22:01 30/10/2011

Đề nghị kiểm toán nợ nước ngoài của doanh nghiệp nhà nước

Nguyên Hà

Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã đề nghị Kiểm toán Nhà nước kiểm toán phần vay nợ nước ngoài của doanh nghiệp nhà nước

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Đinh Văn Nhã: Quan trọng là phải cơ cấu lại căn bản cơ cấu chi ngân sách Trung ương - Ảnh: Hải Hà.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Đinh Văn Nhã: Quan trọng là phải cơ cấu lại căn bản cơ cấu chi ngân sách Trung ương - Ảnh: Hải Hà.
Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã đề nghị Kiểm toán Nhà nước kiểm toán phần vay nợ nước ngoài của doanh nghiệp nhà nước.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Đinh Văn Nhã cho biết thông tin này, khi nợ công đang là vấn đề được bàn thảo nhiều chiều tại diễn đàn Quốc hội mấy ngày cuối tuần qua.

Báo cáo còn đại khái

Thưa ông, có thể dựa vào tiêu chí nào để đánh giá hiệu quả của nguồn vốn vay, trong khi trên diễn đàn Quốc hội vẫn có không ít đại biểu nói rằng đầu tư công còn nhiều thất thoát lãng phí?

Đấy là do đại biểu không đủ thông tin.

Nếu vậy thì trong báo cáo thẩm tra về ngân sách của Ủy ban phải chăng nên cung cấp đủ thông tin giúp cho đại biểu có đủ cơ sở để đưa ra đánh giá?

Bộ Tài chính ở hội nghị quốc tế đã báo cáo rất rõ, hiệu quả hay không mình phải xem cơ cấu vay về thì sử dụng vào đâu, sử dụng vào những công trình nào.

Những cái nào thuộc về ngân sách thì phải cơ cấu trả hàng năm, những khoản nào vay về rồi cho vay lại mà thu hồi được thì đa số phần cho vay lại chuyển qua cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam vay. Mà phần lớn là cho ngành điện vay, quản lý qua quỹ tích lũy trả nợ.

Cái hay là mình vay về cho vay lại vẫn tính lãi suất chứ các nước không tính chuyện ấy, tức là mình thương mại hóa khoản nợ của mình đi, giảm khoản trả nợ từ ngân sách. Ngày xưa không có như vậy, mình cứ quẳng vào những lĩnh vực mà không biết có thu hồi được không, ví như mía đường chẳng hạn.

Nếu chỉ thế thì cũng khó để đại biểu hoàn toàn yên tâm, thưa ông. Hơn nữa, tại báo cáo thẩm tra nhiều kỳ họp vừa qua thì Ủy ban vẫn luôn đưa ra khá nhiều đề nghị với Chính phủ trong vấn đề nợ công, trong đó có cả việc cung cấp thông tin?

Cái đấy không phải là đề nghị bên ngoài mà hiện đã ghi trong Luật Quản lý nợ công rồi. Theo luật thì hàng năm Chính phủ phải báo cáo xem tổng vay nợ trên GDP bao nhiêu, trả nợ hàng năm so với ngân sách là bao nhiêu, rồi trả nợ năm sau so với tổng kim ngạch xuất khẩu là bao nhiêu mà gắn với chỉ tiêu an toàn.
 
Đúng ra là luật quản lý nợ công quy định Chính phủ phải báo cáo như vậy nhưng Chính phủ báo cáo còn đại khái. Chưa có một tiêu chí rõ ràng để đánh giá.

Hy vọng điều đó sẽ được khắc phục khi có chiến lược quản lý nợ công. Hiện Bộ trưởng Bộ Tài chính nói đang trình Chính phủ chiến lược này, nhưng bên Ủy ban cũng chưa được tiếp cận.

Đã đề nghị kiểm toán một số tập đoàn lớn

Như ông nói thì nợ công bây giờ đã được sử dụng hiệu quả hơn, có con số nào để định lượng được không?

Cái đó phải xem vào từng dự án cụ thể, mình không nói chung chung được. Hiệu quả thể hiện ở chỗ mình luôn luôn cân đối ngân sách trả nợ mỗi năm khoảng 12%, trả được nợ là quản lý có hiệu quả. Còn sử dụng hiệu quả hay không phải gắn với việc vay về anh sử dụng cho dự án hàng năm và trả nợ thế nào. Có những doanh nghiệp nào người ta không trả được nợ không, cái đó phải có thông số hết sức cụ thể.

