10:52 08/06/2017

Đánh thức mỏ sắt 35 tỷ USD: “Tác động môi trường là khó tránh khỏi"

Bạch Dương

Bộ Công Thương còn yêu cầu phía chủ đầu tư khẩn trương lo đầy đủ thủ tục đầu tư sớm để triển khai dự án

Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) là chủ đầu tư dự án, vốn đầu tư lên tới 14.517 tỷ đồng. Tổng diện tích đất sử dụng lên tới 4.821 ha.<br>
Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) là chủ đầu tư dự án, vốn đầu tư lên tới 14.517 tỷ đồng. Tổng diện tích đất sử dụng lên tới 4.821 ha.<br>
Bộ Công Thương vừa có văn bản thông báo kết quả thẩm định thiết kế kỹ thuật của Dự án đầu tư, khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê. Đây hiện là mỏ sắt lớn nhất khu vực Đông Nam Á, được định giá khoảng 35 tỷ USD, nhưng vẫn “ngủ say” nhiều năm nay.

Dự án qua “vòng thẩm định” của Bộ Công Thương

Theo văn bản, Bộ Công Thương cho biết thiết kế kỹ thuật của dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê, Hà Tĩnh đủ điều kiện để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Qua vòng thẩm định, Bộ Công Thương cũng kiến nghị chủ đầu tư dự án hoàn thiện thiết kế kỹ thuật, tổ chức thẩm định dự toán xây dựng công trình, báo cáo kết quả thực hiện và nộp hồ sơ thiết kế kỹ thuật và dự toán cho Bộ để theo dõi, quản lý.

Đồng thời, Bộ Công Thương còn yêu cầu phía chủ đầu tư khẩn trương lo đầy đủ thủ tục đầu tư sớm để triển khai dự án.

Trong quá trình bắt đầu khai thác giai đoạn 1 (đến hết năm thứ 7) chủ đầu tư phải bổ sung, cập nhật các tài liệu về địa chất, thuỷ văn, địa chất công trình, các nghiên cứu sâu, thiết kế kỹ thuật phù hợp nhằm đảm bảo an toàn, hiệu quả trong quá trình khai thác.

Về vấn đề môi trường, Bộ Công Thương nhận định, dự án Thạch Khê là dự án khai thác mỏ lộ thiên có quy mô lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam, khai thác ở độ sâu lớn, có bán kính vùng ảnh hưởng rộng nên các tác động môi trường là điều khó tránh khỏi.

“Vấn đề tác động lớn đến môi trường của quá trình khai thác mỏ cũng nhận được nhiều ý kiến của Hội đồng thẩm định và đơn vị tư vấn CBM đã thẩm tra các giải pháp và đánh giá. Chủ đầu tư đã tiếp nhận và tiếp thu, giải trình trong nhiều cuộc họp. Các vấn đề tác động môi trường và các giải pháp giảm thiểu đã được đề cập đầy đủ trong thiết kế kỹ thuật”, Bộ Công Thương nêu.

Bộ này cũng yêu cầu TIC thực hiện nghiêm các biện pháp môi trường theo đúng đề án cải tạo phục hồi môi trường đã thông qua năm 2013. Trong quá trình khai thác, chủ đầu tư phải phối hợp với cơ quan chức năng, cập nhật các yếu tố cực đoan như biến đổi khí hậu, sóng thần, động đất, nước biển dâng…để có giải pháp kịp thời cho người và thiết bị.

Đối với các công trình tuyến đê lấn biển, chủ đầu tư cần thuê đơn vị có năng lực chuyên môn để thẩm tra thiết kế kỹ thuật và dự toán xây dựng công trình, tuân thủ pháp luật về xây dựng để đảm bảo chất lượng và báo cáo Bộ Công Thương kết quả.

Dự án sẽ xây dựng bãi thải lấn biển


Theo báo cáo của TIC, công ty chọn phương án bãi thải lấn biển. Theo đó, công tác vận tải cát ra bãi thải lấn biển được thực hiện bằng ôtô hay băng tải.

Chủ đầu tư dự án cũng điều chỉnh phương án đổ thải lấn biển nâng lên diện tích 923ha, độ cao 25m, chuyển toàn bộ cát trong tầng đất phủ ra bãi thải lấn biển.

Việc đổ thải lấn biển được chủ đầu tư cho rằng sẽ giảm nguy cơ rủi ro, chống nạn cát bay trong quá trình khai thác mỏ, đồng thời có khu đất để xây dựng cảng phục vụ cho quá trình vận chuyển quặng sắt tiêu thụ.

Về việc xử lý nước thải ra môi trường, chủ đầu tư cho biết nước thải ra môi trường gồm nước mặt và nước ngầm bơm từ moong khai thác, lỗ khoan, hạ mực nước, nước thải sinh hoạt của cán bộ, công nhân khu mỏ.

Đặc biệt, nước mưa có hàm lượng axit, khi mưa có thể tác động tới quặng sắt lộ thiên tạo ra oxit sắt, gây ô nhiễm. Do đó, dự án xây dựng hệ thống gom nước mưa sau đó bơm ra ngoài. Các loại nước thải chứ quặng sulfua cũng sẽ được thu gom và xử lý ngay dưới chân bãi thải.

Ngoài ra TIC cũng sẽ phải đối mặt và phải có giải pháp với loạt các vấn đề môi trường như xâm ngập mặn, hạ mực nước ngầm, sụt lún và sạt lở bờ mỏ trong quá trình khai thác, nạn cát bay, cát chảy,...

“Hiện TIC đang làm thủ tục đầu tư lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động kết nối với cơ quan quản lý nhà nước của Hà Tĩnh để phối hợp theo dõi, giám sát quá trình xả thải, phát hiện và có phương án xử lý kịp thời”, văn bản nêu.

Trước đó, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã đề xuất tiếp tục dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê, Hà Tĩnh lên Chính phủ.

Để có cơ sở phê duyệt, Văn phòng Chính phủ đã giao cho Bộ kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với UBND Hà Tĩnh rà soát, đánh giá toàn diện về hiệu quả dự án, phương án tiêu htuj sản phẩm, thị trường, các tác động về xã hội để bảo đảm triển khai dự án, góp phần phát triển bền vững.