19:14 24/12/2016

Đằng sau 15.000 tỷ vốn nhà nước trong 5 lĩnh vực nhạy cảm

Kiều Châu

Đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp thẳng thắn nói những gì thoái được thì thoái rồi, còn lại hoặc là tồn đọng hoặc có thể mất

Hiện các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tiếp tục đẩy mạnh thoái vốn ngoài ngành.
Hiện các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tiếp tục đẩy mạnh thoái vốn ngoài ngành.
Theo báo cáo của Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2011 - 2015, Bộ đã hoàn thành các cơ chế chính sách về quản lý tài chính doanh nghiệp và sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, tạo điều kiện để doanh nghiệp hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp, thoái vốn đầu tư ngoài ngành.

Việc thoái vốn ngoài ngành giúp doanh nghiệp có vốn tập trung đầu tư vào lĩnh vực, ngành kinh doanh chính, tránh đầu tư dàn trải, hạn chế thất thoát vốn và tài sản nhà nước.

Thoái vốn tại 5 lĩnh vực nhạy cảm vẫn chậm

Trong giai đoạn này, Bộ Tài chính đã sắp xếp được 588 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa được 508 doanh nghiệp và sắp xếp theo các hình thức khác 80 doanh nghiệp. Tổng giá trị thực tế doanh nghiệp của 508 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa là 760.774 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 188.274 tỷ đồng.

Kết quả thoái vốn Nhà nước giai đoạn 2011-2016 của 5 lĩnh vực nhạy cảm gồm bất động sản, chứng khoán, tài chính - ngân hàng, bảo hiểm và quỹ đầu tư vẫn rất chậm chạp.

Theo đó, trong 6 năm, tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đã thoái hơn 11.500 tỷ đồng vốn đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm nêu trên. Tuy nhiên, số tiền thu về lại thấp hơn giá trị đã đầu tư, chỉ 11.192 tỷ đồng.

Nguyên nhân mất vốn chủ yếu do khoản đầu tư của Tập đoàn Dầu khí vào Oceanbank trị giá 800 tỷ đồng và Tổng công ty Lương thực miền Nam vào Ngân hàng Xây dựng là 1,3 tỷ đồng.

Sau khi hai nhà băng này được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng, các khoản đầu tư trên được hạch toán bằng 0 đồng. Bên cạnh đó, khoản đầu tư 100,6 tỷ của Tổng công ty Thanh Lễ thoái tại khu biệt thự vườn Chánh Mỹ trong năm nay cũng chỉ thu về 18,3 tỷ đồng.

Trao đổi với báo giới, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp khẳng định, trách nhiệm thất thoát vốn thuộc về người đứng đầu các đơn vị trên. Chủ tịch của Oceanbank và Tập đoàn Dầu khí liên đới đã bị bắt còn tại Vinafood 2, cơ quan chức năng đang điều tra.

Ông Tiến chia sẻ, một trong những chiến lược đầu tư trên thị trường chứng khoán mà rất nhiều nhà đầu tư quen thuộc đó là bỏ trứng vào nhiều giỏ, bớt rủi ro khi một lĩnh vực xảy ra biến cố. Tuy nhiên, năm 2009, Bộ Tài chính đã hạn chế đầu tư ngoài ngành, cũng từ đó, việc thoái vốn ngoài ngành tập trung vào lĩnh vực chính được đẩy mạnh song công cuộc thoái vốn vẫn còn nhiều bất lợi.

Ông Tiến thừa nhận, ngoài 11.500 tỷ đồng thoái được vốn trong 5 lĩnh vực nhạy cảm, số còn lại rất khó để thoái vốn.

"Nguyên nhân phải nói thẳng là những gì thoái được thì thoái rồi, những gì còn lại hoặc là tồn đọng hoặc có thể mất. Do đó, vấn đề xử lý trách nhiệm cũng sẽ được làm rõ", ông nói.

Theo thống kê, đến cuối năm 2015, số vốn nhà nước đầu tư trong 5 lĩnh vực nhạy cảm còn tồn đọng là 15.600 tỷ đồng. Trong 11 tháng năm nay, Bộ Tài chính thoái được thêm 450 tỷ đồng. Như vậy, số vốn tồn đọng chưa thoái được khoảng 15.000 tỷ đồng.

Năm 2016 thu về 6.840 tỷ từ thoái vốn

Trong năm 2016, đã có 56 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa. Tổng giá trị thực tế của 56 doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa là 34.017 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 24.390 tỷ đồng. Năm 2016, các đơn vị đã thoái được 3.646 tỷ đồng, thu về 6.840 tỷ đồng.

Để tiếp tục triển khai đề án tái cơ cấu doanh nghiệp trong giai đoạn 2016-2020, Bộ Tài chính đã đưa ra những giải pháp để đẩy mạnh tái cơ cấu như nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, giám sát khối doanh nghiệp nhà nước.

Ông Tiến cho biết, cần phải đẩy nhanh việc minh bạch, công khai hóa thông tin về hoạt động, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát đối với hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Đối với các lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước có trách nhiệm thực hiện phương án sắp xếp cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp đã được phê duyệt.

Đây là nhiệm vụ quan trọng cần tập trung chỉ đạo hoàn thành theo đúng đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt, ông Tiến nói.

Để đáp ứng yêu cầu cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn tới, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo Nghị định thay thế các Nghị định số 59 năm 2011, Nghị định số 189 và Nghị định số 116 về việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược điều chỉnh theo hướng quy định rõ trách nhiệm bồi thường khi vi phạm các cam kết của nhà đầu tư chiến lược phải được thể hiện trong cam kết bằng văn bản của người có thẩm quyền.

Về chi phí thực hiện cổ phần hóa, sửa đổi theo hướng giao cơ quan đại diện chủ sở hữu căn cứ quy mô và tình hình thực tế của doanh nghiệp cổ phần hóa để quyết định mức chi cho phù hợp. Đồng thời, sẽ xử lý nghiêm đối với lãnh đạo doanh nghiệp không thực hiện hoặc không thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu và nhiệm vụ được giao trong việc quản lý điều hành doanh nghiệp.

Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết sẽ cử các nhóm cán bộ tư vấn giúp cho doanh nghiệp triển khai tái cơ cấu cổ phần hóa doanh nghiệp đảm bảo chất lượng, hiệu quả trong việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.