 Vậy Ủy ban có giám sát được những nội dung này không, thưa ông?

Mình không có điều kiện làm cụ thể như vậy. Điều đó chỉ có thể làm được khi mình làm một chương trình giám sát về nợ công quy mô. Ủy ban đang dự định sang năm làm song khả năng chưa thể làm được ngay. Nhưng hôm trước họp với kiểm toán Nhà nước, Ủy ban đang đề nghị kiểm toán Nhà nước năm sau kiểm toán phần vay nợ nước ngoài của doanh nghiệp.

Trong nợ ODA của Chính phủ vay thì cách quản lý hiện nay không vấn đề gì nhưng mình lo là doanh nghiệp vay nước ngoài, có những cái Chính phủ bảo lãnh, nhưng bên cạnh đó cái mà thẩm quyền của chủ tịch hội đồng quản trị bảo lãnh cho doanh nghiệp trực thuộc vay là không ít.
 
Trao đổi với VnEconomy vào cuối năm ngoái, Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển cũng đã nói  các khoản nợ riêng của doanh nghiệp, không do Chính phủ bảo lãnh thì không quán xuyến được. Vậy đến bây giờ thì đã quán xuyến được chưa, thưa ông?

Thì đó là cái mà hiện nay chưa có một cơ quan nào tập trung đi sâu kiểm tra giám sát được. Chúng tôi đang đề nghị sang năm kiểm toán Nhà nước làm chương trình kiểm toán vay nợ nước ngoài của doanh nghiệp, trước hết sẽ khoanh lại ở các tập đoàn, Tổng công ty lớn. Xem lâu nay người ta vay về sử dụng như thế nào.

Vậy Kiểm toán Nhà nước đã đồng ý đưa vào kế hoạch chưa?

Họ nói sẽ nghiên cứu. Nhưng mà họ cũng sẽ không thể làm được hết các tập đoàn, tổng công ty mà khi  kiểm toán tập đoàn nào, tổng công ty nào thì họ sẽ chú trọng chỉ tiêu đó.

Thế tại sao Ủy ban Tài chính - Ngân sách không chủ động đưa nội dung đó vào kế hoạch giám sát năm sau của chính mình?

Do chúng tôi muốn chú trọng giám sát một số chuyên đề khác. Như giám sát quỹ ngoài ngân sách và quản lý, sử dụng xổ số kiến thiết để phục vụ cho việc sửa Luật Ngân sách sắp tới đảm bảo ngân sách phải bao quát đầy đủ toàn diện về ngân sách Nhà nước, vì hiện nay nhiều cái để ngoài ngân sách, mới chỉ ghi thu ghi chi.

Với tư cách cá nhân một đại biểu Quốc hội thì ông có thấy yên tâm về nợ công?

Theo quan điểm của tôi thì nợ công và kể cả tỷ trọng tổng vốn đầu tư xã hội so với GDP hàng nếu mình sử dụng có hiệu quả tốt, 5 năm tới đổi mới quản lý để không có thất thoát lãng phí thì quan trọng hơn là cắt giảm. Trong lúc ta thấy chưa thể đổi mới và nâng cao hiệu quả hơn thì ta phải cắt giảm. Chứ còn đối với Việt Nam, nhu cầu vốn đầu tư còn rất lớn. Nhiều cái ta vẫn phải đầu tư mở rộng, như là đầu tư nông nghiệp, nông thôn.

Ngay như bài toán tái cấu trúc lại nền kinh tế, nhất là tái cơ cấu lại khu vực doanh nghiệp Nhà nước thì có phải cơ cấu là giảm vốn đâu mà cơ cấu đôi khi cần lượng tiền tái cơ cấu nhiều hơn để đảm bảo hiệu quả.

 Nhưng đặt vấn đề nếu không thất thoát lãng phí thì đảm bảo an toàn như ông nói liệu có khả thi không khi mà báo cáo thẩm tra của Ủy ban năm nào cũng chỉ ra không ít những thất thoát lãng phí trong chi tiêu, nhất là đầu tư công?

