08:29 17/07/2008

“Doanh nghiệp sẽ bớt khổ vì thủ tục hành chính”

Từ Nguyên - Mạnh Chung

Ngày 16/7, Hội đồng Tư vấn về cải cách thủ tục hành chính cho Thủ tướng đã chính thức ra mắt

"Tôi tin rằng, không phải ngay tức thì nhưng "căn bệnh" cố hữu giành lợit hế của cơ quan công quyền sẽ được chữa khỏi trong thời gian tới."
"Tôi tin rằng, không phải ngay tức thì nhưng "căn bệnh" cố hữu giành lợit hế của cơ quan công quyền sẽ được chữa khỏi trong thời gian tới."
Ngày 16/7, Hội đồng Tư vấn về cải cách thủ tục hành chính cho Thủ tướng đã chính thức ra mắt.

Điều này được kỳ vọng sẽ giúp tạo nên một cuộc “cách mạng” trong lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là những thủ tục liên quan đến lĩnh vực kinh tế và đầu tư nước ngoài.

Nhân dịp này, VnEconomy đã có cuộc trao đổi với TS. Trần Du Lịch, Viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM, thành viên Hội đồng Tư vấn.

Xin ông cho biết vai trò và ý nghĩa của Hội đồng?


Đây là hội đồng với sự tập hợp của chuyên gia trong nhiêu lĩnh vực, đặc biệt là đại diện của các hiệp hội, các nhà doanh nghiệp có uy tín để đóng góp ý kiến và đề xuất, hiến kế cho Thủ tướng trong vấn đề tiếp tục đổi mới, cải cách hành chính.

Thành viên Hội đồng hầu hết là những người có kinh nghiệp, lăn lộn với thực tiễn chứ không phải là những quan chức, công quyền nên chắc chắn sẽ hiểu và nắm chắc những khó khăn của cá nhân,cộng đồng doanh nghiệp trong vẫn đề thủ tục hành chính.

Đây là một sự đổi mới có ý nghĩa thực sự đối với tiến trình cải cách hành chính bởi tiếng nói của chính những người trong hội đồng cũng chính là những kiến nghị xác đáng mà đối tượng của cải cách thủ tục hành chính hướng tới mà bấy lâu nay chúng ta chưa làm được.

Vậy, những lợi ích nào mà cộng đồng doanh nghiệp sẽ được hưởng sau sự ra đời của Hội đồng, thưa ông?


Cũng chính do thành viên Hội đồng là những đại diện của các hiệp hôi, doanh nghiệp trong và ngoài nước nên họ có quyền đề xuất những khó khăn, vướng mắc thực tế, những điều hợp lý, bất hợp lý trực tiếp với Thủ tướng…

Điều này sẽ có lợi ích rất lớn trong việc giảm chi phí cho doanh nghiệp do thủ tục hành chính rườm rà tạo nên. Hay nói cách khác là cộng đồng doanh nghiệp sẽ bớt khổ vì thủ tục hành chính.

Vai trò và ảnh hưởng của Hội đồng Tư vấn đối với cải cách thủ tục hành chính ở địa phương sẽ như thế nào, thưa ông ?


Bên cạnh Hội đồng Tư vấn của Thủ tướng sẽ có Tổ Công tác cải cách thủ tục hành chính. Tổ này sẽ có quyền yêu cầu các bộ, ngành và các địa phương phải giảm các thủ tục hành chính rườm ra, nhũng nhiễu với người dân và doanh nghiệp.

Tổ công tác này sẽ có trách nhiệm và quyền được báo cáo trực tiếp với Thủ tướng những tệ nạn quan liêu, nhũng nhiễu ở các bộ ,ngành, địa phương để có những biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời.

Nhưng nhiều ý kiến vẫn cho rằng, dù Hội đồng Tư vấn có ra đời thì “căn bệnh” giành lợi thế cho mình của các công quyền khi giải quyết thủ tục hành chính vẫn khó mà được chữa khỏi?


Với những quyền hạn của Hội đồng theo quy định của Thủ tướng thì hội đồng này có quyền trình trực tiếp với Thủ tướng những khó khăn, vướng mắc và cả những tiêu cực mà không phải phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của bất kỳ bộ, ngành, địa phương nào.

Đây chính là điểm đột phá lớn nhất trong việc cải cách thủ tục hành chính từ trước tới này.

Chính vì vậy, kỳ vọng lớn nhất của người dân và doanh nghiệp là sau khi Hội đồng đi vào hoạt động thì họ sẽ không bị đẩy vào thế khó khi đi giải quyết các thủ tục hành chính và cơ quan công quyền cũng sẽ bớt được tính quan liêu, cứng nhắc trong hoạt động của mình.

Tôi tin rằng, không phải ngay tức thì nhưng "căn bệnh" cố hữu giành lợi thế của cơ quan công quyền sẽ được chữa khỏi trong thời gian tới.

Tại sao gần một nửa số thành viên Hội đồng là các đại diện nước ngoài, thưa ông?


Mục tiêu lớn nhất của cải cách hành chính hiện nay cũng như của Hội đồng Tư vấn là giải quyết những thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực kinh tế. Chính vì vậy, tư tưởng thành lập Hội đồng Tư vấn này đã đi đúng với quan điểm của Đảng, Nhà nước là các doanh nghiệp nước ngoài là một bộ phận cấu thành của nền kinh tế Việt Nam nên Chính phủ đã quyết định mời khá đông các doanh nghiệp, hiệp hội ,nước ngoài tham gia hội đồng.

Hơn nữa, đây chính là những người đã có va chạm, làm ăn lâu dài tại Việt Nam và lợi ích của họ cũng chính là lợi ích của nền kinh tế Việt Nam. Vì vậy, Chính phủ xác định, tiếng nói của họ là rất cần thiết đối với việc cải cách thủ tục hành chính cũng như đối với công cuộc phát triển đất nước.

Dĩ nhiên, không phải họ nói gì, đề xuất gì chúng ta cũng nghe mà phải có sự xem xét, chọn lọc trước khi trình Thủ tướng.

Nhìn chung, với sự ra đời của Hội đồng thì bức tranh về cải cách thủ tục hành chính sẽ như thế nào, thưa ông?


Sự ra đời của Hội đồng Tư vấn được xem là cuộc “cách mạng” trong lĩnh vực cải cách hành chính và là quyết tâm của cả hệ thống chính trị. Chính vì vậy, dù có ảnh hưởng đến quyền lợi, lợi ích của một số cơ quan công quyền thì chúng ta vẫn quyết tâm làm đến cùng để phục cụ mục tiêu chung là cải cách hành chính, kinh tế.

Tôi tin rằng, với những gì mà Hội đồng đã, đang và sẽ làm, cùng với Đề án 30 về Đơn giản hóa thủ tục hành chính của Chính phủ thì đến muộn nhất là đến năm 2010, chúng ta sẽ loại bỏ được tất cả các thủ tục hành chính rườm ra, bất hợp lý, đặc biệt là sẽ chấm dứt được nạn giấy phép con đang tồn tại, nhưng vẫn đảm bảo được sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước.