhập Tổng công ty Muối vào Tổng công ty Lương thực Miền Bắc.

5 sai phạm

Theo kết luận của thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sai phạm thứ nhất là mặc dù Bộ Tài chính đã có kiến nghị, nhưng Tổng công ty Muối dây dưa không thực hiện nộp lại ngân sách Nhà nước khoản tiền trợ cước, trợ giá hơn 2,36 tỷ đồng (tính đến năm 2003), như vậy là vi phạm điều 72 Luật Ngân sách.

Sau đó, ông Trần Xuân Chính (Phó tổng giám đốc) tham mưu cho cấp trên xử lý số tiền còn treo trên tài khoản 3388 với hơn 2,6 tỷ đồng bù trừ vào khoản nợ ngân sách Nhà nước (2.365.418.892 đồng), phần còn lại hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh năm 2006 (248.828.106 đồng) khi chưa có sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền (Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Như vậy là vi phạm Luật Kế toán.

Sai phạm thứ hai, năm 2005, Tổng công ty Muối xuất khẩu 6.200 tấn muối cho Công ty Lamond Development ở Đài Loan, trị giá 126.275 USD. Nhưng đến nay, phía đối tác là Công ty Lamond vẫn chưa thanh toán một đồng nào cho số lượng muối đã nhập, và họ còn nợ thêm 54,92 triệu đồng tiền phí trọng tài, nâng tổng số tiền mà Tổng công ty Muối bị mất trong thương vụ này lên hơn 1,9 tỷ đồng.

Sau khi có phán quyết của trọng tài quốc tế, vụ việc này xảy ra do lỗi của Công ty Lamond. Nhưng đến nay đã hơn 3 năm, Tổng công ty vẫn chưa xây dựng được phương án thu hồi công nợ cụ thể. Trách nhiệm trong vụ việc này thuộc về ông Phạm Năng Phong và các cán bộ có liên quan của phòng xuất nhập khẩu.

Sai phạm thứ ba là việc bán và chuyển nhượng khu đất và tài sản trên đất Quán Trữ (Hải Phòng), với những vi phạm: chuyển nhượng tài sản Nhà nước không đúng trình tự, thủ tục, vượt thẩm quyền của Tổng công ty Muối.

Cụ thể là, chuyển nhượng không báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài chính; không thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, không tổ chức thẩm định giá, đấu giá...

Như vậy là vi phạm quy chế tài chính, trong đó quy định tại khoản 3 điều 9 “tài sản Nhà nước trước khi nhượng bán phải được định giá, thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và tổ chức bán đấu giá công khai theo quy định của pháp luật”.

Sai phạm thứ tư là Văn phòng Tổng công ty Muối có Văn bản số 411/VP-TCTM về việc hỗ trợ kinh phí 141 triệu đồng thuê nhà ở cho ông Ngô Tấn Bán (Tổng giám đốc Tổng công ty Muối) và bà Đỗ Thị Nhỡ (Kế toán trưởng), hạch toán vào chi phí doanh nghiệp.

Như vậy là sai nguyên tắc, vì theo Quyết định 118/TTg ngày 27/11/1992 của Thủ tướng Chính phủ về giá cho thuê nhà ở và đưa tiền nhà ở vào tiền lương.

Từ tháng 2/2007 đến tháng 2/2008, Tổng công ty không ký hợp đồng thuê nhà, nhưng văn phòng Tổng công ty vẫn làm các thủ tục thanh toán tiền thuê.

Sai phạm thứ năm là sử dụng trái phép tiền bán muối dự trữ quốc gia, với số tiền 1.973.019.726 đồng. Tổng công ty Muối đã nhiều lần rút tiền dự trữ quốc gia để trả nợ và chi tiêu khi chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đây là hành vi vi phạm Pháp lệnh Dự trữ Quốc gia.