Thực ra cái thất thoát là một vấn đề riêng, là do cơ chế quản lý, tham nhũng… các nước đều mắc cái đó. Còn lãng phí hay không thì phải tính vì hiện nay ta chưa quản lý chi gắn với đầu ra, nếu làm được như vậy thì mới tính cụ thể được có lãng phí hay không.
 
Nhưng rõ ràng trong các báo cáo thẩm tra về ngân sách, tiết kiệm chống lãng phí, Ủy ban đã nói rõ đề nghị Chính phủ làm rõ trách nhiệm của việc có tới333 dự án được khởi công mới sai đối tượng, không thuộc danh mục sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ. Tình trạng quyết định triển khai quá nhiều dự án, công trình với tổng mức đầu tư lớn trong điều kiện nguồn ngân sách có hạn, dẫn đến phải chuyển nguồn tiếp, kéo dài thời gian thi công không chỉ gây lãng phí lớn mà còn gây áp lực đối với cân đối ngân sách trong những năm tới.

Hiện nay nếu mà nói về chấp hành pháp luật thì hơn 300 dự án ngoài danh mục sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ không nằm trong danh mục thì pháp lý là không đúng. Nhưng qua làm việc với các bộ thì các dự án đó thuộc lĩnh vực kiên cố hóa trường học. Có thể Chính phủ quyết định muộn song do ở địa phương bức xúc quá, làm trước rồi mới báo cáo lại. Tất nhiên nói về kỷ cương kỷ luật không hoàn toàn nghiêm.

Đảo ngược cơ cấu đầu tư

Tức là bên cạnh kỷ luật tài chính ở đây còn có vấn đề  về cách phân bổ vốn đầu tư, thưa ông?

Bây giờ Quốc hội đang bàn cơ cấu lại đầu tư công, trọng tâm đầu tư công là chi ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển. Theo tôi thì quan trọng là phải cơ cấu lại căn bản cơ cấu chi ngân sách Trung ương.

Hiện nay ngân sách Trung ương cứ có 100 đồng để chi đầu tư phát triển thì đã dành 67 đồng chi hỗ trợ cho các địa phương, Trung ương chỉ còn lại 33 đồng để đầu tư ra các công trình trọng điểm quốc gia. Cho nên bản thân các công trình trọng điểm quốc gia cũng được bố trí vốn rất nhỏ giọt, đôi khi nhiều công trình trọng điểm do khan hiếm nguồn vốn mà phải kéo dài hơn các công trình, dự án khác thuộc thẩm quyền các bộ, ngành, địa phương quản lý.

Vì vậy, cái rất quan trọng sắp tới là phải đảo ngược lại cơ cấu này, tức là 5 năm tới, Trung ương phải nắm trên 60% vốn đầu tư của ngân sách Trung ương hàng năm, vẫn tiếp tục dành gần 40% để hỗ trợ cho các tỉnh khó khăn về cơ sở hạ tầng, để tăng cường đầu tư các công trình trọng điểm quốc gia. Đồng thời, dành nguồn vốn lớn để sau này kết hợp làm các công trình hạ tầng công – tư kết hợp, nếu không làm được như vậy thì tắc nghẽn giao thông vẫn cứ tồn tại.

Nếu vậy thì tại sao Ủy ban không tham mưu để sớm có sự thay đổi này?

Có lẽ đến 2013 mới thực hiện được. Hiện nay vẫn phân bổ theo cách cũ, tức 67 đồng dành cho địa phương, 33 đồng cho trung ương.

Lý do nào mà đã nhìn thấy bất cập nhưng vẫn phải chờ đến 2013, thưa ông?

Cái này do các cơ quan tham mưu của Chính phủ người ta chậm, bây giờ không còn thời gian để thay đổi. Mà thay đổi cái đấy nó đòi hỏi thay đổi cả quan điểm của lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ với đồng thuận cao của lãnh đạo các cấp địa phương, bộ ngành.

Nếu không thay đổi được thì bài toán ngân sách Trung ương phải chỉ đạo trong điều tiết nhất là đầu tư phát triển rất khó vì hiện nay nguồn lực của ngân sách trung ương phân tán. Mà bây giờ ta cần là cần những cái cấp bách về dự án trọng điểm, đặc biệt là hạ tầng giao thông.