17:50 29/09/2016

Doanh nghiệp điện tử Việt như “lâu đài cát”

Khánh Linh

Ngành điện tử được ví như một “lâu đài cát” khi nó rất đẹp, đóng góp lớn cho nền kinh tế cả về số việc làm và ngoại tệ thu về, nhưng

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam, sản phẩm ngành điện tử là 
nguồn xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, chỉ đứng sau sản phẩm ngành may 
mặc.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam, sản phẩm ngành điện tử là nguồn xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, chỉ đứng sau sản phẩm ngành may mặc.
Ngành điện tử được ví như một “lâu đài cát” khi nó rất đẹp, đóng góp lớn cho nền kinh tế cả về số việc làm và ngoại tệ thu về nhưng đã là “lâu đài cát” thì nó cũng rất dễ đổ vỡ. Bởi sự thiếu bền vững khi số lượng phát triển nhưng không đi kèm với chất lượng…

Ví von này được ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra tại Đối thoại chính sách cấp cao về “Thúc đẩy việc làm tốt hơn, tăng cường tuân thủ pháp luật và tiêu chuẩn lao động của ngành điện tử Việt Nam trong bối cảnh TPP và các FTA”, do VCCI phối hợp với Tổ chức lao động Quốc tế (ILO) tổ chức ngày 29/9/2016.

Quy mô rất nhỏ

Theo ông Rene Robert, chuyên gia ILO Bangkok cho biết, số lượng công nhân trong ngành này tại Việt Nam đã tăng hơn 7 lần, từ 46.000 lao động năm 2005 lên hơn 325.000 năm 2013. Đây là ngành công nghiệp mà các doanh nghiệp FDI có đóng góp chủ đạo. 99/100 doanh nghiệp lớn nhất là các doanh nghiệp FDI, chỉ duy nhất một doanh nghiệp còn lại đứng thứ 100 là doanh nghiệp nhà nước.

“Lao động trong ngành này là lao động kỹ năng thấp, lắp ráp hàng loạt. Các doanh nghiệp FDI lựa chọn Việt Nam để đầu tư chủ yếu do nhân công rẻ và dồi dào. Đa phần lao động trong các doanh nghiệp điện tử là nữ và còn rất trẻ, chiếm gần 80%”, ông Rene Robert nói.

Ngược lại với quy mô của doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp điện tử trong nước có quy mô rất nhỏ, trung bình chỉ 24 nhân công so với con số gần 630 nhân công ở các doanh nghiệp FDI, chiếm khoảng 4% tổng số việc làm trong ngành này. Đồng thời, các doanh nghiệp điện tử trong nước cũng thiếu sự hội nhập với thế giới hơn so với doanh nghiệp FDI nên hiệu quả kinh tế bị giới hạn.

Chia sẻ vấn đề này, ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho hay, các doanh nghiệp FDI vào nước ta chỉ sử dụng lao động giá rẻ, trình độ thấp, lắp ráp là chủ yếu, ngay cả Samsung cũng vậy. Đây là công đoạn thấp nhất trong chuỗi giá trị của ngành điện tử trên thế giới.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, ngành điện tử có sự phát triển về số lượng nhưng lại không đi kèm với chất lượng. Điều này được biểu hiện qua những đặc điểm như đây là ngành gia công, lắp ráp; thế độc chiếm của doanh nghiệp FDI; lao động tay nghề thấp, chủ yếu sử dụng lao động nữ và trẻ; không có khả năng kết nối giữa doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp FDI…

Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam để phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt may, giày dép, điện tử… Tuy nhiên, gần đây có một số dự báo về tình trạng mất việc làm trong ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động tại các nước đang phát triển với tác động của cuộc cách mạng công nghiệp mới, đó là thay đổi quy trình, công nghệ sản xuất, logistics, phương thức phân phối.

Đặc biệt là sự tham gia của người máy vào trong quá trình thao tác lắp ráp đơn giản vì chi phí người máy đang rẻ.
 
“Có thể nói, nền công nghiệp sử dụng nhiều lao động của Việt Nam đang đứng trước thách thức to lớn, vừa cạnh tranh đối với người máy và cả các nước có lao động rẻ hơn như Campuchia, Myanmar…gây ra tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”, và ngành điện tử cũng không nằm ngoài thách thức này”, ông Lộc nhấn mạnh.

Cần trực tiếp đối thoại

Trước thực trạng trên, các đại biểu cho rằng các ngành chức năng Việt Nam cần có chính sách riêng hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo điều kiện để doanh nghiệp có đơn hàng thường xuyên, ổn định.

Doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, có lợi nhuận thì mới thúc đẩy việc tạo ra việc làm mới và cải thiện môi trường làm việc của người lao động. Bên cạnh đó, đẩy mạnh liên kết dạy nghề giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp cũng là giải pháp được nhiều đại biểu đề cập nhằm nâng cao chất lượng lao động.

Ông Rene Robert nhấn mạnh, đã đến lúc các doanh nghiệp Việt Nam cần nhìn xa hơn về chiến lược sử dụng lao động, coi điều kiện lao động tốt là yếu tố giúp gia tăng cạnh tranh và đem lại lợi nhuận.

Cùng đó, thanh tra lao động Việt Nam cần xây dựng bộ công cụ đánh giá việc tuân thủ pháp luật lao động dành riêng cho ngành điện tử. Đồng thời có cơ chế, chế tài yêu cầu các doanh nghiệp thực thi tốt pháp luật lao động để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho công nhân.

Quan trọng nhất, doanh nghiệp, người lao động, các cơ quan liên quan cần trực tiếp đối thoại để tìm ra giải pháp tốt nhất cho việc phát triển doanh nghiệp và nâng cao chất lượng môi trường làm việc cho người lao động.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam, sản phẩm ngành điện tử là nguồn xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, chỉ đứng sau sản phẩm ngành may mặc.

Giai đoạn từ năm 2005 đến nay, số lượng công nhân tham gia ngành điện tử tăng rất nhanh, từ 46.000 công nhân (năm 2005) lên 327.000 công nhân (2013). Trong thời gian tới, điện tử vẫn được xác định là một trong những ngành xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam.