09:38 15/09/2008

Doanh nghiệp đang nghĩ gì về triển vọng nền kinh tế?

Thùy Trang

Kết quả cuộc điều tra về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp do VCCI vừa tiến hành

 Doanh nghiệp ngoài quốc doanh dẫn đầu về tỷ lệ các doanh nghiệp có ý định thu hẹp quy mô sản xuất, trong khi không một doanh nghiệp FDI nào trong diện được điều tra có kế hoạch thu hẹp sản xuất - Ảnh: Việt Tuấn.
Doanh nghiệp ngoài quốc doanh dẫn đầu về tỷ lệ các doanh nghiệp có ý định thu hẹp quy mô sản xuất, trong khi không một doanh nghiệp FDI nào trong diện được điều tra có kế hoạch thu hẹp sản xuất - Ảnh: Việt Tuấn.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng đa số các doanh nghiệp đều tỏ ra lạc quan vào triển vọng nền kinh tế Việt Nam trong những tháng cuối năm.

Đây là những kết quả bước đầu thu được từ cuộc điều tra nhanh về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp. 282 doanh nghiệp trên cả nước đã tham gia cuộc điều tra do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiến hành, nhằm tìm hiểu những tác động khó khăn của nền kinh tế nửa đầu năm 2008 đến doanh nghiệp.

Kết quả bất ngờ

50,7% doanh nghiệp khẳng định đạt doanh thu tốt hơn so với năm ngoái. 15,7% doanh nghiệp khẳng định là rất tốt. Và với tốc độ tăng trưởng doanh thu trung bình của các doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2008 là 10,9% so với mức 5,0% của năm 2007 thì tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2008 là tương đối khả quan.

Đây là kết quả khá bất ngờ có được từ cuộc điều tra.

Kết quả khảo sát của VCCI cho thấy gần một nửa số doanh nghiệp được hỏi, nhất là khối doanh nghiệp FDI đều trả lời họ lạc quan về triển vọng phát triển. Họ tin rằng với những "gói giải pháp" của Chính phủ, Việt Nam vẫn sẽ duy trì được tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Có đến 30,6% doanh nghiệp còn tỏ ra lạc quan hơn khi cho rằng nền kinh tế sẽ cải thiện hơn trong những tháng cuối năm và những năm tới.

Thậm chí, một bộ phận (3,7%) doanh nghiệp còn kỳ vọng vào một sự trỗi dậy ngoạn mục của nền kinh tế trong những tháng tới.

Kết quả điều tra cũng cho thấy có 41,3% doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh trong năm tới, 52,4% doanh nghiệp dự định giữ nguyên quy mô sản xuất kinh doanh như hiện nay và chỉ có 6,3% doanh nghiệp muốn thu hẹp sản xuất.

Doanh nghiệp ngoài quốc doanh dẫn đầu về tỷ lệ các doanh nghiệp có ý định thu hẹp quy mô sản xuất, trong khi không một doanh nghiệp FDI nào trong diện được điều tra có kế hoạch thu hẹp sản xuất. Trên 82% doanh nghiệp có vốn FDI đánh giá nền kinh tế Việt Nam là "ổn định và tăng trưởng", trong khi 65,4% doanh nghiệp ngoài quốc doanh và 71,8% doanh nghiệp nhà nước đồng tình với ý kiến này.

Vốn vẫn là bài toán khó

Tuy nhiên, tiếp cận nguồn vốn vẫn là vấn đề các doanh nghiệp "kêu" nhiều nhất. Việc lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại liên tục tăng cao trong 6 tháng đầu năm lên tới 21%/năm đã khiến 73,2% doanh nghiệp thường xuyên phàn nàn. Song nhóm doanh nghiệp chịu tác động lớn nhất từ việc lãi suất tăng cao được kết quả điều tra chỉ ra thuộc về khối doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do hạn chế về quy mô, các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường thiếu tài sản thế chấp và không chịu được mức lãi suất cao như hiện nay.

Khảo sát cũng cho thấy có đến 74,47% các doanh nghiệp coi ngân hàng là kênh huy động vốn chủ yếu của mình, sau đó mới là tiếp cận các quỹ đầu tư (14,89%). Trong khi đó, thị trường chứng khoán chỉ có 4,26% doanh nghiệp lựa chọn kênh này.

Theo nhận định của các chuyên gia,  số doanh nghiệp muốn vay vốn trong 6 tháng cuối năm chiếm tới 85,6% số doanh nghiệp được hỏi. Kết quả điều tra cũng chỉ ra khu vực doanh nghiệp trong nước có nhu cầu vay vốn mạnh hơn các doanh nghiệp FDI. Cụ thể doanh nghiệp ngoài quốc doanh chiếm 90,2%, doanh nghiệp nhà nước là 81,5% và doanh nghiệp FDI là 57,7%.

Doanh nghiệp nhà nước "kêu" nhiều hơn

Bên cạnh vấn đề vốn, những khó khăn gặp phải trong quá trình xuất khẩu cũng khiến không ít doanh nghiệp "đau đầu".

Nhiều doanh nghiệp trong diện điều tra cho rằng khó khăn chủ yếu mà họ đang phải đối mặt là sự gia tăng giá thành của các chi phí đầu vào của sản xuất kinh doanh. Có 84,09% doanh nghiệp thường xuyên phải đối đầu với việc gia tăng giá đầu vào, 61,47% doanh nghiệp gặp khó khăn trong vấn đề chi phí nhập khẩu nguyên liệu cao.

Điều đáng chú ý, trong hoạt động xuất khẩu, các doanh nghiệp nhà nước có mức độ đánh giá khó khăn trầm trọng hơn (91,3%), các doanh nghiệp ngoài quốc doanh cũng khá cao (81,2%), tỷ lệ này ở các doanh nghiệp FDI chỉ là 76,4%.

Việc các doanh nghiệp FDI ít kêu "khổ" hơn cho thấy phải chăng các doanh nghiệp FDI đã chủ động hơn trong đối phó với diễn biến xấu của thị trường? Doanh nghiệp ngoài quốc doanh có quy mô nhỏ nên vẫn luôn gặp khó khăn trong xuất khẩu, ngay cả trong điều kiện bình thường. Còn các doanh nghiệp nhà nước thì vấn đề khó khăn trong xuất khẩu phải chăng còn do những yếu tố nội tại của doanh nghiệp, chứ không chỉ đơn thuần từ những bất cập liên quan đến chính sách vĩ mô, hay vấn đề lạm phát?

97,2% doanh nghiệp được hỏi kiến nghị  cung cấp kịp  thời các thông tin dự báo về tình hình kinh tế và các chính sách. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đề nghị tăng tính thanh khoản cho thị trường tài chính, tiền tệ. Nhanh chóng hỗ trợ sự phục hồi của thị trường chứng khoán; không nên thắt chặt tín dụng mà nên giám sát chặt chẽ tín dụng; tiếp tục cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.

Theo các doanh nghiệp, việc tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng sẽ tạo nền móng và  điều kiện tốt hơn cho các doanh nghiệp phát triển. Việc điều tiết giá cả của các mặt hàng thiết yếu như thép, xăng dầu, than... cũng cần xem xét. Nhà nước cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp nhỏ và vừa và doanh nghiệp nhà nước chủ động hơn trong việc đối phó với những diễn biến phức tạp của thị trường. Đẩy mạnh các chính sách trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó có việc phát triển công nghiệp hỗ trợ, phát triển các nguồn nguyên liệu trong nước, hạn chế phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu vật tư nhập khẩu.