17:32 03/04/2007

Doanh nghiệp chưa “mặn mà” với trọng tài thương mại

Quỳnh Ngọc

Để giải quyết tranh chấp thương mại, hầu hết doanh nghiệp Việt Nam vẫn chọn toà án mà bỏ qua trọng tài thương mại

Tại hầu hết các nền kinh tế thị trường, khi có tranh chấp trong kinh doanh, các doanh nghiệp thường sử dụng phương pháp trọng tài để giải quyết
Tại hầu hết các nền kinh tế thị trường, khi có tranh chấp trong kinh doanh, các doanh nghiệp thường sử dụng phương pháp trọng tài để giải quyết
Để giải quyết tranh chấp thương mại, hầu hết doanh nghiệp Việt Nam vẫn chọn toà án mà bỏ qua trọng tài thương mại.

Toà án quá tải!

Theo ông Nguyễn Minh Chí, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), các tranh chấp thương mại hiện vẫn đang diễn ra với chiều hướng tăng dần về số lượng vụ việc, với nội dung ngày càng phức tạp, mức độ tranh chấp ngày càng quyết liệt khiến cho các cơ quan chức năng, cụ thể là toà án dường như luôn trong tình trạng “quá tải”.

Ông Phạm Tuấn Anh, Chánh toà án kinh tế Toà án Nhân dân Hà Nội, cho biết, trong hai năm trở lại đây, mỗi năm toà án Hà Nội thụ lý và giải quyết hơn 150 vụ. Theo ông, con số các vụ tranh chấp thương mại sẽ còn tiếp tục gia tăng khi các quan hệ kinh tế được mở rộng, đa dạng và phức tạp hơn.

Cụ thể, chỉ riêng trong 3 tháng đầu năm 2007 thôi, toà án kinh tế Hà Nội đã thụ lý khoảng 80 vụ. Với đà này, ông ước tính, năm nay, con số giải quyết các vụ tranh chấp thương mại có thể lên đến 200 vụ. Đó là ở Hà Nội, còn ở Tp.HCM, con số này có khả năng còn gấp 5 lần.

Trong khi đó, điều 1 của Nghị định 116/CP của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 5/9/1994 đã quy định rõ: Trọng tài thương mại có thẩm quyền giải quyết các vụ tranh chấp về hợp đồng kinh tế, tranh chấp giữa các công ty với các thành viên của công ty, giữa các thành viên của công ty với nhau, liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể công ty; tranh chấp các bên liên quan đến việc mua bán cổ phiếu, trái phiếu.

Cũng theo Pháp lệnh trọng tài thương mại có hiệu lực từ ngày 1/7/2003, phán quyết của trọng tài được nhà nước cưỡng chế thi hành như đối với các phán quyết của toà án.

Như vậy, khi xảy ra tranh chấp trong kinh doanh, doanh nghiệp có 2 phương pháp giải quyết: bằng tài phán là tòa án và trọng tài thương mại. Do vậy, theo ông Tuấn Anh, nhằm bảo vệ quyền lợi cho các đương sự, toà án và trọng tài thương mại cần có sự san sẻ gánh nặng cho nhau.

Nhiều ưu thế

Theo PGS. TS Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp), trên thế giới, đặc biệt tại hầu hết các nền kinh tế thị trường, khi có tranh chấp trong kinh doanh, các doanh nghiệp thường sử dụng phương pháp trọng tài để giải quyết.

Ông Huệ cho rằng, bởi vì tố tụng trọng tài có 5 ưu điểm mà các doanh nghiệp ưa thích, đảm bảo được những nguyên tắc trong kinh doanh. Thứ nhất, nguyên tắc xét xử của trọng tài thương mại là xét xử bí mật, nghĩa là không ai có quyền tham dự phiên họp xét xử nếu không được sự đồng ý của các bên. Với nguyên tắc này, các doanh nghiệp sẽ đảm bảo được bí mật kinh doanh cũng như uy tín của doanh nghiệp. Trong khi đó, với các toà án kinh tế, nguyên tắc xét xử là công khai.

Ngoài ra, giải quyết các tranh chấp thường “ngốn” của doanh nghiệp không ít thời gian và tiền của. Nói riêng về thời gian, trong khi ở các toà án kinh tế, mọi thủ tục, trình tự phải đúng và chặt chẽ qua nhiều cấp: sơ thẩm, phúc thẩm, tái thẩm, giám đốc thẩm… Trong khi đó, giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại chỉ xét xử một lần, thủ tục đơn giản, đảm bảo giải quyết nhanh, tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp. Thậm chí không cần phải mở phiên họp xét xử trực tiếp mà có thể giải quyết ngay trên cơ sở tài liệu, chứng cớ do các bên cung cấp, không cần sự có mặt của các bên liên quan.

