10:38 18/01/2013

Doanh nghiệp gặp khó, tỉnh thành hụt thu

Anh Minh

Lãnh đạo cục thuế nhiều địa phương nhìn nhận tình hình khó khăn sẽ tiếp tục kéo dài trong năm 2013

Tại Vĩnh Phúc, tỉnh vẫn dựa nhiều vào nguồn thu từ các doanh nghiệp 
FDI, trong đó có hai "đại gia" là Toyota và Honda, trong bối cảnh các 
doanh nghiệp này đều gặp khó khăn.
Tại Vĩnh Phúc, tỉnh vẫn dựa nhiều vào nguồn thu từ các doanh nghiệp FDI, trong đó có hai "đại gia" là Toyota và Honda, trong bối cảnh các doanh nghiệp này đều gặp khó khăn.
Nhiều tỉnh thành đã hụt nguồn thu ngân sách, do kết quả của các doanh nghiệp hàng đầu không như mong đợi và tình trạng này dự kiến sẽ tiếp tục trong năm 2013.

Tại Hải Phòng, nguồn thuế từ khu vực doanh nghiệp có vốn FDI đã giảm 160 tỷ đồng. Mặc dù nguồn thu từ khu vực này tăng 17,5% so cùng kỳ, tuy nhiên vẫn không đáp ứng được yêu cầu tốc độ tăng thu được giao kế hoạch là 27,6%.

Nguồn thu từ các doanh nghiệp FDI tại Hải Phòng chủ yếu tập trung ở một số doanh nghiệp ngành xi măng, sắt thép, nhưng do tình hình tiêu thụ khó khăn nên nguồn thu đã giảm mạnh. Chẳng hạn, Công ty Thép Vinausteel có sản lượng tiêu thụ bằng 80% so cùng kỳ, Posco bằng 77% cùng kỳ, Thép Úc SSE bằng 93% so cùng kỳ; Công ty Liên doanh Du lịch Quốc tế Hải Phòng có doanh thu năm 2012 ước chỉ bằng 53% so cùng kỳ...

Ở khu vực ngoài quốc doanh tại Hải Phòng, nguồn thu năm 2012 ước giảm 200 tỷ đồng trong khi yêu cầu tốc độ tăng thu được giao dự toán của khu vực này là 33,2%. Nguyên nhân là do nhiều doanh nghiệp thiếu vốn, chi phí lãi vay ngân hàng cao, hoạt động kém dẫn đến tình trạng đứng trên bờ vực phá sản như trường hợp Công ty TNHH Vận tải Hoàng Đạt, Công ty TNHH Thái Sơn…

Khối doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sắt hoạt động cầm chừng, nộp thuế giảm như trường hợp Công ty Thép Đình Vũ giảm 24,8 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Sản xuất và Kinh doanh kim khí giảm 9,5 tỷ đồng.

Tại Vĩnh Phúc, tỉnh vẫn dựa nhiều vào nguồn thu từ các doanh nghiệp FDI, trong đó có hai "đại gia" là Toyota và Honda, trong bối cảnh các doanh nghiệp này đều gặp khó khăn.

Năm 2012, Trung ương giao dự toán thu ngân sách Nhà nước cho Vĩnh Phúc là 12.600 tỷ đồng và Tổng cục Thuế giao chỉ tiêu phấn đấu thu ngân sách là 13.240 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả thu nội địa năm 2012 trên địa bàn tỉnh ước đạt 9.750 tỷ đồng bằng 77,4% dự toán pháp lệnh, bằng 73,6% so với dự toán phấn đấu Tổng cục Thuế giao và bằng 85,5% so với thực hiện cùng kỳ.

Theo số liệu về tình hình tiêu thụ ôtô năm 2012, tổng số ôtô bán ra của Toyota Việt Nam và Honda Việt Nam là 25.337 xe, giảm 6.559 xe so với cùng kỳ và giảm 13.163 xe so với kế hoạch Trung ương giao, tương ứng với số thuế giảm 1.800 tỷ so với cùng kỳ và 3.560 tỷ đồng so với kế hoạch.

Theo Cục Thuế Vĩnh Phúc, “đây là con số giảm lớn nhất so với cùng kỳ từ trước đến nay”.

Tại Khánh Hòa, "đại gia" Hyundai Vinashin lâu nay vẫn đóng vai trò một đơn vị có nguồn nộp thuế lớn cho ngân sách. Tuy nhiên, trong năm 2012, việc công ty này kinh doanh không có lãi và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài có hơn 1/4 doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ đã làm giảm thu nghiêm trọng, chỉ đạt hơn 226 tỷ đồng, hụt thu hơn 153 tỷ đồng so với dự toán.

Hyundai Vinashin đã phải chịu cảnh chi phí đầu vào tăng cao, các hợp đồng đã ký trước đây không thể thay đổi được giá cả đã thoả thuận ban đầu trong khi công ty không ký được hợp đồng mới, dẫn tới sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ và công ty đã phải cắt giảm hàng loạt lao động.

Lãnh đạo cục thuế nhiều địa phương, trong các báo cáo công tác gửi về Tổng cục Thuế, nhìn nhận tình hình khó khăn sẽ tiếp tục kéo dài trong năm 2013, bắt nguồn từ việc nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ tiếp tục gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Chính vì vậy, mục tiêu tăng thu của Tổng cục Thuế trong năm 2013 như VnEconomy đã đề cập chắc chắn sẽ gặp phải thử thách đáng kể.