Một điểm nữa khiến nhiều doanh nghiệp trên thế giới lựa chọn trọng tài thương mại là tính linh hoạt, đảm bảo tốt hơn quyền tự định đoạt của các bên. Nghĩa là các bên có quyền tự quyết định chọn hình thức tổ chức trọng tài cũng như trọng tài viên mà mình ưa thích; có quyền lựa chọn địa điểm, thời gian sao cho tiện với doanh nghiệp. Điều này ở toà án, đấy là công việc của thẩm phán và doanh nghiệp phải tuân theo.

Ngoài ra, một điểm nữa, theo ông Huệ, trong các vụ tranh chấp giữa các bên có quốc tịch khác nhau, thường xử lý thông qua trọng tài thương mại, đặc biệt là của một nước thứ ba để đảm bảo tính khách quan trong việc giải quyết. Bởi trọng tài thương mại không đại diện cho quyền lực nhà nước, độc lập trong xét xử và ra phán quyết, không có sự ràng buộc với các bên liên quan nào cả.

Điểm cuối cùng là, theo công ước New York năm 1958, những phán quyết của trọng tài thương mại được công nhận và cho thi hành ở nước ngoài. Trong khi đó, phán quyết của toà án chỉ có hiệu lực thi hành trong phạm vi quốc gia.

... nhưng thiếu trọng tài

Rõ ràng, với những ưu thế trên, trọng tài thương mại là một phương pháp giải quyết các tranh chấp có hiệu quả. Tuy nhiên trên thực tế, nếu so với toà án mỗi năm giải quyết hàng ngàn vụ tranh chấp thì xử lý thông qua trọng tài thương mại chỉ vỏn vẹn 30 vụ mỗi năm.

Tại sao lại có độ “vênh” quá lớn như vậy? Liệu có phải thực sự các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa quan tâm hay tin tưởng vào hình thức giải quyết này hay không?

Theo các chuyên gia pháp luật, thực tế nhiều doanh nghiệp không những không quan tâm mà còn hiểu “mơ hồ” và chủ quan về vấn đề này. Ngay từ khâu ký kết hợp đồng, nhiều doanh nghiệp không đề cập đến vấn đề giải quyết tranh chấp nếu xảy ra. Điều này, theo nhiều chuyên gia, do xuất phát từ lối kinh doanh cũ, nghĩa là tin tưởng nhau là chính và ít nghĩ đến các vấn đề xảy ra ngoài mong muốn.

Nhiều doanh nghiệp khi làm hợp đồng còn sai sót và không chặt chẽ khi ghi “nếu có tranh chấp thì sẽ nhờ công an giải quyết” hoặc “nhờ UBND”, chứng tỏ họ chỉ hiểu một cách nôm na, đại khái về trọng tài thương mại.

Trong khi đó, trọng tài thương mại chỉ “vào cuộc” được nếu như doanh nghiệp thoả thuận với nhau sẽ lựa chọn hình thức này và được ghi rõ trong hợp đồng. Nếu không, khi xảy ra tranh chấp, trọng tài không thể là gì được.

Tuy nhiên, nói như vậy, cũng không hoàn toàn “đổ lỗi” hết cho doanh nghiệp. Ông Huệ cho rằng, rõ ràng phải công nhận là hiện nay số lượng những người được công nhận là trọng tài thương mại ở nước ta vẫn còn ít, khoảng 180 người.

Theo ông, đây là một vấn đề mang tính khách quan. Trước đây, theo quy định cũ về trọng tài thương mại, điều kiện để trở thành trọng tài thương mại là có 8 năm liên tục làm công tác kinh tế và pháp luật. Với điều kiện bó hẹp như vậy, số lượng người đủ đáp ứng các tiêu chí trên rất ít. Thậm chí, nếu đáp ứng được các tiêu chí thì trong khi giải quyết các vụ việc lại không có chuyên môn liên quan. Vì trong tranh chấp thương mại, có rất nhiều vấn đề rộng lớn, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, đòi hỏi mỗi trọng tài phải có chuyên môn sâu về lĩnh vực đó mới giải quyết được.

Chính vì vậy, theo pháp lệnh trọng tài thương mại mới ban hành năm 2003, điều kiện này được giảm xuống còn 5 năm và mở rộng đối tượng ra các lĩnh vực chuyên môn khác.

Trong bối cảnh Việt Nam đã gia nhập WTO, cơ hội làm ăn với thế giới rất nhiều và chắc chắn một điều tranh chấp là không tránh khỏi. Để giải quyết vụ việc một cách nhanh chóng, doanh nghiệp cần có sự hiểu biết sâu về vấn đề này và quan trọng hơn là khi có tranh chấp xảy ra cần tìm đến tổ chức trọng tài nào để giải quyết, tránh những tổn thất quá lớn cho doanh nghiệp.